Hướng đi mới cho nông nghiệp Tây Ninh

Bên cạnh việc chú trọng phát triển đàn bò hướng thịt cao sản cung ứng cho thị trường các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Ninh còn định hướng phát triển đàn bò sữa,...
Chăn nuôi bò thịt ở Công ty CP Giống - Thực phẩm sữa trang trại Minh Đăng
Chăn nuôi bò thịt ở Công ty CP Giống - Thực phẩm sữa trang trại Minh Đăng

Ngoài các món bánh canh Trảng Bàng, muối tôm, người Tây Ninh còn tự hào với một đặc sản khác là bò tơ. Không chỉ có bò thịt, nhiều người còn biết đến cả bò sữa và các sản phẩm từ bò qua việc hợp tác với Vinamilk của tỉnh. Đây cũng chính là hướng đi mới của nông nghiệp Tây Ninh - nông nghiệp hiện đại gắn với thị trường tiêu thụ.

Ưu tiên phát triển đàn bò

Theo thống kê năm 2015, tổng đàn bò của Tây Ninh là 87.000 con, đứng đầu vùng Đông Nam bộ, chiếm 24% của cả vùng và đứng thứ 13 cả nước. Còn theo số liệu mới nhất của Sở NN-PTNT Tây Ninh, đàn bò của tỉnh hiện có 91.000 con, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2016.

Toàn tỉnh đang thực hiện chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, trong đó lĩnh vực chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch từ nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học, hiệu quả thấp, sang quy mô trang trại, tập trung theo đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Tỉnh hiện có 71 trang trại chăn nuôi bò, chiếm 28% tổng số trang trại chăn nuôi, tăng 5,13% so với cuối năm 2016.

Tỉnh đang có đề án Phát triển bò hướng thịt tạo ra bò thương phẩm lớn con, thịt nhiều, thông qua hình thức lai tạo từ các giống bò Sind lai với bò khác (với trọng lượng tối thiểu từ 200 kg/con trở lên) và cải tạo đàn bò đực giống hiện có. Sau 2 năm, đề án đã được thực hiện ở 8 huyện, thành phố của tỉnh. Hiệu quả kinh tế của mô hình chăn nuôi hướng thịt rất rõ rệt nhưng theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh Nguyễn Thái Sơn, khi mới triển khai cũng gặp nhiều khó khăn: “Lúc đầu phải tuyên truyền, vận động người dân tham gia hội thảo, đi tham quan thực tế một số mô hình ở Bến Tre, dần dần người dân thấy được hiệu quả thật sự mới tham gia”.

Nông dân hưởng lợi

Bên cạnh việc chú trọng phát triển đàn bò hướng thịt cao sản cung ứng cho thị trường các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Ninh còn định hướng phát triển đàn bò sữa, trong đó phải kể đến dự án Chăn nuôi bò sữa của Công ty TNHH MTV Bò sữa Việt Nam - Vinamilk, được triển khai từ năm 2015 với hệ thống chuồng mát, có robot gạt thức ăn màu đỏ, tổng vốn đầu tư hơn 708 tỷ đồng trên diện tích 685ha tại huyện Bến Cầu.

Công ty nhập 8.000 con giống bò sữa cao sản từ Úc, Mỹ về nuôi và tiến tới xây dựng một nhà máy chế biến sữa tại chỗ, công suất 35 triệu lít/năm để sản xuất các sản phẩm sữa chất lượng cao, cung ứng cho thị trường TPHCM và cả nước. Đây là mô hình chăn nuôi trang trại có quy mô lớn nhất, hiện đại nhất trên địa bàn của tỉnh.

Trong năm 2017 công ty đã nhập về Tây Ninh 3.035 con bò sữa, nâng tổng đàn bò của trang trại này lên đến 5.356 con, nhờ đó nâng số lượng tổng đàn bò sữa của tỉnh lên 7.000 con vào cuối năm nay.

Sau khi đi vào hoạt động ổn định, công ty sẽ liên kết với nông dân để hướng dẫn kỹ thuật, thu mua sữa, góp phần tăng thu nhập của người chăn nuôi, tăng số lượng tổng đàn bò sữa của Tây Ninh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp để phát huy tiềm năng, lợi thế, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.

Không chỉ mở ra triển vọng cho một ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến các sản phẩm từ sữa ngay tại chỗ trong vài năm tới, hiện tại người nông dân Tây Ninh còn hưởng lợi từ các dự án quy mô lớn này. Nhiều nông dân đã có thu nhập cao, ổn định chỉ từ việc trồng bắp cung cấp cho trang trại của Công ty Vinamilk để làm thức ăn cho bò sữa.

Anh Hồ Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Long Chữ, huyện Bến Cầu, hồ hởi cho biết: “Một hécta bắp nếu chăm tốt, năng suất cao nhất 50 tấn, Vinamilk mua vô 1.200 đồng/kg, người dân lời trung bình 30-35 triệu đồng/ha, gấp đôi so với trồng lúa; năm nay ở các xã của huyện diện tích trồng bắp đều tăng khi người dân thấy được hiệu quả, riêng ở Long Chữ, diện tích trồng bắp đã tăng gấp 3 lần so với năm 2016”.

Ngoài ra, phải kể đến mô hình chăn nuôi khép kín: Trồng cỏ, chế biến cỏ, chế biến sữa và sản phẩm từ sữa của Công ty CP Giống - Thực phẩm sữa trang trại Minh Đăng có quy mô 1.500 bò sữa, 500 bò thịt tại xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng trên diện tích 85ha. 

Trong tình hình giá mủ cao su đi xuống so với đầu năm và vẫn đang ở mức thấp trong chu kỳ thì cây bắp đã mang lại lợi nhuận hơn hẳn so với cây cao su, giúp người nông dân yên tâm, không phải chịu cảnh chặt bỏ cao su khi giá xuống tới đáy kéo dài. Như vậy người nông dân Tây Ninh lại có thêm một loại cây trồng nữa để chuyển dịch cơ cấu từ các cây kém hiệu quả sang cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn, tăng thu nhập cho bà con nông dân, tạo điều kiện để xây dựng nông thôn mới.

Còn về phía tỉnh, có thể xem xét chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa sang trồng bắp, trồng cỏ và tự tin triển khai ứng dụng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao theo hướng sản xuất bền vững, gia tăng giá trị vào sản xuất, đảm bảo thực hiện thành công Đề án chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp đến năm 2020 tầm nhìn 2030.

Tin cùng chuyên mục