Khai thác xu hướng tiêu dùng mới của người trẻ

Cuộc cách mạng khoa học công nghệ đã tác động mạnh đến xu hướng tiêu dùng của giới trẻ Việt Nam. Theo đó, cách thức mua hàng truyền thống là đến tận nơi mua hàng đã dần được thay thế bằng thương mại điện tử. 
Khai thác xu hướng tiêu dùng mới của người trẻ

Tuy nhiên, chưa dừng lại đó, gần đây nhất, nhiều doanh nghiệp nước ngoài, nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc còn đẩy mạnh khai thác xu hướng tiêu dùng mới thông qua đầu tư hệ thống quầy bán hàng tự động. 

Tiết kiệm chi phí nhờ máy bán hàng tự động thế hệ mới

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc cho biết, rất nhiều công ty Hàn Quốc chuyên cung cấp máy bán hàng tự động đã đến tìm hiểu và mở hệ thống đại lý phân phối máy tại Việt Nam. Khác với những thế hệ máy bán hàng tự động cũ trước đây, người mua hàng chỉ có thể chọn lựa những sản phẩm đơn giản như nước uống, nước trái cây sữa và phương thức thanh toán chủ yếu là bằng tiền mặt hoặc tiền xu. Máy bán hàng tự động thế hệ mới có thể cho phép bán sản phẩm đa dạng hơn từ thức uống đến thức ăn đã qua chế biến, quần áo… Tùy theo nhu cầu của nhà đầu tư và chất lượng máy mà số lượng sản phẩm có thể chứa từ 180 - 600 sản phẩm.

Khai thác xu hướng tiêu dùng mới của người trẻ ảnh 1 Máy bán hàng tự động được đặt tại hệ thống văn phòng nhằm đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới của giới trẻ

Đặc biệt, máy bán hàng tự động thế hệ mới ngoài hình thức thanh toán bằng tiền mặt, khách hàng có thể sử dụng điện thoại di động có kết nối mạng để mua hàng thông qua các tính năng thanh toán điện tử như Zalopay, Momo và các loại ví điện tử khác… Máy cũng được trang bị hệ thống ghi nhận các giao dịch mua bán và hỗ trợ phân tích dữ liệu để giúp nhà đầu tư nắm bắt nhanh nhu cầu tiêu dùng của khách hàng, cũng như kiểm soát chặt chẽ hoạt động phân phối sản phẩm của mình. 

Ở góc độ khác, các doanh nghiệp Nhật Bản lại quan tâm đến việc gia tăng thị phần tiêu thụ hàng hóa tại thị trường Việt Nam thông qua việc đầu tư hệ thống máy bán hàng tự động kết hợp với bán hàng. Đại diện Trung tâm Xúc tiến thương mại Nhật Bản cho biết, trong một báo cáo phân tích rõ tiềm năng thị trường Việt Nam mới đây do Chính phủ Nhật Bản công bố, Việt Nam được xác định là thị trường rất tiềm năng với ngành chế biến thực phẩm của Nhật. Bởi Việt Nam có quy mô dân số lớn với gần 100 triệu dân. Lợi thế thị trường nằm trong cơ cấu dân số khi có đến 60% dân số Việt Nam là trẻ, đang trong độ tuổi lao động. Đặc biệt, giới trẻ Việt Nam có ưu thế nắm bắt rất nhanh những thay đổi trong ứng dụng công nghệ.

Hiện tỷ lệ người dùng internet tại Việt Nam đã đạt 53% trên tổng dân số, đứng vị trí thứ 16 trong tốp 20 quốc gia có số người sử dụng internet nhiều nhất tại châu Á. Trong khi đó, doanh nghiệp chế biến thực phẩm tại Nhật lại rất có kinh nghiệm để phát triển những sản phẩm tiện lợi, đáp ứng đa dạng nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam, đặc biệt sản phẩm lại rất phù hợp để bán tại các máy bán hàng tự động. 

Cơ hội mở rộng thị phần 

Trên thực tế, tại Nhật Bản, ước tính cứ 23 người sẽ có 1 máy bán hàng tự động. Hiện tại Nhật có đến 5 triệu chiếc máy bán hàng tự động. Ưu điểm của loại máy bán hàng này là có thể đặt mọi nơi, như tại các cửa hàng tiện lợi, trong những con hẻm nhỏ, nơi dân cư đông đúc hay các tòa cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, cửa hàng tạp hóa… Máy bán hàng tự động đã và đang mang lại những doanh thu khổng lồ ước tính lên đến 60 triệu USD/năm ở Nhật. Những doanh nghiệp đang thu lợi lớn từ các hoạt động này phải kể đến như Coca-Cola, Pepsi, Nike, Adidas, Nestle… Điều này mở ra rất nhiều cơ hội để doanh nghiệp phát triển mạnh hệ thống phân phối bán hàng tự động, gia tăng sự hiện diện tại thị phần tiêu dùng của Việt Nam.

Về phía Tập đoàn Kootoro Việt Nam khẳng định, tập đoàn vốn đã có kinh nghiệm bán hàng thông qua hệ thống đầu tư máy bán hàng tự động tại Nhật Bản. để đón đầu xu hướng tiêu dùng mới của giới trẻ Việt Nam, tập đoàn này đang có chiến lược gia tăng số lượng máy bán hàng tự động cho thị trường nội địa trong thời gian tới. Riêng về hàng hóa mà doanh nghiệp này sẽ tập trung phát triển thị phần là thực phẩm chế biến và nước uống.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần nắm bắt và có những chiến lược phát triển hệ thống phân phối hàng hóa thông qua công nghệ máy bán hàng tự động trên. Đây được xem là giải pháp khả thi nhất để sản phẩm Việt Nam tham gia sâu và giữ được thị phần nội địa của mình với một chi phí tiết kiệm nhất. 

Hiện có đến hơn 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Rào cản lớn nhất của doanh nghiệp là thiếu tiềm lực đầu tư phát triển hệ thống phân phối. Chính vì thế, trong một thời gian dài, các doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào kênh phân phối hiện đại. Tuy nhiên, trong bối cảnh chi phí trả cho việc thuê quầy kệ và chiết khấu cho các hệ thống phân phối hiện đại ngày càng đắt đỏ khiến nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phải xuống hàng khỏi hệ thống phân phối. 

Đại diện Hội Lương thực - Thực phẩm thừa nhận, việc bán hàng tại hệ thống phân phối hiện đại chỉ là để góp phần phát triển và quảng bá thương hiệu, còn lợi nhuận thì gần như bằng không. Do đó, với xu hướng tiêu dùng mới của giới trẻ cộng với khả năng đầu tư hệ thống phân phối với chi phí tiết kiệm, giảm tối đa chi phí nhân công lao động, hứa hẹn sẽ tạo đột phá cho doanh nghiệp nội trong việc mở rộng thị phần tiêu thụ tại thị trường nội địa trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục