Khắc phục bất cập lương hưu

Dư luận đang nóng lên với thông tin cô giáo mầm non sau 37 năm công tác và đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) được 22 năm 8 tháng khi nghỉ hưu mỗi tháng nhận được 1,3 triệu đồng.

Đặc biệt hơn mức lương hưu này là do Nhà nước đã cấp bù thêm 75.000 đồng để bằng mức lương tối thiểu chung! Trong khi đó, xã hội cũng không khỏi “sốc” với thông tin 1 trường hợp ở TPHCM cũng hưởng lương hưu nhưng số tiền lên đến 100 triệu đồng/tháng.

Theo quy định hiện hành, mức đóng BHXH căn cứ trên tổng lương và các khoản phụ cấp của người lao động hiện hưởng theo tỷ lệ phần trăm, trừ một số khoản không phải đóng như làm tiền thưởng, ăn giữa ca, xăng xe... Do đó, những người hưởng lương cao sẽ phải đóng BHXH cao và đương nhiên khi nghỉ hưu họ sẽ được hưởng lương cao. Ngược lại nếu ai đóng BHXH thấp thì lương hưu thấp! Điều này là mới nghe qua có vẻ hợp lý, tuy nhiên nếu quan tâm phân tích sâu vẫn có những điểm bất cập, vô lý, cụ thể như sau:

Thứ nhất, việc đóng BHXH là bắt buộc đối với cán bộ, công chức và một số đối tượng hưởng lương từ ngân sách khác. Những người này sẽ được hưởng mức lương cao hay thấp tùy thuộc vào vị trí việc làm, chức vụ, ngành nghề, phụ cấp…

Thực tế số tiền bắt buộc phải đóng BHXH đều được trích ra từ lương, phụ cấp… nhưng vẫn do ngân sách chi trả. Mặc dù về lý thuyết thì quy định tỷ lệ phần trăm Nhà nước chi trả và tỷ lệ phần trăm họ phải… góp cùng Nhà nước nhưng thực tế số tiền này không đến được tay họ và họ cũng không phải móc túi ra trả một đồng nào.

Vì thế cán bộ, công chức, người hưởng lương từ ngân sách, nếu hưởng lương cao thì lợi cả đôi đường. Đó là lúc đang làm việc thì được hưởng lương cao và khi nghỉ hưu lương vẫn cao, chưa kể khi giữ các chức vụ quan trọng thường có nhiều chế độ ưu đãi, bổng lộc... Điều này không hợp lý, đây nguyên nhân gây ra bất công, khoảng cách thu nhập giữa những người làm công ăn lương. Lẽ ra khi anh đang đảm nhiệm vị trí, nghề nghiệp được hưởng lương cao nhưng khi anh về hưu, không ở những vị trí đó nữa thì anh cũng phải như những người khác. Thậm chí nếu không thuộc ngành nghề độc hại thì những người tham gia BHXH có số năm công tác như nhau thì lương hưu phải bằng nhau!

Thứ hai, đối với trường hợp đóng BHXH tự nguyện hoặc từ các nguồn khác không phụ thuộc vào ngân sách nhà nước như làm việc cho tư nhân, công ty nước ngoài, liên doanh… Theo quy định hiện hành họ cũng phải đóng BHXH dựa trên tỷ lệ phần trăm trên tổng lương, phụ cấp hiện hưởng và mức đóng BHXH càng cao thì khi nghỉ hưu lương càng cao. Điều này có vẻ hợp lý, tuy nhiên vấn đề ở đây là lương hưu, mà lương hưu thực chất là khoản trợ cấp xã hội. Theo đó, nếu đạt độ tuổi quy định, cộng với thời gian công tác và thời gian đóng BHXH thì những người về hưu sẽ được hưởng một khoản tiền trợ cấp cho đến khi chết. Mặt khác, nguyên tắc  quan trọng nhất của chế định BHXH là có sự chia sẻ giữa mọi người với nhau và đảm bảo bù đắp một phần thu nhập cho người lao động.

Như vậy, đã là trợ cấp thì chỉ nên là khoản tiền đảm bảo cuộc sống từ mức trung bình trở lên, không thể vì mục đích làm giàu và lại càng không phải là một khoản kinh doanh, phát sinh lợi nhuận! Do đó, phải người hưởng lương hưu chỉ nên nhận một khoản tiền phù hợp, đảm bảo cuộc sống mà thôi. Việc một người nhận lương hưu 100 triệu đồng/tháng là khá bất thường, chẳng khác nào một khoản đầu tư dài hạn!

Theo chúng tôi, cơ quan chức năng cần sớm quy định, điều chỉnh về việc thực hiện chế độ lương hưu còn bất cập hiện nay. Theo đó, cần phải quy định mức “sàn” về lương hưu nhằm đảm bảo quyền lợi cho tất cả những người tham gia BHXH, không chỉ vì hưởng lương thấp, đóng BHXH thấp mà họ phải nhận lương hưu không đủ sống. Đồng thời, cũng nên khống chế về mức “trần” đóng BHXH, trường hợp nếu người được hưởng lương cao mức phải đóng BHXH bắt buộc vượt trần thì nên chuyển số tiền đó sang đóng thuế thu nhập cá nhân sẽ hợp lý hơn.

Tin cùng chuyên mục