Kẹt xe gia tăng

Kẹt xe, ùn tắc giao thông (UTGT) diễn biến phức tạp trở lại tại TPHCM ngay trong những tháng đầu năm 2019. So với trước, số điểm, khu vực phát sinh mới; tần suất, thời gian kẹt xe tăng cao, kéo dài gấp nhiều lần; trong khi đó chính quyền, ngành chức năng một số nơi lại tỏ ra bất lực với giải pháp. 

Thực tế trên đã và đang làm đảo lộn công việc, cuộc sống, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, kéo theo nhiều hệ lụy xã hội phát sinh. 

“Thủ phạm” cũ

 6 giờ 30, giao thông trên đường Nguyễn Thái Học đoạn bên hông cầu Ông Lãnh (phường Cầu Ông Lãnh, quận 1) bị tê liệt, hàng trăm xe máy, ô tô xếp hàng dài, nhích từng centimét. Sợ trễ giờ làm, không kịp giờ học của con, nhiều người lưu thông phía sau liên tục nhấn còi thúc giục người phía trước cố gắng di chuyển, số khác chen chúc chạy xe lên vỉa hè, song vẫn không có kết quả.

Quan sát trong nhiều giờ, chúng tôi thấy thủ phạm gây ra kẹt xe, UTGT tại đây chính là các xe đẩy, hàng rong, các quầy rau củ quả bên đường. “Chủ các quầy hàng bày hàng hóa tràn ra kín vỉa hè, khách đến mua không có chỗ phải dựng xe dưới lòng đường, hỏi sao không kẹt xe”, ông Nguyễn Ngọc Hòa, chạy xe ôm ở góc đường Nguyễn Thái Học - Võ Văn Kiệt, bức xúc.

Ông Hòa kể, có hôm cửa hàng bán trái cây để hàng ra sát mép đường, người đi đường quẹt trúng, lại xảy ra lớn tiếng, xô xát, ẩu đả, giao thông vì thế càng ùn tắc kéo dài hơn.

Theo người dân địa phương, tình trạng kẹt xe, UTGT trên đường Nguyễn Thái Học (bên hông cầu Ông Lãnh) kéo dài nhiều năm nay và ngày càng nghiêm trọng hơn (kẹt xe cả giờ cao điểm và giờ bình thường). Tương tự, giao thông tại vòng xoay Công trường Dân Chủ (giáp quận 10 và quận 3) thời gian gần đây kẹt xe thường xuyên và mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Kẹt xe gia tăng ảnh 1 Đường Nguyễn Thái Học (bên hông cầu Ông Lãnh) thường xuyên bị ùn tắc giao thông do hàng rong, các cửa hàng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Ảnh: THU HƯỜNG
Tại quận 8, tuyến đường Tùng Thiện Vương (đoạn trước Trường THCS Tùng Thiện Vương) cũng luôn trong tình trạng tương tự. Bên cạnh xe đẩy, hàng rong, các cửa hàng bày hàng hóa để kín vỉa hè, tràn xuống lòng đường, tình trạng phụ huynh thiếu ý thức, bất chấp pháp luật, lưu thông ngược chiều, không đúng làn đường… góp phần lớn khiến giao thông bị ùn tắc nghiêm trọng.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến kẹt xe, UTGT nghiêm trọng trên các tuyến đường ở quận 8 trong thời gian gần đây là do có quá nhiều lô cốt công trình xuất hiện, án ngữ trên các tuyến đường. Tại quận 8, hiện có tổng cộng 38 rào chắn của các công trình đào đường, tập trung nhiều trên tuyến đường Phạm Thế Hiển, Cao Lỗ, Bông Sao, Âu Dương Lân…

Đáng chú ý, trong số này có nhiều rào chắn “án binh bất động” trong thời gian dài, bên trong không thi công, ở phía ngoài không có người chốt trực hướng dẫn giao thông, để đèn cảnh báo vào ban đêm. Mỗi khi có xe tải, xe khách đi qua bên hông lô cốt, các xe gắn máy phải chờ, lập tức giao thông bị dồn ứ, kẹt xe hàng dài.

Thực tế trên cho thấy tình trạng kẹt xe, UTGT đang diễn biến phức tạp tại TPHCM, nhất là ở các cửa ngõ, khu vực có nhiều trường học, chợ, công trình thi công. Nguyên nhân vẫn là những “thủ phạm” cũ: người dân lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; tham gia giao thông trái luật; dừng đậu xe không đúng nơi quy định…, thế nhưng chính quyền, ngành chức năng nhiều nơi vẫn chưa thể xử lý dứt điểm. Vì sao?

