Hồi sinh nghệ thuật múa rối của Syria

Shadi al-Hallaq, nghệ sĩ múa rối cuối cùng ở Damascus đã mất hầu hết thiết bị của mình do chiến tranh và trải qua cuộc sống của người tị nạn ở Lebanon. Nhưng giờ đây ông tin rằng, hình thức nghệ thuật này của Syria có thể tồn tại sau khi Liên hiệp quốc (LHQ) cho biết nghệ thuật múa rối của Syria cần phải được bảo tồn. 
Nghệ sĩ múa rối Shadi al-Hallaq và các con rối của mình
Nghệ sĩ múa rối Shadi al-Hallaq và các con rối của mình

Tuần trước, Tổ chức Văn hóa Khoa học Giáo dục LHQ (UNESCO) đã bổ sung thêm các loại hình nghệ thuật múa rối ở Syria vào danh sách di sản phi vật thể với lưu tâm về nguy cơ biến mất của loại hình này khi đối mặt với các hình thức giải trí hiện đại và do chiến tranh gây ra.

Múa rối truyền thống trong lịch sử Syria từng là môn nghệ thuật chủ lực trong đời sống tinh thần tại thủ đô Damascus. Những nghệ sĩ múa rối sử dụng những con rối từ da động vật để kể những câu chuyện lạ, châm biếm, các bài hát và câu thơ làm mê hoặc khán giả. Theo Reuters, tin tốt từ UNESCO mang lại hy vọng nhiều cho nghệ thuật múa rối của Syria. Nghệ sĩ múa rối nghĩ đến triển vọng tốt đẹp của bộ môn nghệ thuật này trong tương lai. Trước đây, họ không thể sinh sống với nghề. Anh al-Hallaq là nghệ sĩ múa rối cuối cùng còn bám trụ với nghề mặc dù đang tị nạn ở Lebanon.

Al-Hallaq bước vào con đường nghệ thuật này ở tuổi thiếu niên (năm 1993). Cùng với thời gian, múa rối truyền thống cũng dần rơi vào quên lãng. Tuy nhiên, với lòng yêu nghề, anh vẫn tìm tòi cái mới để phục vụ lượng khán giả ít ỏi. Anh đã làm hồi sinh nghệ thuật này từ những câu chuyện xưa và từ sách lịch sử với những con rối do anh tự làm từ da bò. Quần áo của các con rối được trang trí hoa văn và được tô màu nước. Chúng là những con lạc đà, bò hoặc lừa và mỗi con vật đại diện cho một thành phần xã hội cụ thể. Tại buổi biểu diễn gần đây, al-Hallaq sử dụng một màn hình mờ, được vẽ giống như một con hẻm ở thành phố cổ Damascus, kể một câu chuyện về các nhà buôn vô lương tâm, 2 nhân vật chính là Karakoz ngây thơ và Aywaz khôn ngoan. 2 con rối này được điều khiển bằng gậy, xuất hiện ở mặt sau của màn hình với đèn rọi phía sau tạo ra bóng chiếu trên màn hình.

Al-Hallaq làm quen với bộ môn này từ người cha quá cố của mình, một người kể chuyện nổi tiếng, chuyên biểu diễn tại một trong những quán cà phê lâu đời nhất của thủ đô Damascus. Hiện không có chương trình biểu diễn múa rối thường xuyên nào nữa ở Damascus. Theo truyền thống, các vở kịch múa rối tại Syria được tổ chức tại các quán cà phê.

Khi chiến tranh ở Syria bùng nổ, al-Hallaq đã bị mất bộ “rạp hát di động” và 23 con rối ở miền Đông Ghouta, ngoại ô Damascus. Anh đã phải rời quê nhà tới biên giới Lebanon để lánh nạn chiến tranh. Anh phải lao động tay chân để kiếm sống. Đôi khi nhớ nghề, anh cũng biểu diễn múa rối cho các em học sinh Syria, cũng là người tị nạn xem. Trong một buổi diễn như vậy, anh đã được các quan chức UNESCO nhận ra. Giờ đây, trở lại Damascus, anh al-Hallaq bắt đầu công việc mới là giảng dạy nghệ thuật múa rối cho một nhóm người đam mê nghệ thuật này. AL- Hallaq cho biết: “Tôi có thể tưởng tượng mọi người hạnh phúc thế nào khi thấy nghệ thuật này còn tồn tại và sẽ không biến mất, vì đó là một phần di sản và văn hóa của chúng tôi”.

Tin cùng chuyên mục