Kêu gọi đầu tư theo hình thức công - tư: Chìa khóa phát triển cơ sở hạ tầng

Hiện nay, ngân sách TP chỉ “gánh” nổi 20% so với yêu cầu đầu tư phát triển, do vậy, bài toán tài chính cho hạ tầng thành phố là bài toán khó. 
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong xem một phác thảo công trình xây dựng tại hội nghị Ảnh: CAO THĂNG
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong xem một phác thảo công trình xây dựng tại hội nghị Ảnh: CAO THĂNG
Đó cũng là nội dung được thảo luận tại cuộc họp Tổng kết tình hình triển khai thu hút vốn đầu tư phát triển hạ tầng theo hình thức đối tác công tư (PPP) và định hướng giai đoạn 2017 - 2020 diễn ra sáng 14-6, do Sở Kế hoạch - Đầu tư, Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM phối hợp tổ chức. Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM cùng lãnh đạo các bộ, ngành trung ương đến dự. 
Tìm nhà thầu có kinh nghiệm, năng lực
Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) TPHCM Nguyễn Thị Thu Hoa cho biết, giai đoạn trước năm 2015 (trước khi có Nghị định 15/2015/NĐ-CP thu hút theo hình thức PPP) thì TP thu hút được 18 dự án đầu tư dưới hình thức BOT, BT, BTO, BOO với tổng mức đầu tư hơn 59.200 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực giao thông có 15 dự án, môi trường 1 dự án, bãi đậu xe 2 dự án. Dự án tiêu biểu đã hoàn thành đưa vào sử dụng là cầu Phú Mỹ (BOT) với tổng vốn đầu tư 2.914 tỷ đồng; cầu Sài Gòn 2 với tổng vốn đầu tư 1.827 tỷ đồng. Và sau khi có Nghị định 15/2015/NĐ-CP, TP đã kêu gọi, hoàn tất ký kết hợp đồng và triển khai thực hiện 5 dự án đầu tư theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư khoảng 11.902 tỷ đồng. Báo cáo về nhu cầu kêu gọi đầu tư hiện nay, ông Võ Khắc Thái, Chủ tịch UBND quận 3, cho biết địa phương có nhiều chung cư xây dựng trước năm 1975 đang xuống cấp; hệ thống trường, trạm chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Thời gian qua quận đã mạnh dạn áp dụng nhiều dự án đầu tư với hình thức PPP với tổng vốn trên 10.000 tỷ đồng trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, đô thị để giảm áp lực nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước.  Ông Lê Hòa Bình, Chủ tịch UBND quận 7 cũng cho biết, Bệnh viện quận 7 nằm ngay cửa ngõ phía Nam, nhu cầu quy mô 500 giường nhưng hiện chỉ mới đầu tư được 100 giường, 400 giường còn lại phải phát huy nguồn lực xã hội bằng hình thức kêu gọi đầu tư PPP. Quận cũng cần cải tạo 2 chung cư cũ, các công trình chống ngập… đang kêu gọi sự hợp tác đầu tư từ bên ngoài. Qua quá trình thu hút đầu tư PPP, đã rút ra kinh nghiệm là chỉ cần có tư vấn tốt ngay khi lập đề án, tìm được nhà thầu có kinh nghiệm, năng lực thì sẽ rút ngắn được thời gian.  Đại diện Công ty Trung Nam cho rằng, hầu hết các dự án chậm triển khai, có tranh chấp là do không xét kỹ năng lực nhà đầu tư. Đại diện công ty này kiến nghị, đối với những liên danh có trên 3 nhà đầu tư thì nên xem xét lại, vì dễ sinh tranh chấp. Còn đại diện một công ty tư vấn kiến nghị cần phải có tiêu chuẩn, quy chuẩn trước khi kêu gọi đầu tư, nhất là đối với các dự án an ninh quốc phòng, cần phải công khai đối tượng nào được tiếp xúc, được tham gia dự án để công bằng hơn. Đánh giá về hiệu quả đầu tư, bà Nguyễn Thị Thu Hoa, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, cho rằng: “Các dự án kêu gọi đầu tư đã tận dụng được nguồn lực tư nhân. Nhà nước không phải mất chi phí đầu tư xây dựng, chi phí quản lý, vận hành; chất lượng dịch vụ công được nâng cao nhưng vẫn đảm bảo phục vụ người dân theo các mức phí quy định”.   Đất có hạn, PPP sẽ khó… Nghị quyết 15 về thu hút đầu tư hạ tầng theo hình thức PPP cho phép địa phương hoàn trả bằng quỹ đất cho nhà đầu tư. Thế nhưng, quỹ đất trên địa bàn TP còn hạn chế, nếu áp dụng hình thức thanh toán bằng đất thì sẽ…cạn nguồn. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, PPP là hình thức đầu tư rất tốt theo đánh giá của thế giới. Trong khi tổng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển tại TPHCM giai đoạn 2016 - 2020 ước tính lên đến 850.000 tỷ đồng, mà khả năng ngân sách TP đáp ứng được chỉ 20%. Riêng đầu tư cho hạ tầng (môi trường, giao thông, ngập nước) đến năm 2021 cần 500.000 tỷ đồng, nhưng TP chỉ chi được 31% trong số đó, nên TP phải chủ động kêu gọi đầu tư từ bên ngoài để đáp ứng yêu cầu này.  Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa lý giải rằng TP đang hội nhập và phát triển thì có nhiều nội dung để làm, đặc biệt phải đầu tư hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Đây là khâu nền tảng, cơ sở để thực hiện các thiết chế khác. Với thực trạng hiện nay, vấn đề tài chính là quan trọng, nhưng khả năng TP có hạn nên phải huy động các nguồn khác để bù đắp là điều tất yếu. Việc huy động nguồn chỉ có 2 cách là vay nước ngoài hoặc kêu gọi vốn trong nước. Do đó, TP đón nhận và hoan nghênh các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển hạ tầng. Đồng chí Lê Văn Khoa cho rằng phải nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý cả về tầm và tâm. Không để xảy ra chuyện cấp trên kêu gọi đầu tư, cấp dưới hành xử không đúng. Chủ tịch Nguyễn Thành Phong chỉ đạo Sở KH-ĐT xây dựng tiêu chí từng loại dự án PPP làm cơ sở lựa chọn, chuyển đổi phương thức đầu tư công cho đúng pháp luật và đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư - cơ quan quản lý - người dân. Đồng thời, Sở KH-ĐT phải công khai trên web về nhu cầu đầu tư công của TP, trong đó thông tin cụ thể về danh mục các dự án PPP đang kêu gọi đầu tư, các dự án đầu tư công chuyển sang PPP để các nhà đầu tư nắm đầy đủ thông tin.
Hiện TP đang thực hiện thủ tục đầu tư 130 dự án theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư dự kiến 380.947 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực hạ tầng giao thông vận tải, môi trường, chỉnh trang, phát triển đô thị có 93 dự án; thương mại - dịch vụ có 2 dự án; giáo dục 4 dự án; y tế có 14 dự án; văn hóa thể thao 17 dự án. 
Giai đoạn 2017 - 2020, TP tiếp tục kêu gọi đầu tư 116 dự án theo hình thức PPP với tổng mức dự kiến 136.714 tỷ đồng. 

Tin cùng chuyên mục