Iran bắt tàu chở dầu của Anh: Giá dầu tăng ngay lập tức

Ngày 20-7, Chính phủ Anh cho biết Iran đã bắt 2 tàu chở dầu của nước này hoạt động ở vùng Vịnh hôm 19-7 khiến tình hình eo biển Hormuz ngày càng nóng, giá dầu thế giới cũng tăng cao sau vụ này.
Tàu dầu của Anh hoạt động tại vùng Vịnh
Tàu dầu của Anh hoạt động tại vùng Vịnh

Căng thẳng leo thang

Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran cho biết họ đã bắt giữ Stena Impero, tàu chở dầu treo cờ Anh, vì cáo buộc vi phạm luật hàng hải. Hãng thông tấn bán chính thức Tasnim của Iran cho biết tàu chở dầu thứ 2, chiếc Mesdar, không bị bắt giữ. Theo đó, con tàu này được phép tiếp tục hải trình sau khi được cảnh báo về các vấn đề an toàn và môi trường. Chính quyền Iran cho biết tàu Stena Impero đã được lai dắt về cảng Bandar Abbas vì vi phạm quy định hàng hải quốc tế sau khi va chạm với một tàu cá Iran gây thiệt hại. Khi đó trên tàu có 1 người Philippines, 18 người Ấn Độ, 3 người Nga và 1 người Latvia. Cơ quan tuyển dụng thủy thủ cho tàu trên cho biết không có người bị thương, các thủy thủ đều an toàn và khỏe mạnh.

Gọi vụ việc là không thể chấp nhận, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt đề cao tính cấp thiết để đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực, giúp mọi tàu thuyền có thể di chuyển an toàn và tự do. Thậm chí, ông J.Hunt còn cảnh báo những hậu quả nếu Iran không thả các tàu của Anh. Tuy nhiên, khả năng xem xét hành động quân sự đã bị loại trừ.

Về phía Iran, nước này cho rằng tàu chở dầu của Anh Stena Impero bị tình nghi gây ra sự cố và vì vậy, nó bị quân đội đưa đến cảng Bandar Abbas để thực hiện các kiểm tra cần thiết. Chiếc Stena Impero bị cáo buộc gây ô nhiễm khi thải ra biển lượng dầu dư thừa trong quá trình hoạt động. Một quan chức quân sự Iran cho biết Stena Impero tắt thiết bị theo dõi và phớt lờ một số cảnh báo của Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran trước khi bị bắt giữ.

Vụ việc đã khiến giá dầu thế giới tăng cao, giá dầu WTI tăng 0,3%, lên 55,8 USD/thùng, giá dầu Brent tăng 0,4%, lên 62,9 USD/thùng. Căng thẳng trên eo biển Hormuz, nơi 1/3 lượng dầu mỏ được trung chuyển bằng đường biển đi qua, thực sự gây ra những áp lực với giá dầu toàn cầu. Trong trường hợp eo biển Hormuz bị chặn, khủng hoảng thiếu nhiên liệu là không thể tránh khỏi.

Tiềm ẩn nguy cơ

Benjamin H. Friedman, Giám đốc chính sách của tổ chức Defense Priority, cảnh báo dù Iran và Mỹ đều nói rằng họ không muốn chiến tranh nhưng tính toán sai lầm xảy ra bất cứ lúc nào cũng có thể “nhanh chóng biến thành một cuộc chiến lớn”.

Nguy cơ đụng độ giữa hai bên càng lớn hơn nữa khi Mỹ muốn thành lập một liên minh gồm tàu chiến của nhiều quốc gia để hộ tống tàu dầu, tàu hàng đi qua eo biển Hormuz. Sự gia tăng hiện diện của tàu chiến nước ngoài ở eo biển này sẽ bị các tướng Iran coi là động thái khiêu khích từ phương Tây. Tuy nhiên, Mỹ và Iran đều để ngỏ khả năng đối thoại. Trump nói rằng chiến dịch gây áp lực tối đa có thể dẫn đến các cuộc đàm phán và nhấn mạnh tất cả những gì Mỹ muốn là một thỏa thuận có lợi. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, người từng nhiều lần khẳng định không thể có cuộc đàm phán nào với Mỹ trừ khi họ tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân, hôm 18-7 nói rằng ông sẵn sàng gặp các thượng nghị sĩ Mỹ để thảo luận về lối thoát cho khủng hoảng.

Liên minh châu Âu (EU) đã bày tỏ sự quan ngại và cho rằng diễn biến này tiềm ẩn nguy cơ khiến tình hình xấu thêm, sẽ hủy hoại các nỗ lực nhằm tìm kiếm một giải pháp cho các căng thẳng sẵn có tại đây. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Anh đã triệu Đại biện lâm thời Iran tại London để phản đối vụ bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero.

Hiện Ấn Độ thông báo đang liên lạc với Iran để đảm bảo trả tự do cho 18 thủy thủ là công dân Ấn Độ làm việc trên tàu này. Philippines cũng cho biết sẽ đề nghị Tehran trả tự do cho thủy thủ người Philippines trên tàu.

Tin cùng chuyên mục