Kháng nghị tăng hình phạt các bị cáo trong vụ tham ô tại Agribank Mạc Thị Bưởi

Ngày 17-4, Viện KSND Cấp cao tại TPHCM cho biết đã có Quyết định kháng nghị bản án của TAND TPHCM xét xử sơ thẩm vụ tham ô, cố ý làm trái xảy ra tại Phòng giao dịch Hòa Hưng thuộc Chi nhánh Ngân hàng Agribank Mạc Thị Bưởi (viết tắt PGD Hòa Hưng).

(SGGPO).- Ngày 17-4, Viện KSND Cấp cao tại TPHCM cho biết đã có Quyết định kháng nghị bản án của TAND TPHCM xét xử sơ thẩm vụ tham ô, cố ý làm trái xảy ra tại Phòng giao dịch Hòa Hưng thuộc Chi nhánh Ngân hàng Agribank Mạc Thị Bưởi (viết tắt PGD Hòa Hưng).

Theo bản án sơ thẩm, vào sáng 30-1-2015, Phú Minh Hòa (sinh năm 1983, nguyên nhân viên tín dụng PGD Hòa Hưng) được phân công đến Chi nhánh Ngân hàng Agribank Mạc Thị Bưởi để tiếp nhận và áp tải 17 tỷ đồng về PGD Hòa Hưng. Là tổ trưởng phụ trách nhận, áp tải tiền nhưng Hòa đã làm trái hàng loạt các quy định của Nhà nước, quy trình của ngân hàng trong quá trình điều chuyển tiền, tạo điều kiện cho Nguyễn Lê Kiều Quang (nguyên Giám đốc PGD Hòa Hưng) đi theo xe vận chuyển tiền đến Ngân hàng S., lấy toàn bộ 17 tỷ đồng rồi bỏ trốn.

Các bị cáo tại phiên xử sơ thẩm

Ngoài ra, thông qua việc lập khống nhiều hồ sơ tín dụng vay vốn, Quang đã giải ngân, rút ra chiếm đoạt của Ngân hàng Agribank số tiền hơn 12 tỷ đồng. Việc làm này thực hiện trót lọt có sự giúp sức của bị cáo Hòa và bị cáo Đặng Thị Thu Hương (sinh năm 1974, nguyên Phó Giám đốc PGD Hòa Hưng). Trong vụ án này, Nguyễn Lê Kiều Quang bị khởi tố về tội “Tham ô tài sản”. Do Quang đã bỏ trốn nên Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an TPHCM ra Quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can, khi nào bắt được sẽ phục hồi điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Tại phiên xử sơ thẩm vào tháng 2-2017, TAND TPHCM tuyên phạt Phú Minh Hòa mức án 22 năm tù về tội “Tham ô tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, tuyên Đặng Thị Thu Hương hình phạt cảnh cáo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong Quyết định kháng nghị, Viện KSND Cấp cao tại TPHCM nêu quan điểm: hành vi của hai bị cáo Hòa và Hương là đặc biệt nguy hiểm, hậu quả đến nay chưa được khắc phục. Bị cáo Hòa chỉ có một tình tiết giảm nhẹ là “thành khẩn khai báo” nhưng tòa án cấp sơ thẩm áp dụng điều 47 Bộ luật Hình sự để xử bị cáo mức án của khung hình phạt liền kề nhẹ hơn là không đúng quy định, không có tác dụng đấu tranh phòng ngừa tội phạm về tham nhũng, chức vụ đang diễn ra phức tạp như hiện nay.

Hành vi của bị cáo Hương đã phạm vào tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” nhưng bản án sơ thẩm xét xử bị cáo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là không đúng pháp luật hình sự; việc áp dụng hình phạt cảnh cáo trong khi bị cáo bị xét xử về tội phạm rất nghiêm trọng là tiếp tục sai lầm trong việc áp dụng pháp luật.

Từ đó, Viện KSND Cấp cao tại TPHCM kháng nghị một phần bản án sơ thẩm, đề nghị TAND Cấp cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm theo hướng tăng hình phạt đối với bị cáo Hòa và không áp dụng hình phạt cảnh cáo, xét xử bị cáo Hương về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

ÁI CHÂN

>> Đề nghị truy tố 3 bị can trong vụ chiếm đoạt gần 39,5 tỷ đồng tại  Agribank Mạc Thị Bưởi

Tin cùng chuyên mục