Hướng tới thanh toán không dùng tiền mặt - Bài 1: Trào lưu thanh toán chạm, quẹt

Với sự phát triển của hệ thống thanh toán: thẻ ngân hàng, Internet banking, thanh toán di động, ví điện tử… người dân có nhiều công cụ tài chính tiện lợi, thông minh hơn để hỗ trợ thanh toán chi tiêu hàng ngày, thay vì sử dụng hoàn toàn tiền mặt.

Tuy nhiên, bên cạnh thói quen, tâm lý dùng tiền mặt, rất nhiều người tiêu dùng Việt Nam còn e ngại sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt vì ngại trả phí, sợ lộ thông tin, lo giao dịch mất an toàn... 

Theo Quyết định số 2545/2016/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 với nhiều mục tiêu cụ thể. Đáng chú ý, có mục tiêu giảm tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10% vào cuối năm 2020. Từ thực tế, đòi hỏi các ngành, đặc biệt là tài chính - ngân hàng, phải có giải pháp hữu hiệu để người dân tham gia mạnh mẽ vào mục tiêu chung này.

Không chỉ thanh toán bằng thẻ tín dụng, thanh toán trực tuyến mà với sự phát triển của công nghệ mới, chiếc điện thoại di động hiện nay không chỉ để nghe và gọi mà còn được tích hợp nhiều tiện ích như chuyển tiền, nhận tiền, rút tiền, thanh toán online, thanh toán hóa đơn các loại, nạp tiền điện thoại… nhanh chóng và dễ dàng chỉ với vài thao tác. Tiện lợi là thế, song hình thức thanh toán thông minh này chỉ mới dừng lại ở một bộ phận nhỏ người tiêu dùng; trong khi ở các địa điểm buôn bán cho thấy chưa có sự quan tâm đầu tư đồng đều để hỗ trợ khách hàng. 

Thanh toán qua thẻ ở một trung tâm mua sắm tại quận 7, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Mua hàng xuyên biên giới 


Chị Minh Hương (ngụ quận 4, làm việc cho một công ty quảng cáo lớn tại TPHCM) cho biết, nhiều năm nay, chị rất ít chi tiêu bằng tiền mặt mà chủ yếu là sử dụng thẻ ngân hàng để thanh toán. “Tôi nhận lương qua tài khoản thẻ ngân hàng nhưng lâu lắm rồi tôi không cần phải ra máy ATM hoặc ngân hàng để rút tiền mặt vì mất thời gian với lại giữ tiền mặt nhiều nguy hiểm. Hơn nữa, việc thanh toán bằng thẻ ngân hàng giúp tôi dễ quản lý chi tiêu hơn vì hàng tháng, ngân hàng đều gửi sao kê những gì đã thanh toán nên dễ dàng theo dõi lịch sử mua sắm để không phải chi tiêu quá đà”, chị Hương nói. Không chỉ mua sắm trong nước, là một người đam mê thời trang, chị Hương luôn mua những chiếc túi hàng hiệu khi đi nước ngoài bằng thẻ tín dụng. “Mặc dù bị tính phí chuyển đổi ngoại tệ nhưng vì được chiết khấu và tặng điểm thưởng khi sử dụng thẻ với hạn mức cao nên tính ra vẫn tiết kiệm hơn so với trả bằng tiền mặt”, chị Hương tiết lộ. Còn chị Hoài My (quận 2) cũng cho biết, là dân văn phòng, phần lớn thời gian làm việc của chị “dính” với máy tính nên 3 năm nay, 70% chi tiêu trong nhà chị đều mua sắm online bằng thẻ tín dụng, từ mua đồ ăn, quần áo và các vật dụng trong nhà. Từ khi sinh đứa con thứ 2, chị My càng tận dụng triệt để việc mua sắm online để tiết kiệm thời gian. Do có con nhỏ nên chị thường đặt sữa, vật dụng cho trẻ con… qua các website của Mỹ, Nhật, Úc… mà không cần đi đến các nước đó để mua.

