Khắp nơi vào mùa lễ hội

Theo đúng thông lệ, vào đêm mùng 7 Tết đến sáng mùng 8 tháng giêng âm lịch năm nay, tức đêm 29 đến ngày 30-1, tại tỉnh Nam Định đã diễn ra 2 phiên chợ Viềng nổi tiếng và độc đáo ở miền Bắc, gồm chợ Viềng Phủ (ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản) và chợ Viềng Chùa (xã Nam Giang, huyện Nam Trực).
  • Khai hội chợ Viềng (Nam Định)

(SGGP).- Theo đúng thông lệ, vào đêm mùng 7 Tết đến sáng mùng 8 tháng giêng âm lịch năm nay, tức đêm 29 đến ngày 30-1, tại tỉnh Nam Định đã diễn ra 2 phiên chợ Viềng nổi tiếng và độc đáo ở miền Bắc, gồm chợ Viềng Phủ (ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản) và chợ Viềng Chùa (xã Nam Giang, huyện Nam Trực).

Mặc dù năm nay trời rét đậm, nhiệt độ ban ngày là 14-15°C còn ban đêm là 12-13°C nhưng từ trưa và chiều 29-1, hàng vạn du khách từ khắp nơi đã kéo về chợ Viềng Chùa, Viềng Phủ để trẩy hội. Đồng thời, các chủ kinh doanh cây cảnh, nông cụ, thịt bò… từ khắp các tỉnh như Hải Phòng, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa… cũng nhộn nhịp đưa hàng hóa về bày bán.

Chợ Viềng Nam Định độc đáo ở chỗ cả năm chỉ họp duy nhất một lần vào đêm mùng 7 Tết và kéo dài đến hết ngày mùng 8 tháng giêng âm lịch. Trong khi tại chợ Viềng Phủ, mặt hàng được đem tới bày bán nhiều là cây cảnh, nông cụ và thịt bò thì ở chợ Viềng Chùa, còn có thêm một “đặc sản” nữa là các loại cổ vật, được người dân mang tới để mua bán, trao đổi với quan niệm “mua may bán rủi” nhằm lấy khước cho cả năm.

Do thời tiết thuận lợi cho việc du xuân nên năm nay lượng du khách ở miền Bắc đi trẩy các lễ hội rất đông. Để đảm bảo an toàn lễ hội tại các chợ Viềng Nam Định, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông nan giải như mọi năm, năm nay các ban tổ chức chợ Viềng đều chuẩn bị khá chu đáo. Công an tỉnh Nam Định đã tăng cường 270 chiến sĩ của các phòng, ban công an tỉnh, 60 chiến sĩ công an huyện Vụ Bản và hơn 70 công an viên của 9 đơn vị xã, thị trấn trong huyện. Tổng số có gần 500 cán bộ, chiến sĩ tham gia đảm bảo an toàn trật tự, phân luồng giao thông cho phiên chợ.

Trong khi đó, tại các bản làng vùng cao Tây Bắc như Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng… hôm qua cũng đồng loạt diễn ra các lễ hội vui tươi sinh động của bà con các dân tộc vùng cao. Trong đó, nổi bật là lễ hội Gầu Tào của người Mông và lễ hội lồng tồng (còn gọi lễ hội xuống đồng) của người Tày để cầu chúc cho mùa màng trong năm mới bội thu.

Tại chân núi Ngũ Chỉ Sơn, thuộc xã Tả Giàng Phình (huyện Sa Pa, Lào Cai), ngay từ sáng sớm, hàng ngàn bà con người Mông với những bộ váy áo lộng lẫy nhiều sắc màu đã kéo về tổ chức lễ hội Gầu Tào để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cầu phúc, lộc, tài cho tất cả các gia đình bước vào năm mới 2012. Sau phần lễ được tổ chức theo phong tục là phần hội với các trò chơi như bịt mắt bắt dê, thi leo núi lấy cờ, đẩy gậy, kéo co, câu chai, đi cầu tre qua suối, bắn nỏ... Tại huyện Bảo Thắng (Lào Cai), từng đoàn người cũng nô nức kéo về thôn Mường, xã Xuân Giao để tham dự lễ hội lồng tồng.

Tại tỉnh Quảng Ninh, lễ hội Yên Tử nổi tiếng cả nước cũng đang hoàn tất những khâu chuẩn bị để chính thức được khai hội vào sáng mùng 10 tháng giêng sắp tới. Hiện tại, UBND TP Uông Bí và Công ty cổ phần Du lịch Tùng Lâm (Quảng Ninh) đã giải tỏa xong các điểm vi phạm hàng lang an toàn giao thông, xây dựng các hốc cứu nạn dọc con đường dài 20km từ quốc lộ 18A vào khu di tích Yên Tử. Các bãi đỗ xe được san gạt, mở rộng, bố trí nhân viên hướng dẫn sắp xếp đảm bảo không xảy ra cảnh lộn xộn, ùn tắc.

Sáng 29-1, huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống đầm Ô Loan tại danh thắng quốc gia đầm Ô Loan (xã An Cư, huyện Tuy An). Đây là một lễ hội truyền thống đã diễn ra trên 36 năm, mang nét đẹp văn hóa tập thể của nhân dân vùng sông nước huyện Tuy An với mong muốn cầu cho một năm trời im, sóng lặng, khai thác được nhiều tôm, cá… Gần 200 vận động viên đến từ 13 xã, thị trấn về tham gia và tranh tài 4 nội dung gồm đua thuyền chài 4 người, thuyền rồng nam 12 người, thuyền rồng nữ 12 người, sõng lưới 2 người (nam, nữ). Sau hơn 3 giờ đồng hồ tranh tài quyết liệt, giải nhất toàn đoàn đã được trao cho xã An Cư, giải nhì thuộc về xã An Hải và xã An Hòa nhận giải ba.

Cùng thời điểm, hội đua thuyền rồng trên sông Đà Rằng lần thứ 16 do Phòng VHTT TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) tổ chức đã thu hút hàng ngàn khán giả theo dõi, cổ vũ. Hơn 700 vận động viên của 25 đội đến từ 17 phường, xã và Thành đoàn TP Tuy Hòa đã tranh đua quyết liệt nội dung thuyền rồng ở cự ly nam 4km, nữ 3km. Kết quả, giải nhất toàn đoàn được trao cho phường Phú Đông, giải nhì thuộc về phường 4, giải ba được trao cho xã Hòa Kiến và 18 giải thưởng phụ khác với tổng trị giá trên 50 triệu đồng.

Sáng 29-1, hội thi leo núi Tà Cú (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) mở rộng năm 2012 đã diễn ra sôi nổi với sự tham gia của 270 VĐV thuộc 34 đoàn đến từ Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng và chủ nhà Bình Thuận.

Với các nội dung thi đấu là 6.300m dành cho nam và 5.300m dành cho nữ (trong đó có 2.300m bậc thang bằng đá thiên nhiên lên Linh Sơn Trường Thọ), sau hơn 40 phút tranh tài sôi nổi trên đường trường và quyết liệt trên đường núi dốc cao khúc khuỷu, vận động viên chủ nhà Tạ Thanh Xinh giành giải nhất cá nhân nam tuyển mở rộng. Ở nội dung nữ tuyển mở rộng, vận động viên Nguyễn Thị Nga (Bình Phước) về nhất và giành luôn danh hiệu “Nữ hoàng leo núi 2012”. Hai đoàn Bình Thuận và Bình Phước đoạt giải nhất đồng đội nam và đồng đội nữ.

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục