Hợp tác để phát triển

Hoàn thành hạng mục đầu tiên trong dự án Khu công nghệ Môi trường xanh ở tỉnh Long An và sẵn sàng cho những hạng mục tiếp theo; chuẩn bị gia hạn hợp đồng thu gom xử lý chất thải với TP San Jose (Mỹ) trong 15 năm tới; được đề nghị hợp tác, sản xuất xe thu gom chất thải phân phối cho khu vực Đông Nam Á… là những đầu việc của Công ty California Waste Solutions (CWS) thực hiện trong thời gian tới.
Các đại biểu dự lễ khánh thành cầu VWS1
Các đại biểu dự lễ khánh thành cầu VWS1

Điểm nối huyết mạch 

Vào cuối tháng 3-2019, Công ty cổ phần Xử lý chất thải Việt Nam - Long An (VWSLA) khánh thành 2 cây cầu mang tên VWS1 và VWS2 dẫn vào dự án Khu công nghệ Môi trường xanh có quy mô 1.760ha, với tổng giá trị đầu tư hơn 700 triệu USD (thuộc xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An).

Công trình 2 cây cầu và đường dẫn vào Khu công nghệ Môi trường xanh có tổng vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng, tải trọng trên 80 tấn, gồm 6 làn xe, mỗi làn rộng 3,5m. Quy mô tổng bề rộng chỉ giới xây dựng của mỗi cầu là 75m, bao gồm, mỗi bên 3 làn xe được ngăn cách nhau bằng dải phân cách rộng 5m, hai bên đường bố trí vỉa hè rộng 10m và hành lang an toàn rộng 13,5m. 

Hợp tác để phát triển ảnh 1 Cây cầu VWS1 dẫn vào Khu công nghệ Môi trường xanh
Đến dự lễ khánh thành, ông Phan Văn Tới, Phó Chủ tịch UBND huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, phát biểu: “Hiện nay, áp lực xử lý rác của tỉnh, trong đó có huyện Thủ Thừa, là rất lớn; chất thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh chưa được phân loại tại nguồn, tổng khối lượng thu gom xử lý từ 500 - 600 tấn/ngày. Trong đó, khoảng 50% lượng rác được vận chuyển xử lý tại Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa (huyện Thạnh Hóa, Long An), gần 50% lượng rác được chuyển về Khu liên hiệp xử lý chất thải Đa Phước (TPHCM) để xử lý. Còn lại, số ít được xử lý tại lò đốt ở huyện. Từ thực tế trên, UBND tỉnh Long An đã làm việc và thống nhất với Công ty cổ phần Xử lý chất thải Việt Nam - Long An đầu tư nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ đốt, công suất 1.000 tấn/ngày trong Khu công nghệ Môi trường xanh theo quy hoạch được phê duyệt, với diện tích 5ha và dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2019. Đây là tín hiệu tốt cho công tác xử lý rác của tỉnh trong thời gian tới nói chung và huyện Thủ Thừa nói riêng, vì giảm được chi phí thu gom và vận chuyển. 2 cây cầu được khánh thành đưa vào sử dụng sẽ tạo tiền đề để dự án lò đốt rác sớm hoàn thành, góp phần bảo vệ môi trường. Tôi đề nghị chủ đầu tư nhanh chóng xây dựng hạ tầng để dự án sớm đưa vào hoạt động”.

Xử lý chất thải vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Không chỉ tỉnh Long An, xử lý rác thải đang là vấn đề cấp thiết ở khu vực phía Nam. Hiện khối lượng chất thải phát sinh ở 8 tỉnh, thành phố của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hơn 10.000 tấn rác thải sinh hoạt/ngày, trong đó, TPHCM 8.000 tấn/ngày.

Dự tính đến năm 2020, khối lượng chất thải sinh hoạt của cả vùng đến hơn 20.000 tấn/ngày, trong đó TPHCM khoảng 10.000 tấn/ngày. Bên cạnh đó phải xử lý lượng chất thải công nghiệp cũng tương đương với lượng chất thải sinh hoạt. 

Hợp tác để phát triển ảnh 2 Ông David Dương phát biểu tại lễ khánh thành cầu VWS1 và VWS2 
Ông David Dương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS), cho biết Khu công nghệ Môi trường xanh ở tỉnh Long An đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch và sau khi đi vào hoạt động nơi này sẽ tiếp nhận và xử lý tất cả các loại chất thải thông thường, chất thải công nghiệp không nguy hại, chất thải nguy hại, chất thải điện tử, chất thải y tế, phân hầm cầu, bùn cống rãnh... cho TPHCM, Long An và các tỉnh khác thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Các tỉnh, thành lân cận với khoảng cách vận chuyển phù hợp sẽ phát triển theo hướng tái chế, tận dụng và thu hồi các sản phẩm có giá trị từ chất thải. Đặc biệt, khu công nghệ sử dụng công nghệ tái chế để cho ra các sản phẩm hữu ích, tái tạo năng lượng... Hạn chế tối đa tỷ lệ chôn lấp nhằm tiết kiệm tài nguyên đất, đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường. 

