Khai mạc Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam

Sáng nay, 9-5, Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ (DNCN) Việt Nam đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội. Đây là sự kiện được Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) tổ chức nhằm xây dựng cộng đồng các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. 

Mục tiêu của diễn đàn là muốn biến các doanh nghiệp công nghệ trong nước trở thành một động lực để đột phá nền kinh tế, đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và trở thành một nước phát triển.

Tham dự diễn đàn có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều lãnh đạo các bộ ngành, địa phương trong cả nước và đông đảo chuyên gia, DNCN uy tín trong và ngoài nước cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam. Diễn đàn tập trung thảo luận về 4 nhóm chủ đề chính, gồm: DNCN Việt Nam giải quyết bài toán Việt Nam; DNCN Việt Nam giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình; Chính sách và giải pháp phát triển DNCN Việt Nam; Giải pháp, kết nối các DNCN.

Khai mạc Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan và nghe giới thiệu việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác khám chữa bệnh trước khi khai mạc diễn đàn. Ảnh T.B
 
Khai mạc Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam ảnh 2 Toàn cảnh phiên khai mạc. Ảnh T.B
 Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Tăng năng suất lao động, phát triển nhanh và bền vững, phát triển bao trùm, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam thành nước phát triển, sánh vai cường quốc năm châu, khát vọng về một Việt Nam hùng cường. Đâu là câu trả lời chung cho những trăn trở ngàn năm đó của Việt Nam là công nghệ. Cuộc cách mạng số, và đặc biệt là sự phát triển mới của nó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đã tạo ra những cơ hội mới và thời cơ có một không hai cho Việt Nam. Công nghệ có thể giải những bài toán Việt Nam một cách hiệu quả. Việt Nam, với những vấn đề của mình, chính là thị trường để sinh ra và phát triển các DNCN. Việt Nam cũng là cái nôi để các DNCN Việt Nam đi ra toàn cầu, giải những bài toán toàn cầu…
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, “Make in Vietnam” sẽ là tuyên bố của chúng ta về những công nghệ, sản phẩm công nghệ được sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam. DNCN Việt Nam là để “Make in Vietnam”, nếu chúng ta tiếp tục chỉ lắp ráp thì sẽ không giải được bài toán năng suất lao động và  thoát bẫy thu nhập trung bình. “Make in Vietnam” cũng là trách nhiệm của chúng ta như một quốc gia toàn cầu và công dân toàn cầu: Ngoài việc sử dụng, tiêu dùng công nghệ của nhân loại thì Việt Nam cũng phải đóng góp cho  nhân loại, đóng góp cho sự phát triển công nghệ của nhân loại. “Make in Vietnam sẽ không chỉ giúp Việt Nam thịnh vượng mà còn giúp Việt Nam có hoà bình lâu dài, khi góp phần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng hùng mạnh. Chiếc nỏ thần Việt Nam sẽ chỉ có thể do người Việt Nam làm ra. Trên thế giới, hầu hết các công ty công nghệ đều có mảng công nghiệp quốc phòng. Báo chí Việt Nam gần đây có nói đến một start-up công nghệ của Trung Quốc, Công ty LinkSpace, công ty tư nhân đầu tiên sản xuất tên lửa tái sử dụng. Được thành lập năm 2014 bởi những kỹ sư trẻ dưới 30 tuổi. Tại sao các kỹ sử trẻ Việt Nam lại không thể làm điều tương tự” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh và đặt câu hỏi.
Khai mạc Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam ảnh 3 Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh T.B
 Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, ngày nay, bất kỳ công ty nào, dù là cung cấp sản phẩm hay dịch vụ, đều liên quan đến công nghệ. Các công ty sẽ không thể sản xuất và marketing hiệu quả nếu không sử dụng công nghệ, nhất là các công nghệ mới. Những công ty nào áp dụng công nghệ để thay đổi sản phẩm, thay đổi cách tạo ra sản phẩm, thay đổi mô hình kinh doanh thì chính họ sẽ góp phần định hình lại thế giới. Các công ty công nghệ, dù là phát triển công nghệ hay sản xuất công nghệ hay cung cấp công nghệ như là dịch vụ, là nhân tố quan trọng nhất để đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ vào tất cả các doanh nghiệp, vào toàn bộ nền kinh tế và xã hội. Chính vì thế mà phát triển DNCN Việt Nam được coi là ưu tiên số 1. Muốn có các DNCN thì việc tạo ra thị trường có lẽ là quan trọng nhất. Chính phủ là “hộ chi tiêu lớn nhất” của một quốc gia, nếu Chính phủ mua sắm hướng vào các sản phẩm công nghệ thì sẽ góp phần đáng kể, nhất là cho giai đoạn đầu, để sinh ra các công ty công nghệ. Chuyển đổi số quốc gia diễn ra nhanh và trên phạm vi toàn quốc, trong mọi lĩnh vực, từ doanh nghiệp tới chính phủ và xã hội, cũng sẽ tạo ra thị trường vô cùng lớn cho các DNCN số Việt Nam!
Khai mạc Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam ảnh 4 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại diễn đàn. Ảnh T.B
Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, thế giới đang chuyển sang cuộc cách mạnh khoa học công nghệ lần thứ 4. Mỗi địa phương ở Việt Nam phải tìm ra những giải pháp CNTT để nâng cao hiệu quả giải quyết các vấn đề vận hành bộ máy. Trong những năm qua, Hà Nội đã thực hiện cùng lúc nhiều chương trình công nghệ thông tin trên toàn địa bàn. Trong đó, tập trung vào xây dựng mối liên hệ giữa các cơ quan ban ngành, ứng dụng số hoá giúp tiết kiệm thời gian, chí phi và nâng cao hiệu quả làm việc với nhân dân và doanh nghiệp. Hà Nội hướng tới mục tiêu đưa dịch vụ số đến với mọi người, ở bất kỳ đâu. Bên cạnh đó, Hà Nội thúc đẩy tiềm năng công nghệ qua nhiều cách như: chuyển toàn bộ đầu tư công sang thuê dịch vụ số; huy động mọi nguồn lực từ doanh nghiệp trên địa bàn; xây dựng hệ thống phần mềm quản lý nghiệp vụ; tích hợp và khai thác các dịch vụ số; ứng dụng tối đa các văn bản điện tử; sử dụng hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu số; tăng ứng trên thiết bị di động; chuẩn hoá công nghệ thông tin cho nhân dân; khuyến khích người dân tăng sử dụng công nghệ số. Trong 3 năm qua, kế hoạch xây dựng chính phủ điện tử của thành phố Hà Nội đạt được nhiều kết quả tích cực. Hơn 9 triệu dân được đưa vào cơ sở dữ liệu dân cư, vấn đề kết nối giữa sở ban ngành, cơ quan liên quan đến thành phố được thực hiện nhanh gọn. Các dịch vụ công trực tuyến được xử lý nhanh chóng…

Trước khi khai mạc diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các quan khách đã tham quan triển lãm, trưng bày các sản phẩm, dịch vụ công nghệ do DNCN Việt Nam sáng tạo, làm chủ, triển khai. Cuối buổi sáng nay, sau 3 phiên thảo luận chính, Thủ tướng sẽ có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo diễn đàn.

Tin cùng chuyên mục