Khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên

Nước và năng lượng là 2 ngành chủ đạo, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của kinh tế và xã hội. Đây là 2 ngành thiết yếu cho mọi hoạt động sản xuất và kinh doanh của tất cả các ngành từ công nghiệp, nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản đến xây dựng, dịch vụ và đời sống.
Theo đó, nhu cầu về nước và năng lượng ngày càng tăng. Ước tính, nhu cầu về điện trong 4 năm tiếp theo sẽ tăng 13% hàng năm. Thêm vào đó, với mục tiêu đạt 95% - 100% dân cư được cấp nước sạch vào năm 2025, do vậy nhu cầu về thiết bị, công nghệ lọc nước, xử lý nước thải tại Việt Nam rất lớn. Để có thể đảm bảo được nguồn tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, một mặt chúng ta phải có biện pháp bảo vệ, bảo tồn, khai thác và sử dụng một cách hiệu quả. Mặt khác, cũng cần đẩy mạnh các giải pháp nghiên cứu, ứng dụng để tái chế, phát triển các nguồn tài nguyên ngày một đa dạng hơn.

Theo Hội Cấp thoát nước Việt Nam, thời gian qua mặc dù ngành nước Việt Nam đã phát triển không ngừng và đạt được một số kết quả tích cực nhưng phạm vi phục vụ nước sạch còn thấp; đặc biệt, ở khu vực nông thôn mới đạt 50% - 60%, trong khi tỷ lệ thất thoát nước sạch lên tới 22%. Ngược lại, tình trạng ngập úng ở đô thị ngày càng nghiêm trọng; tỷ lệ nước thải được xử lý tập trung còn thấp (12%). Hiện nay, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng cùng với những diễn biến khó lường từ biến đổi khí hậu như nước sông dâng cao, xâm thực mặn… đòi hỏi ngành nước phải nhanh chóng đổi mới công nghệ, thiết bị và phương án xử lý hiệu quả. Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ cấp thoát nước, việc đổi mới công nghệ, áp dụng các giải pháp quản lý hiệu quả là công việc cấp thiết và thường xuyên của doanh nghiệp ngành nước.

Hướng đến sự phát triển bền vững nguồn nước và năng lượng tái tạo tại Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước cần đẩy mạnh gặp gỡ, giao lưu cũng như trao đổi những kinh nghiệm thực tiễn hữu ích trong ngành nước và năng lượng với các đối tác quốc tế để tiến tới hợp tác, triển khai các dự án bảo vệ, phát triển các nguồn tài nguyên cho Việt Nam.

Trao đổi về nội dung này, bà Phan Thị Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết Việt Nam hiện không ngừng nỗ lực cải thiện nguồn nước và phát triển năng lượng tái tạo với mục tiêu đến năm 2025, phải nâng cao cấp nước sạch cho người dân tại khu vực đô thị đạt 100%; mở rộng hệ thống thoát nước thải và nước mưa ở khu vực đô thị đạt 80%; tăng tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng mới lên 5% đến năm 2020 và 11% đến năm 2025. Tài nguyên nước và năng lượng được xem là 2 yếu tố quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hiện 2 nguồn tài nguyên này đang bị khai thác và sử dụng chưa hiệu quả, gây lãng phí nguồn tài nguyên. Để hạn chế tình trạng này, việc thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại với các doanh nghiệp, nhà sản xuất nước ngoài nhằm cải tiến, nâng cấp thiết bị, trình độ ứng dụng công nghệ, góp phần giải quyết hiệu quả các vấn đề về cấp thoát nước, xử lý nước thải cũng như phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam, được xem là những giải pháp cấp bách trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục