Kết nối cung ứng hàng hóa cho người tiêu dùng

Với mức tiêu dùng của 13 triệu dân và là nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm cho các tỉnh/thành khác, có thể nói áp lực về nguồn cung cho thị trường hàng hóa TPHCM không hề nhỏ. Để có được sự ổn định, bền vững, không thể không nhắc tới mối liên kết, sự đồng lòng của các nhà sản xuất, cung ứng ở các tỉnh/thành trong việc tạo nguồn hàng hóa và đảm bảo các yếu tố chất lượng.
Nhờ kết nối hiệu quả, nhiều đặc sản của ĐBSCL đang được tiêu thụ rộng rãi trên hệ thống siêu thị Co.opmart
Nhờ kết nối hiệu quả, nhiều đặc sản của ĐBSCL đang được tiêu thụ rộng rãi trên hệ thống siêu thị Co.opmart

Kết nối tiềm năng thế mạnh hàng Việt

Trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nhu cầu hàng hóa cho thị trường TPHCM là rất lớn, nên việc liên kết đã và đang được các nơi thực hiện ngày càng thiết thực, đi vào thực chất hơn. Với vai trò đầu tàu khu vực phía Nam, TPHCM đã tiên phong triển khai chương trình hợp tác thương mại với các tỉnh/thành Đông - Tây Nam bộ; trong đó điểm nhấn là hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa với mục tiêu hình thành chuỗi cung ứng, tiết giảm chi phí trung gian, định hướng đầu tư quy mô lớn, truy xuất nguồn gốc, hướng tới cung ứng cho người dân nguồn hàng hóa chất lượng đảm bảo và giá thành hợp lý.   

Nhận thấy được lợi ích của câu chuyện kết nối, các địa phương hầu hết đều rất quan tâm, đề nghị TPHCM tiếp tục tổ chức các sự kiện kết nối định kỳ, bởi việc này đã tạo được sức lan tỏa lớn, trở thành xu thế chung của các địa phương trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp (DN). Không chỉ kết nối tiêu thụ hàng hóa, thông qua chương trình kết nối cung - cầu, TPHCM còn tìm kiếm, chọn lọc được nhiều DN các tỉnh/thành tham gia vào nguồn hàng bình ổn thị trường. Đến nay, đã kết nối thực hiện được trên 75 dự án đầu tư sản xuất, liên kết đầu tư với tổng số vốn 27.428 tỷ đồng, gồm các dự án nuôi trồng, chế biến thực phẩm, xây dựng nhà máy, trang trại, trung tâm thương mại, siêu thị… Trong đó, liên kết cung ứng vốn cho nông dân chăn nuôi, trang trại rau sạch đạt 2.500 tỷ đồng mỗi năm.

Là địa phương tích cực thực hiện công tác kết nối với TPHCM, ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An, cho biết trong quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản, các DN - hợp tác xã (HTX) của Long An gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, trong 3 năm trở lại đây, Long An đã liên tục thực hiện những chương trình hội nghị kết nối cung cầu cho DN trong tỉnh với các nhà phân phối của TPHCM để tìm đầu ra cho nông sản. Kết quả là, các DN Long An đã ký kết được 57 ghi nhớ để cung ứng hàng hóa nông sản vào các hệ thống siêu thị thuộc thương hiệu của Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), như Co.opmart, Co.op Smile, Co.op Food, Cheers... Đến năm 2018 đã có 51/57 hợp đồng cung ứng hàng hóa nông sản, thực phẩm cho các DN của TPHCM được triển khai thực hiện. 

