Ít doanh nghiệp tận dụng tiện ích hóa đơn điện tử, vì sao?

Sau 1 năm thực hiện Nghị định 119/2018/NĐ-CP về việc áp dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng, cung ứng dịch vụ, dù được đánh giá là quy định này phù hợp với xu thế thời đại công nghệ số, thế nhưng đến nay việc triển khai vẫn chưa thuận lợi. 
Người dân xem hóa đơn điện tử thanh toán tiền điện. Ảnh: THÀNH TRÍ
Người dân xem hóa đơn điện tử thanh toán tiền điện. Ảnh: THÀNH TRÍ

Số lượng doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử chưa nhiều. Việc sử dụng hóa đơn điện tử cũng chưa thuận lợi vì doanh nghiệp vừa phải lập hóa đơn trên mạng vừa phải in ra để làm bằng chứng trong quá trình lưu chuyển hàng hóa.

Tốn thêm chi phí

Đó là phản ánh của doanh nghiệp tại buổi lãnh đạo Cục Thuế TPHCM tiếp xúc với doanh nghiệp do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC) TPHCM tổ chức mới đây. Doanh nghiệp cho rằng khi thực hiện hóa đơn điện tử, tưởng mọi thứ chỉ thực hiện trên môi trường mạng, nhưng do công tác quản lý của cơ quan nhà nước chưa đồng bộ nên doanh nghiệp vẫn phải in hóa đơn điện tử, tốn thêm thời gian, giấy mực.

Cụ thể, khi hàng hóa trên đường vận chuyển, các cơ quan quản lý nhà nước không có thiết bị để kiểm tra hóa đơn điện tử, buộc doanh nghiệp phải in hóa đơn ra, rồi đóng dấu đỏ treo để trình khi cơ quan chức năng kiểm tra. Ngoài ra, do các doanh nghiệp thực hiện hóa đơn điện tử chưa đồng bộ nên nhiều doanh nghiệp không yên tâm, vẫn buộc bên bán in hóa đơn điện tử, đóng dấu để họ lưu trữ.

Mặc dù Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định hóa đơn điện tử là nhằm nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính và thủ tục quản lý thuế, phục vụ doanh nghiệp được tốt hơn, đặc biệt là hướng tới quản lý, sử dụng hóa đơn một cách thống nhất, dễ thực hiện hơn. Thế nhưng, đến nay đã 1 năm triển khai nhưng số lượng doanh nghiệp đăng ký phát hành hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế chỉ mới 280 doanh nghiệp, trong đó chỉ có 255 doanh nghiệp xuất hóa đơn điện tử có mã xác thực với khoảng 2,3 tỷ hóa đơn. 

Trong khi đó, theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trước những thay đổi chóng mặt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc áp dụng hóa đơn điện tử là xu thế tất yếu để doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số. Sử dụng hóa đơn điện tử sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian và chi phí. Theo tính toán khi triển khai, sử dụng hóa đơn điện tử sẽ giúp doanh nghiệp giảm tới 70% các bước quy trình phát hành và 90% các tranh chấp liên quan đến hóa đơn; rút ngắn tới 99% thời gian thanh toán, quản lý hóa đơn; tiết kiệm 80% chi phí cho mỗi hóa đơn.

Cần tháo gỡ khó khăn

Dù việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử ở các doanh nghiệp chậm, nhưng không ai có thể phủ nhận những tiện ích của hóa đơn điện tử và đây chính là xu thế phát triển trong nền công nghệ số. Do vậy, ngành thuế đã quan tâm đến việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giúp doanh nghiệp thực hiện hóa đơn điện tử. Trong đó, điều cần nhất của việc ứng dụng hóa đơn điện tử có mã số xác thực của cơ quan thuế, trước tiên đòi hỏi cơ quan thuế phải xây dựng hạ tầng kỹ thuật đủ lớn về công nghệ thông tin, quản lý dữ liệu. Thậm chí, hỗ trợ doanh nghiệp cả về hệ thống quản lý, để doanh nghiệp dễ dàng khai thác dữ liệu và ứng dụng hóa đơn điện tử. Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan phải khuyến khích doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đi kèm với giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt cho đồng bộ.

Đồng thời để doanh nghiệp chuyển đổi từ phương thức phát hành, quản lý hóa đơn từ cơ chế mua hóa đơn của cơ quan thuế sang tự đặt in, tự in hóa đơn (theo Nghị định 51/2010/NĐ-CP và Nghị định 04/2014/NĐ-CP) sang áp dụng hóa đơn điện tử có xác thực của cơ quan thuế (theo Nghị định 119/2018/NĐ-CP), các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tập huấn, tư vấn, tuyên truyền các hiệu ích của loại hóa đơn này. Bởi việc áp dụng hóa đơn điện tử là phù hợp với xu hướng quốc tế, tạo thuận tiện cho doanh nghiệp và giúp cơ quan thuế quản lý hệ thống tốt hơn. Đó cũng là kho dữ liệu để các doanh nghiệp khai thác mà không cần lưu trữ hóa đơn giấy tốn kho bãi như trước. Việc này sẽ ngăn chặn việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, gian lận, trốn thuế và tạo công bằng giữa các doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục