Hợp tác xã là nền tảng sản xuất lớn

Thời gian qua, các địa phương ở ĐBSCL đã chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của kinh tế hợp tác, vừa chuyển đổi, củng cố các hợp tác xã (HTX) yếu kém; đồng thời tích cực thành lập các HTX kiểu mới theo Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 21-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ. Nhìn chung, bước đầu đã mang lại những hiệu ứng tích cực trong thực hiện Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Trong điều kiện ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thì giải pháp để ĐBSCL phát triển bền vững là tổ chức lại sản xuất, quy hoạch lại ngành hàng phù hợp với mỗi vùng sinh thái đặc trưng, hình thành các chuỗi ngành hàng nông sản. Để thích ứng với biến đổi khí hậu cần hướng tới đa dạng hóa phát triển nông nghiệp, thay đổi lịch thời vụ; xây dựng các chương trình, kế hoạch thích ứng, nâng cao nhận thức của cộng đồng về sử dụng bền vững tài nguyên nước...

Để nông sản phát triển bền vững, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa thích ứng với thị trường, cần một chương trình hành động cụ thể, đồng bộ, liên tục, kiên trì để thoát khỏi tình trạng “chi phí cao, chất lượng kém”. Do vậy, không thể tiếp tục sản xuất cá thể, mạnh ai nấy làm, mà phải cùng hợp tác một cách tự nguyện. Con đường xây dựng thương hiệu nông sản phải mất nhiều năm và đang phụ thuộc vào chiến lược được định hình từ quy hoạch ngành hàng, trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu. Một chiến lược dài hạn không thể thực thi khi “tư duy mùa vụ” của nông dân và “tư duy thương vụ” của doanh nghiệp còn tồn tại. Thương hiệu nông sản không thể xây dựng với hàng triệu hộ nông dân riêng lẻ, mà phải là mô hình HTX.

Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL, mở ra tầm nhìn chiến lược cho ngành nông nghiệp, trong đó có ngành hàng lúa gạo. Giảm diện tích trồng lúa là chủ trương hoàn toàn phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu và xu thế của thị trường, nhưng cần cụ thể hóa chủ trương này thành kế hoạch và các chính sách hỗ trợ cần thiết. Để chủ động việc thực hiện giảm 500.000ha đất sản xuất lúa, bao gồm giảm sản xuất 3 vụ và thay diện tích trồng lúa bằng các loại cây trồng, vật nuôi khác... thì cần hình thành các hình thức hợp tác trong nông dân, trong đó vai trò HTX nông nghiệp là cần thiết. Có như vậy, mới không chuyển rủi ro từ ngành hàng lúa gạo sang các ngành hàng khác.

Triết lý của HTX là lợi thế dựa trên quy mô. Quy mô HTX càng lớn, thành viên càng nhiều, sẽ giúp giảm giá thành do lợi thế mua chung; tăng khả năng thích ứng với thị trường và năng lực đàm phán nhờ lợi thế bán chung. Sản xuất chung một quy trình sẽ giúp tăng chất lượng nông sản. Song song đó, HTX không chỉ dừng lại là liên kết tiêu thụ nông sản cho các thành viên, mà phải tổ chức các hoạt động phân loại, bảo quản, sơ chế, chế biến...

HTX không chỉ hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, mà còn các dịch vụ phi nông nghiệp, vừa mang lại nguồn thu cho HTX, vừa hỗ trợ nâng cao phúc lợi xã hội cho các thành viên và người dân nông thôn. Như vậy, nông dân vừa thu về được lợi nhuận từ sản xuất và chuỗi giá trị gia tăng, đồng thời có thêm lợi ích là giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng nông sản.

Có thể nói, HTX là giải pháp duy nhất để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; làm chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, giúp người dân cùng nhau thay đổi phương thức sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu. HTX cần hỗ trợ để tiếp cận các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, công nghệ bảo quản, sơ chế, chế biến, đóng gói, bao bì...

Do đó, cần tách HTX nông nghiệp ra riêng, tiến dần đến ban hành Luật về HTX nông nghiệp. Nhìn với góc độ khác, HTX có vai trò quan trọng trong hình thành chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu nông sản như định hướng của nhiều doanh nghiệp và đề xuất của nhiều chuyên gia.

Tin cùng chuyên mục