Nói về lợi ích của dự án mang lại, ông David Dương đánh giá, sự hình thành và phát triển Khu công nghệ Môi trường xanh trong thời gian tới sẽ góp phần tích cực vào bảo vệ môi trường bền vững qua việc áp dụng các công nghệ xử lý chất thải tiên tiến của Hoa Kỳ và thế giới.

Lợi ích của dự án mang lại còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần thúc đẩy tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Long An nói riêng và khu kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng.

Những dự án mới

Đến năm 2021, CWS (công ty mẹ của VWS) sẽ hết hạn hợp đồng với TP San Jose, nên đây là thời điểm CWS phải nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tốt những điều khoản của hợp đồng cũ và chuẩn bị cho những yêu cầu của hợp đồng gia hạn trong 15 năm tới. Mỗi năm, CWS thu gom phế liệu tái chế của 166.000 căn hộ, chiếm 80% số hộ dân ở TP San Jose.

Trong 12 năm qua, CWS đã nhận được sự hài lòng của người dân trong công tác phục vụ. “Phí thu gom với TP San Jose khoảng 500 triệu USD/năm, tiền bán phế liệu tái chế khoảng 800 triệu USD. Một hợp đồng nửa tỷ USD ký với một công ty do người Việt quản lý là điều hiếm thấy tại TP San Jose nên CWS sẽ cố gắng gìn giữ hợp đồng. Tôi xem đây không chỉ là một thương vụ làm ăn, mà còn thể hiện uy tín của người Việt làm ăn trên đất Mỹ”, ông David Dương đúc kết.

Mới đây, một công ty chuyên sản xuất xe thu gom vận chuyển chất thải ở Mỹ đã đến trụ sở của VWS tại xã Đa Phước (huyện Bình Chánh, TPHCM) để khảo sát phương tiện thu gom vận chuyển chất thải ở TPHCM. Tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Đa Phước, mỗi ngày có khoảng 1.000 lượt xe vào ra, nên đây là địa điểm cho cái nhìn rõ nhất về chất lượng xe thu gom rác ở TPHCM cũng như ở các tỉnh lân cận.

Nhận định về sự kiện này, ông David Dương nói: “Sau khi khảo sát, họ đề xuất phối hợp với chúng tôi sản xuất hoặc lắp ráp xe thu gom, vận chuyển chất thải tại Việt Nam để phân phối đi các nước trong khu vực Đông Nam Á. Sau khi tìm hiểu, tôi biết công ty này không chỉ sản xuất xe thu gom rác mà còn sản xuất xe cứu thương, xe cứu hỏa và cả xe quốc phòng. Nếu được hợp tác cùng với họ thì không chỉ có lợi ích về nhiều mặt, chứng tỏ mối quan hệ ngoại giao của hai nước Việt - Mỹ đang rất thuận lợi”.

Khu công nghệ Môi trường xanh được đầu tư xây dựng trong 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1 đến năm 2025, xây dựng trên diện tích 1.308ha, chiếm 74,31%, với số vốn ban đầu khoảng 450 triệu USD. Trong đó có các hạng mục chính, như xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật khung cho dự án, xây dựng một phần cơ sở tái chế chất thải rắn, cơ sở xử lý chất thải rắn theo công nghệ sinh học, cơ sở đốt, bãi chôn lấp hợp vệ sinh, khu điều hành, khu công viên cây xanh, khu cảng và toàn bộ mảng cây xanh cách ly. Sau khi hoàn thiện giai đoạn 1 sẽ tiếp nhận, xử lý khoảng 30.000 tấn rác/ngày.

Giai đoạn 2 từ năm 2026 - 2035, xây dựng thêm trên diện tích khoảng 192ha, chiếm 10,91%; trong đó, tiếp tục mở rộng phát triển các khu chức năng đã triển khai trong giai đoạn 1.

Giai đoạn 3 từ năm 2036 - 2050, tiếp tục mở rộng xây dựng thêm 260ha, chiếm 14,78%, để phát triển các khu chức năng đã triển khai trong 2 giai đoạn trước và có tính đến đổi mới công nghệ hiện đại.

Tin cùng chuyên mục