Hiện nay, nhiều ngân hàng kết hợp với nhà hàng, cửa hàng mua sắm, siêu thị, hãng du lịch lữ hành… để khuyến khích việc sử dụng không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ nên người thanh toán bằng thẻ nhận được nhiều ưu đãi, thậm chí được giảm 5%-10% trên hóa đơn, được tặng thêm phần ăn hoặc phiếu giảm giá cho lần mua sau trong khi trả tiền mặt thì không nhận được những ưu đãi này. Anh Minh Hùng (quận 3) cho biết, sở dĩ anh hay sử dụng thẻ tín dụng để mua sắm và ăn uống là vì các loại thẻ anh sử dụng đều được hoàn 1% tổng lượng tiền chi tiêu qua thẻ. Chỉ tính riêng trong năm 2018, anh chỉ phải trả phí thường niên khoảng hơn 2 triệu đồng cho 2 thẻ tín dụng của 2 ngân hàng nhưng anh tiết kiệm được khoảng hơn 15 triệu đồng khi thanh toán bằng thẻ. 

Không chỉ thanh toán bằng thẻ tín dụng, mà hiện tại chiếc điện thoại thông minh cũng đồng thời là một “ngân hàng di động”. Anh Đình Long (quận 10) cho biết, một năm qua anh tải ứng dụng ví điện tử MoMo về điện thoại và liên kết với tài khoản ngân hàng, chỉ vài thao tác nhỏ là có thể thanh toán toàn bộ các hóa đơn mà không phải mất phí vì ví này đang chạy nhiều chương trình khuyến mại cho người sử dụng mới. Không chỉ thanh toán các hóa đơn trên, gia đình anh còn sử dụng các dịch vụ thanh toán qua ứng dụng này để mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn, nạp thẻ cào điện thoại, thậm chí cả nộp phí quản lý, bảo trì chung cư… Để thu hút người dùng, các ngân hàng và tổ chức sở hữu ví điện tử thường hợp tác với nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực từ mua sắm, giải trí, ăn uống, vận tải, bảo hiểm, các công ty tài chính, công nghệ… nhằm tạo điều kiện để người sử dụng ví được thanh toán dễ dàng. Cụ thể như Tiki kết hợp với ví Momo và Zalo Pay; Sendo tích hợp ví SenPay, NowDelivery (ứng dụng gọi món ăn) kết hợp với ví Airpay, Grab kết hợp với ví Moca… Với sự “bắt tay” này, ngày càng nhiều nhà hàng, các trung tâm mua sắm chấp nhận thanh toán bằng các loại ví điện tử. 

Ví điện tử ngày càng thông dụng tạo tiện ích cho người tiêu dùng. Ảnh: TẤN BA

Vẫn còn nửa vời

Chị Thanh Vi (quận 7) cho biết, chị mua tour du lịch đi Trung Quốc tại một công ty du lịch lữ hành trên đường Trần Hưng Đạo (quận 5) với giá tour cho 2 vợ chồng khoảng 24 triệu đồng. Chị Vi yêu cầu thanh toán bằng thẻ tín dụng thì được nhân viên báo phải trả phí thêm 1,5% trên tổng số tiền thanh toán. Khi được hỏi bên nào thu phí trên vì khi làm thẻ, ngân hàng cam kết khách hàng sử dụng thẻ khi thanh toán sẽ không bị thu phí. Quanh co một hồi, cô nhân viên đành thú thiệt là số tiền phí trên, công ty lữ hành sẽ phải trả cho ngân hàng. Tương tự, chị Kim Hương (quận 11), mua chiếc điện thoại di động tại một cửa hàng trên đường 3 tháng 2 (quận 11) với giá 19 triệu đồng. Chị yêu cầu được thanh toán bằng thẻ Visa thì nhân viên cửa hàng cho biết sẽ thu thêm phí quẹt thẻ Visa và Master là 2%, còn thẻ ATM là 0,5%. Tuy nhiên, sau khi thanh toán, trên hóa đơn chỉ thể hiện 19 triệu đồng. Trả lời thắc mắc của chị Hương, nhân viên bán hàng giải thích, do phải cho khách quẹt thẻ qua trung gian POS (máy chấp nhận thẻ di động) nên phải thu hộ để trả cho POS. “Tôi biết có nhiều cửa hàng phải thanh toán phí giao dịch từ 0,5% - 2% theo từng giao dịch cho công ty mPOS, tuy nhiên, chủ một số cửa hàng đã đẩy cho khách hàng chịu khoản phí này”, chị Hương cho hay. 