Điệp khúc “cần thời gian, lộ trình”

Ông Nguyễn Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND phường Cầu Ông Lãnh, thừa nhận tình trạng kẹt xe thường xuyên xảy ra trên đường Nguyễn Thái Học (đoạn bên hông cầu Ông Lãnh). Dẫn đến tình trạng này, theo ông Nguyễn Văn Phú, có 4 nguyên do: Các quầy hàng kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; đậu xe máy dưới lòng đường; phương tiện lưu thông ngược chiều để ra Võ Văn Kiệt; công nhân vệ sinh đậu xe rác dưới lòng đường.“Thời gian qua, địa phương quyết tâm xử lý, tuy nhiên kết quả không như mong đợi. Khi lực lượng chức năng xuống đường kiểm tra, các cửa hàng buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường lập tức hay tin và thu dọn. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng quay đi thì vi phạm trở lại như cũ, trong khi nhân sự của phường lại mỏng, không thể trực chốt, kiểm tra, xử lý vi phạm 24/24 giờ”, ông Phú giải thích; đồng thời cho biết chính quyền sở tại sẽ thực hiện quyết liệt hơn việc xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường ở cầu Ông Lãnh trong thời gian tới để xóa điểm nóng kẹt xe tại đây.   

Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng UTGT thường xuyên tại vòng xoay Công trường Dân Chủ, Phó Chủ tịch UBND quận 3 Trần Thanh Bình cho biết có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do phụ huynh đưa rước học sinh tại Trường THCS Lê Lợi dừng đậu xe dưới lòng đường. Quận 3 sẽ chỉ đạo Phòng GD-ĐT và UBND - Công an phường có trường đóng trên địa bàn xử lý dứt điểm tình trạng này.

Tuy nhiên, theo ông Bình, để giải quyết dứt điểm điểm nóng UTGT tại vòng xoay Công trường Dân Chủ, giải pháp căn cơ là Sở Giao thông Vận tải TPHCM phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây cầu vượt tại đây. Về giải pháp xóa điểm nóng kẹt xe, UTGT có nguyên nhân từ việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, Phó Chủ tịch UBND quận 3 Trần Thanh Bình cho biết đã giao thẳng trách nhiệm cho phường, theo đó phường nào để vi phạm tồn tại, phát sinh, bí thư, chủ tịch ở đó sẽ bị xử lý.

Theo Trung tá Hồ Đình Hải, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an quận 8, đơn vị đã phối hợp với lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức điều tiết, phân luồng giao thông tại các cổng trường, khu vực chợ, nơi có nhiều công trình đào đường, nhằm hạn chế phương tiện đi qua các khu vực trên; đồng thời hướng dẫn người dân lưu thông theo lộ trình khác, có thể đi qua các tuyến đường trong khu dân cư vào các giờ cao điểm để giảm kẹt xe, ùn tắc.

Ngoài ra, đơn vị cũng đề nghị UBND các phường có trường học đóng trên địa bàn kiên quyết xử lý dứt điểm tình trạng xe đẩy, hàng rong hoạt động trước cổng trường, bởi đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến kẹt xe; kiến nghị UBND quận 8 rà soát, phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan xử lý nghiêm các chủ đầu tư, đơn vị thi công vi phạm, rào chắn sơ sài, không đúng quy định, gây cản trở giao thông, nguy hiểm đến người đi đường.

Thí điểm mô hình chợ đêm, điểm bán hàng rong

Ông Đậu An Phúc, Phó Chủ tịch UBND quận 12, cho biết quận đang chỉ đạo Phòng Kinh tế phối hợp UBND 11 phường nghiên cứu mô hình chợ đêm và điểm bán hàng rong, lựa chọn điểm phù hợp để thực hiện việc thí điểm mô hình chợ đêm, điểm bán hàng rong tập trung người bán hàng rong về một mối nhằm dễ quản lý, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.

Hiện nay đã thành lập được chợ tạm Cây Sộp (phường Tân Hưng Thuận), điểm bán hàng rong cống Cầu Đồng (phường Thạnh Lộc), điểm bán hàng rong chợ Minh Phát (phường Thạnh Xuân) và chợ đêm (phường Trung Mỹ Tây)… Từ khi thí điểm mô hình này, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường mua bán, kinh doanh đã được kéo giảm, theo đó nạn kẹt xe, UTGT được hạn chế.

Tin cùng chuyên mục