Ông Lê Minh Đức cho biết thêm, ngoài các hội nghị kết nối cung cầu, Sở Công thương tỉnh còn hỗ trợ DN tham gia chợ phiên nông sản an toàn vào sáng chủ nhật hàng tuần tại TPHCM. Thông qua các phiên chợ, DN đã giới thiệu các sản phẩm nông sản an toàn đến người tiêu dùng TPHCM và còn tạo được hiệu ứng lan tỏa, góp phần tiêu thụ hàng hóa nông sản an toàn của tỉnh. Đáng mừng là qua chương trình này, DN của Long An đã ký được 13 hợp đồng cung ứng gạo và rau an toàn, chuối cho các đối tác ở TPHCM. Như, Công ty TNHH Gạo an toàn Minh Tâm đã cung ứng gạo chất lượng cao cho 3 đại lý gạo; HTX Rau an toàn Việt đã ký được 10 hợp đồng cung ứng ứng rau vào chuỗi nhà hàng; Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình ký hợp đồng cung cấp chuối cho Satra, Saigon Co.op và nhiều shop trái cây trên địa bàn thành phố. 

Tương tự, Đồng Tháp cũng là địa phương tích cực kết nối với TPHCM thông qua cung ứng hàng hóa cho các siêu thị, chợ đầu mối. Cuối tháng 10-2018 vừa qua, tại hội nghị kết nối cung - cầu hàng Việt năm 2018 của tỉnh Đồng Tháp đã có hàng chục biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các DN, cơ sở sản xuất, HTX của Đồng Tháp với các nhà phân phối TPHCM, như Saigon Co.op, Big C Việt Nam, các chợ đầu mối Bình Điền, nông sản Thủ Đức, Hóc Môn. Qua đó, có thể thấy việc hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt trong thời gian tới là hoàn toàn có cơ sở. Theo thông tin từ Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp, chỉ tính riêng với hệ thống siêu thị Co.opmart, bình quân hàng tháng, hàng hóa của Đồng Tháp cung ứng vào hệ thống này đạt doanh số khoảng 10 tỷ đồng. Bà Võ Phương Thủy, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ rằng nhờ kết nối cung cầu, cũng như được các DN phân phối, nhà đầu tư tiếp tục đồng hành với các nhà sản xuất, nông dân, mà những sản phẩm của Đồng Tháp sản xuất ra ngày càng đạt các tiêu chuẩn thị trường và phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng. Từ đó, dần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, nâng cao đời sống của người dân địa phương.

Đẩy mạnh kết nối 

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, đánh giá các chương trình kết nối cung - cầu, hợp tác thương mại hay truy xuất nguồn gốc đã tạo không gian cho các DN - nhà phân phối tìm kiếm cơ hội hợp tác để tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa, hướng đến xuất khẩu; tạo điều kiện để nông dân, tổ hợp tác, HTX nông - lâm - ngư nghiệp tiếp cận, kết nối với các nhà phân phối sản phẩm trong và ngoài nước. Qua đó thúc đẩy có hiệu quả và chất lượng hoạt động sản xuất nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các địa phương, hỗ trợ hình thành kênh phân phối sản phẩm nông sản đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP…

Cũng từ các hoạt động kết nối cung - cầu, TPHCM có điều kiện tìm kiếm nguồn hàng đặc sản trên cả nước để cung cấp cho thị trường thành phố. Ưu tiên phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán 2019, bổ sung nguồn cung hàng cho chương trình bình ổn thị trường, thành phố sẽ thúc đẩy chuỗi liên kết để đưa nguồn hàng có giá cả hợp lý, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, đưa vào bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp - khu chế xuất, xí nghiệp có nhiều công nhân lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sản xuất tiêu thụ hàng hóa.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối hợp tác, ông Hòa cho biết, trong thời gian tới, sở công thương các tỉnh/thành sẽ rà soát, lập danh sách các DN uy tín để cung cấp cho TPHCM và đăng trên trang thông tin điện tử www.ketnoicungcau.vn. Sở Công thương TPHCM cũng tập hợp và cung cấp danh sách các sản phẩm, DN uy tín để đôn đốc các hệ thống phân phối trên địa bàn tìm hiểu thông tin, lựa chọn các nhà cung ứng tiềm năng.

Tin cùng chuyên mục