Không chỉ các cửa hàng thanh toán trực tiếp mà không ít trang web bán hàng online niêm yết thẳng phí các loại thanh toán bằng thẻ với mức phí rất cao. Cụ thể, trang thanhtoanonline.vn ghi rõ: thanh toán qua thẻ Visa, Master, JCB với mức phí lên đến 2,7%; thanh toán ebanking phải trả phí 8.800 đồng + 1%/giao dịch. Trong quy chế phát hành, thanh toán, sử dụng và cung cấp dịch vụ hỗ trợ hoạt động thẻ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định rõ: Nếu ngân hàng phát hiện chủ cửa hàng thu phí, phải dừng ký hợp đồng thanh toán thẻ trong thời hạn 1 năm. Nếu chủ cửa hàng tái phạm, sẽ không được phép ký hợp đồng thanh toán thẻ trong 3-5 năm. Bên cạnh đó, NHNN cũng đã bổ sung quy định xử phạt từ 30-50 triệu đồng đối với hành vi phân biệt mức giá trong thanh toán thẻ, thu phí từ chủ thẻ… Thế nhưng đến nay, Thanh tra NHNN vẫn chưa xử phạt đơn vị nào dù tình trạng thu phí quẹt thẻ của khách xảy ra khá nhiều ở các điểm chấp nhận thẻ.

Thực tế cho thấy, không dùng tiền mặt là tốt và tiện lợi, nhưng rào cản từ bên bán là một trở ngại không hề nhỏ trong chuỗi liên kết. Người dùng có thiện chí, ngân hàng dịch vụ tốt, nhưng người bán không chấp nhận hoặc làm khó thì chuỗi thanh toán không dùng tiền mặt không thực hiện được. Như trường hợp anh Trường Em (quận Thủ Đức), về quê tại Kiên Giang, nửa đêm đứa con gái bị đau ruột thừa nên anh phải đưa vào cấp cứu tại một bệnh viện khá lớn của tỉnh. Do vội vã và đi giữa khuya không mang đủ tiền mặt nên anh đề nghị được đóng tạm ứng bằng thẻ để làm thủ tục nhập viện. Tuy nhiên, nhân viên thu viện phí cho biết, máy POS bị hư chưa sửa. Thế là anh phải gọi người nhà mang tiền mặt lên để đóng. Hay như chị Nhi Lê (quận 3) thường ăn trưa gần văn phòng làm việc nên chỉ mang chiếc điện thoại kèm theo chiếc thẻ ngân hàng. Tuy nhiên, chị rất hay gặp trục trặc với việc cà thẻ thanh toán tại nơi ăn uống xung quanh, như khi thì máy bị treo, lúc thẻ không được chấp nhận, một số quán cà phê ngại cà thẻ những món thức uống vài chục ngàn đồng nên thường báo máy POS hư, hết giấy in biên lai... Ngoài những bất tiện trên, nỗi lo bảo mật cũng là rào cản không nhỏ trong chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và NHNN.

Ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cho biết, thói quen sử dụng tiền mặt đang dần thay đổi nhưng còn chậm. Công nghệ thanh toán và phương thức thanh toán mới đang được áp dụng nhưng chưa đồng bộ trên thị trường. Toàn thị trường mới có khoảng 300.000 máy POS, số đơn vị chấp nhận thanh toán phi tiền mặt khoảng 150.000. Với lượng đơn vị chấp nhận thanh toán phi tiền mặt còn thấp thì rất khó để thay đổi thói quen dùng tiền mặt của người dân. Theo tính toán của các đơn vị tư vấn, để thay đổi bản chất hành vi thanh toán dùng tiền mặt của người dân, chúng ta cần tối thiểu 1 triệu đơn vị chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt.

Tin cùng chuyên mục