Hy Lạp chảy máu chất xám

Nền kinh tế Hy Lạp đã trở nên nổi tiếng toàn cầu khi trở thành con nợ lớn nhất của EU. Cho tới nay, các biện pháp khắc khổ vẫn chưa thể vực dậy kinh tế của vùng đất thần thoại này và tốc độ tăng trưởng đang ở mức âm trong năm thứ 6 liên tục. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 26,40%, cao nhất trong EU. Đó là lý do vì sao ngày càng nhiều lao động có tay nghề cao và các nhà khoa học rời bỏ nước này để ra nước ngoài tìm cơ hội mới.

Theo kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Thessaloniki, từ năm 2010, thời điểm bắt đầu cuộc khủng hoảng tài chính Hy Lạp, đến nay, đã có 120.000 người có chuyên môn rời bỏ quê hương đến 70 nước. Bác sĩ, kỹ sư, giáo sư về công nghệ thông tin và các nhà khoa học nhận ra rằng cơ hội tìm việc như mò kim đáy bể trong bối cảnh cắt giảm lương, an sinh xã hội và nhiều lĩnh vực khác.

Giám đốc cơ quan nghiên cứu nói trên, ông  Lois Lambrianides, nói trên tờ Ethnos của Hy Lạp rằng số lượng các nhà khoa học trẻ rời bỏ đất nước chiếm 10% tổng số lực lượng khoa học trẻ. Đa số những trí thức Hy Lạp ra nước ngoài tìm đến các thành phố lớn ở châu Âu và làm việc trong lĩnh vực tư nhân, phân nửa trong số này có nhiều bằng cấp từ 100 đại học hàng đầu của thế giới.

Theo yêu cầu của bộ ba chủ nợ gồm EU, IMF và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Hy Lạp buộc phải cắt giảm nhân sự trong lĩnh vực công, vì vậy con số thất nghiệp trong lĩnh vực công vượt qua cả lĩnh vực tư nhân. Chỉ trong năm 2012, Hy Lạp đã phải cắt giảm 15.000 việc làm trong lĩnh vực công. Mục tiêu từ nay đến hết năm 2015 phải cắt giảm thêm 150.000 việc làm.

Yanis Varoufakis là giám đốc của một chương trình đào tạo tiến sĩ về kinh tế tại Đại học Athens. Sau khi du học, ông về nước thành lập chương trình đào tạo này với mục đích đưa Hy Lạp bớt dựa dẫm vào mô hình phát triển kinh tế thiếu hoạch định. Chương trình được nhiều trường đại học quốc tế đánh giá cao. Vào năm 2006, ông từng dự báo khủng hoảng tài chính sẽ bắt đầu ở lĩnh vực bất động sản của Mỹ, sau đó lan ra Phố Wall và đến Hy Lạp. Khi nền kinh tế Hy Lạp rơi vào khủng hoảng, chương trình của ông gặp vô số khó khăn do bị cắt giảm kinh phí và bản thân ông cũng không được trả đủ lương.

Sau 2 năm chần chừ, vào cuối tháng 12-2012, ông đã quyết định rời đất nước, nối tiếp nhiều sinh viên của ông và cả các giáo sư của trường.  Một cuộc thăm dò của Trường Đại học Panteion cho thấy 53% sinh viên muốn ra nước ngoài tìm việc sau khi tốt nghiệp và 17% đã lên kế hoạch ra đi.

Theo các nhà phân tích, hiện tượng chảy máu chất xám của Hy Lạp sẽ còn kéo dài và hệ quả của nó vô cùng lớn, không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế mà còn cả xã hội và nền chính trị. Nhân tài giảm, sẽ không đủ người đảm đương công việc kiến thiết lại nền kinh tế của Hy Lạp thoát khỏi cơn suy thoái.

Khánh Minh

Tin cùng chuyên mục