Kenya và vai trò hòa giải của ông Obama

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đang dành sức để hỗ trợ cho việc xây dựng lại lòng tin của công chúng đối với đảng Dân chủ sau thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 và gìn giữ những di sản của ông đang bị Tổng thống đương nhiệm Donald Trump phá bỏ. 

Giờ đây, ông có thêm công việc mới: hòa giải cho những căng thẳng có nguy cơ trở thành nội chiến sau cuộc bầu cử tổng thống Kenya, quê cha của ông. Theo tờ The New York Time, ông Obama bày tỏ sự thất vọng về cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 8-8 vì đã có quá nhiều yếu tố kích động và tố cáo lẫn nhau từ mọi phía. Ông Obama cho rằng, cuộc bầu cử như vậy về tổng thể thì chính người dân Kenya là người thua cuộc trước khả năng xảy ra bạo lực.

Sau một cuộc bầu cử gây tranh cãi trong năm 2007, lúc đó lãnh đạo phe đối lập Raila Odinga thua, đã dẫn đến các vụ bạo động khiến ít nhất 1.300 người thiệt mạng và 600.000 người phải rời khỏi nhà. Trong cuộc bầu cử lần này, ông Odinga lại ra tranh cử tổng thống lần thứ tư với đương kim Tổng thống Uhuru Kenyatta. Tại Kenya, ông Kenyatta (55 tuổi) được nhiều người sắc tộc Kikuyu và Kalenjin ủng hộ, trong khi ông Odinga (72 tuổi) được những người sắc tộc Luo, Luhya và Kamba ủng hộ. Có tin cho biết với hơn 50% số phiếu được kiểm, ông Kenyatta đạt 55% phiếu bầu và ông Odinga chỉ đạt gần 44%. Ông Odinga tuyên bố cuộc bầu cử có gian lận.

Theo ông William M. Bellamy, cựu đại sứ Mỹ tại Kenya, hiện giờ là giáo sư về quan hệ quốc tế tại Trường Simmons College, có thể ảnh hưởng của ông Obama với Kenya không lớn lắm nhưng tiêu chuẩn do ông và các nhà quan sát quốc tế đặt ra sẽ có tác động lớn đến việc người Kenya đánh giá chính xác về cuộc bầu cử tổng thống của họ. Quyết định của cựu Tổng thống Obama nói về cuộc bầu cử ở Kenya là một sự thay đổi đáng chú ý kể từ khi ông rời Nhà Trắng. Cuộc bầu cử Tổng thống Kenya 2017 là cuộc sát hạch những cải cách được thực hiện sau vụ bạo động của cuộc bầu cử năm 2007. Vấn đề cải cách lớn nhất là hòa giải dân tộc có kết quả như thế nào sẽ được chứng minh qua cuộc bầu cử này. Những cải cách sau năm 2007 bao gồm những thay đổi theo hiến pháp nhằm chống lại sự phân chia sắc tộc, chuyển giao quyền lực trong hòa bình và cải tiến hệ thống bầu cử. Nhiều người Kenya mong muốn đảm bảo một nền dân chủ vững vàng.

Thêm vào đó, dân số ngày càng tăng của thanh thiếu niên thành thị được kết nối với kỹ thuật số nhiều hơn và có thái độ dân chủ hơn. Hơn một nửa số cử tri đăng ký đi bầu dưới 35 tuổi. Họ yêu cầu chính phủ tập trung vào tăng trưởng kinh tế của Kenya chứ không phải giành chiến thắng theo sắc tộc. Nền kinh tế Kenya ngày càng phát triển nhanh đẩy nước này đối mặt với sự bất bình đẳng nghiêm trọng trong sở hữu đất đai và tình trạng tham nhũng tồi tệ hơn. Khoảng một nửa trong số 48 triệu dân sống dưới mức nghèo khổ. Kenya cũng bị gánh nặng những người tị nạn và bạo lực tràn qua xuyên biên giới từ Somalia và Nam Sudan. Tổng thống mới được bầu sẽ phải giải quyết tất cả những vấn đề này. Đó là lý do tại sao có rất nhiều nhóm quốc tế ủng hộ cuộc bầu cử này, đây là một trong số những cuộc bầu cử lớn nhất châu Phi với khoảng 16.000 ứng cử viên tranh cử nhiều cấp.

Tin cùng chuyên mục