Hồi sinh hang Mo So

Lâu nay, hang Mo So ở xã Bình An, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) được ví như động Phong Nha thu nhỏ bởi vẻ thơ mộng, nhiều thạch nhũ… Năm 1995, Mo So đã được công nhận là Di tích lịch sử và thắng cảnh cấp quốc gia. Tuy nhiên, thời gian qua, hang Mo So không được chăm sóc và bị xâm hại nghiêm trọng.

Lâu nay, hang Mo So ở xã Bình An, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) được ví như động Phong Nha thu nhỏ bởi vẻ thơ mộng, nhiều thạch nhũ… Năm 1995, Mo So đã được công nhận là Di tích lịch sử và thắng cảnh cấp quốc gia. Tuy nhiên, thời gian qua, hang Mo So không được chăm sóc và bị xâm hại nghiêm trọng.

Gọi là di tích nhưng hiện nay hang Mo So không còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, huyền ảo như trước nữa do ngành chức năng thiếu quan tâm đầu tư, trong khi hàng chục hộ dân vào xây cất nhà tạm bợ xung quanh để sinh sống. Bà Nguyễn Thị Bé Năm, 55 tuổi, cho biết: “Gia đình tôi sống cạnh hang động này đã lâu, hàng ngày đi làm thuê mưu sinh. Do việc làm ở vùng này khó khăn nên gia đình sắm “chạy máy đèn” thắp sáng hang Mo So để du khách vào tham quan và có thu phí”. Hang Mo So dài khoảng 300m, do chưa được chính quyền địa phương đầu tư kéo điện nên bên trong hang tối om và du khách không xem được thạch nhũ. Thấy vậy, gia đình bà Bé Năm trang bị dàn máy đèn để thắp sáng và mỗi lần phục vụ đoàn khách thì thu phí xăng dầu từ 50.000 - 100.000 đồng (tùy thời gian). Ngoài gia đình bà Bé Năm, những hộ khác cũng “bám” hang Mo So sinh sống bằng nhiều nghề khác nhau. 

Nhà dân cất tạm ở khu vực hang Mo So trông nhếch nhác

Theo UBND xã Bình An, thời gian đầu chỉ khoảng 30 hộ sinh sống xung quang hang Mo So; sau đó một số hộ khác kéo đến, rồi sinh con, tách hộ… nên đến nay đã có 71 hộ cất nhà tạm cư ở khu vực Mo So, dẫn đến việc bảo tồn hang động ít nhiều bị ảnh hưởng.

 

Hang động Mo So rất kỳ thú với hơn 20 hang lớn nhỏ và mỗi hang gắn với tên của đơn vị cách mạng đã từng sống, chiến đấu nơi đây, như: hang huyện đội, hang quân y, hang kinh tài, hang điện đài… (có hang lớn chứa tới hàng ngàn người).

 

Nhiều hộ dân ở đây cho biết, khu vực hang Mo So có thể bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng làm ngập xung quanh núi và cả trong hang động, nước đen ngòm bốc mùi hôi thối.

Trao đổi với chúng tôi về những bất cập ở hang Mo So, ông Đặng Minh Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiên Lương, cho biết: “Thời gian qua huyện rất bức xúc trước việc xuống cấp và thiếu đầu tư đối với hang Mo So, bởi đây vừa là di tích lịch sử vừa là điểm tham quan chủ lực của huyện. Hang Mo So đã được lên kế hoạch đầu tư khá lâu, nhưng do thiếu vốn nên chưa thể triển khai và kéo dài tới nay”. Theo ông Thành, quan điểm chung của huyện là di dời toàn bộ 71 hộ sống xung quanh Mo So. Ngành chức năng đã quy hoạch xong khu tái định cư và đang vận động bà con di dời trong thời gian sớm nhất. “Sau khi di dời dân ra ngoài, ngành chức năng sẽ làm đường sá quanh hang, đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, xây dựng cơ sở phục vụ du lịch bài bản để hình thành tạo tour du lịch Mo So - Hòn Phụ Tử - Hà Tiên”, ông Thành tiết lộ.

Theo bà Nguyễn Dịp Mai, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Kiên Giang, trước mắt tỉnh sẽ đầu tư vào Khu di tích Mo So khoảng 17 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch…

VĨNH THUẬN - KHÁNH HƯNG

Tin cùng chuyên mục