Kháng kháng sinh, bé gái 10 tháng tuổi bị thủng thực quản, tràn mủ màng phổi

Sáng 4-8, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố thông tin vừa phẫu thuật thành công cho bé gái tên N.T.N.Y, (10 tháng tuổi, ngụ tỉnh An Giang) bị kháng kháng sinh gây thủng thực quản, tràn màng phổi, nhiễm trùng huyết và nhiễm nấm huyết nặng.

Hiện tại tình trạng sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định và dần phục hồi.
Hiện tại tình trạng sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định và dần phục hồi.

Trước đó, ngày 18-7 bé nhập viện trong tình trạng sốt cao hơn 7 ngày, ho cơn, sau điều trị kháng sinh tại địa phương thêm hơn 10 ngày, bé vẫn sốt cao liên tục, thở mệt hơn, ghi nhận có tràn mủ màng phổi, bé được đặt nội khí quản giúp thở, dẫn lưu màng phổi chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Tại đây, kết quả xét nghiệm, siêu âm ngực và chụp CT ngực cho thấy khoang màng phổi có lớp dịch dầy 14mm, dịch dẫn lưu chọc hút xét nghiệm lợn cợn mủ và nhầy trắng đục như súp cua. Ghi nhận có sự thông thương đường tiêu hoá và màng phổi trên bệnh cảnh và phim CT. Bé được chụp phim thực quản cản quang thì thấy có đường rò thực quản vào khoang màng phổi phải, tổng trạng xấu, nhiễm trùng nặng, kết quả nuôi cấy dịch màng phổi xét nghiệm đều ra dương tính với 2 loại siêu vi khuẩn đa kháng: Acinetobacter baumanii và Klebsiella Pneumoniae, cả hai đều đề kháng với tất cả các đĩa kháng sinh nuôi cấy.

Ngoài ra, bé cũng nhiễm trùng huyết và nhiễm nấm huyết nặng. Các bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phổi nặng, tràn mủ màng phổi phải, nhiễm trùng huyết, nhiễm nấm huyết, theo dõi dò thực quản màng phổi, bé sốt kéo dài, tổng trạng xấu, nhiễm trùng toàn thân nặng, nếu để lâu sẽ nguy cơ dò thủng thực quản nhiễm trùng nhiễm độc lan toả trung thất nguy hiểm tính mạng, nên bé được hội chẩn quyết định phẫu thuật cấp cứu.

Trong lúc mổ ghi nhận bé thủng 1/3 đoạn thực quản dưới, có dò màng phổi thực quản. Kíp mổ dưới sự chỉ đạo từ ThS. BS Tạ Huy Cần  - Trưởng khoa Ngoại lồng ngực, BV Nhi đồng Thành phố đã nhanh chóng cắt đoạn thủng, khâu tận 2 đầu trên và dưới chỗ thủng, mở dạ dày tạm ra da cho bé, rửa và dẫn lưu tháo mủ khoang màng phổi bên phải, sinh thiết mô bệnh gửi giải phẫu bệnh lý.

Sau phẫu thuật bé tiếp tục được hồi sức tích cực, dùng kháng sinh phổ rộng bao vây, kháng nấm, nằm phòng cách ly và hạn chế nhiễm trùng tối đa.
Sau 2 tuần được theo dõi, bệnh nhi dần qua được nguy kịch, hiện cháu đã cai máy thở, mủ ở màng phổi đã được xử lý triệt để, giảm sốt, ăn sữa tiêu qua đường dạ dày tạm, tổng trạng khá hơn. Thời gian tới, bé sẽ tiếp tục được theo dõi, điều trị nhiễm trùng và chuẩn bị sẵn sàng thì cho phẫu thuật triệt để ...

Theo thống kê tại các bệnh viện lớn trong cả nước, trong những năm gần đây đã có nhiều ghi nhận và cảnh báo về trường hợp xuất hiện chủng vi khuẩn toàn kháng (kháng hết tất cả các nhóm). Như vậy vi khuẩn ngày càng có xu hướng đề kháng kháng sinh nhanh hơn, nhiều hơn và đề kháng đồng thời nhiều kháng sinh ở mức độ cao.

Vi khuẩn đa kháng thuốc Acinetobacter baumanii và Klebsiella Pneumoniae là các loại vi khuẩn kháng thuốc nguy hiểm, có khả năng gây bội nhiễm ở phổi, máu và nhiều cơ quan nội tạng khác, do đó việc điều trị hết sức khó khăn. Vi khuẩn này có thể sinh sống trên da người và một số nơi trong môi trường ẩm ướt.

Việc vệ sinh bằng cồn được cho là phương pháp hữu hiệu nhất để tiêu diệt vi khuẩn này.

Tin cùng chuyên mục