Hội quán, ngôi nhà chung của nông dân Đồng Tháp

Tỉnh Đồng Tháp là địa phương đầu tiên ở ĐBSCL thành lập mô hình hội quán, quy tụ nông dân bàn phương án sản xuất nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường tiêu thụ. 
Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp trao đổi với nông dân ở Canh Tân hội quán thuộc xã An Nhơn, huyện Châu Thành
Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp trao đổi với nông dân ở Canh Tân hội quán thuộc xã An Nhơn, huyện Châu Thành
Đây là mô hình mới mang tính đột phá đưa ngành nông nghiệp tỉnh phát triển bền vững… 
Thay đổi cách nghĩ, cách làm 
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, sau khi Canh Tân hội quán ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành được thành lập đầu tiên vào tháng 6-2016,  đến nay toàn tỉnh có 20 hội quán với khoảng 1.000 thành viên tham gia. Hầu hết các hội quán tập hợp những nông dân cùng sản xuất chung một ngành nghề như: lúa sạch, xoài, chanh, cam, quýt, hoa kiểng, sản xuất khô, trồng khoai môn, nuôi lươn, làm bột… cùng tham gia để sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm ăn giỏi. Các nhà khoa học, nhà chuyên môn về nông nghiệp, đã đến trao đổi với nông dân về những kỹ thuật sản xuất mới, phương pháp giảm giá thành, tăng năng suất, chất lượng; liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân. 
Ông Lê Thành Lộc, Chủ nhiệm Canh tân hội quán ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành tâm sự: “Vùng này chuyên canh cây nhãn, nhưng nhiều nông dân luôn trăn trở tình trạng được mùa mất giá và thường bị thương lái gây khó, nguyên nhân cũng bởi sản xuất kiểu mạnh ai nấy làm. Từ những hạn chế trên, khi lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp có chủ trương thành lập mô hình hội quán, nhằm thay đổi tập quán canh tác, gắn kết nông dân vào làm ăn liên kết, nên mọi người đồng thuận tham gia”. Cứ vào buổi chiều cuối tuần, Canh Tân hội quán quy tụ gần cả trăm nông dân lại cùng sinh hoạt, bàn chuyện sản xuất nông nghiệp. Tại đây, các kỹ sư ngành nông nghiệp và các nhà khoa học hướng dẫn, chuyển giao những kỹ thuật sản xuất mới, phương pháp giảm giá thành, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; các doanh nghiệp thì thông tin về nhu cầu thị trường, giá cả và định hướng thời gian tới; đồng thời triển khai biện pháp bao tiêu, thu mua sản phẩm… Nông dân từ chỗ “tự bơi”, nay được hướng dẫn sản xuất, được định hướng về tiêu thụ nên ai cũng mừng và mạnh dạn thay đổi theo cách làm mới.
Cùng tâm trạng trên, ông Trần Văn Bình, Chủ nhiệm Hội quán làng hoa, ở phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc tiết lộ: “Nếu như trước đây một số hộ trồng hoa kiểng còn dè dặt trong việc trao đổi kinh nghiệm, hoặc giấu nghề… thì từ khi tham gia hội quán, bà con thay đổi nhận thức, gắn kết với nhau nhiều hơn, sẵn sàng trao đổi cách làm hay cho nhau, từ đó giúp nhiều hộ cùng vươn lên”. Theo ông Dương Văn Hải, Chủ nhiệm Xuân Hòa hội quán ở xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tình hình lúa gạo gần đây bấp bênh về giá cả, cộng với dịch bệnh phát sinh nhiều khiến nông dân chịu thiệt. Từ khi tham gia vào hội quán, nhiều nông dân được sinh hoạt với các chuyên gia nông nghiệp về biện pháp giảm lượng phân bón, giảm phun thuốc, giảm chi phí giá thành... Ngoài ra, còn hướng tới việc sản xuất lúa sạch theo nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng khắt khe. Tư duy sản xuất của nông dân thay đổi từ tự phát, nhỏ lẻ sang sản xuất chất lượng, theo thị trường, mà ở đó giảm chi phí giá thành được chú trọng nhằm tăng sức cạnh tranh. 
Tăng cường đầu tư
cho hội quán
Ông Nguyễn Thành Tài, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho rằng, tính đến nay mô hình hội quán ở tỉnh ra đời được 1 năm và bước đầu đem lại tín hiệu lạc quan. Đa số các hội quán duy trì sinh hoạt đều đặn từ 1- 4 lần/tháng nhằm trao đổi thông tin về hợp tác sản xuất theo hướng nông sản sạch, áp dụng tiêu chuẩn GAP, bàn cách đưa sản phẩm nông nghiệp vào siêu thị và xuất khẩu ngày càng nhiều. Phía Sở NN-PTNT cử cán bộ chuyên môn về khuyến nông, trồng trọt, chăn nuôi, thú y… đến chia sẻ kỹ thuật cho các hội quán trong những lần sinh hoạt. Đồng thời, mời các nhà khoa học, các viện, trường đại học… đến trao đổi về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tăng giá trị… 
Cùng với những mặt được thì vẫn còn những băn khoăn để phát triển mô hình hội quán. Ông Nguyễn Văn Truyện, Chủ nhiệm Minh Tâm hội quán ở xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh nói: “Do mới ra đời nên hội quán chưa có nơi hội họp cố định, thiếu cơ sở vật chất; việc này cần cấp trên giúp sức. Ngoài ra, nội dung sinh hoạt cần gắn với những vấn đề bức xúc như đầu ra nông sản, giá cả, giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững… Những vấn đề này cần các ngành chức năng và doanh nghiệp tham gia thường xuyên để gắn kết cùng nông dân xây dựng chuỗi giá trị nông sản”. 
Theo ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, mô hình hội quán tuy mới ra đời nhưng đã mang đến sinh khí mới. Ở đó tính tự nguyện, tự chủ của người dân được đề cao. Mọi người đến tham gia hội quán đều vui vẻ, đoàn kết, đến để cùng nhau sẻ chia, nói cho nhau nghe và nghe nhau nói. Cùng bàn chuyện sản xuất nông sản sạch, trái cây sạch, chất lượng để đi đến mục tiêu cuối cùng là nâng cao giá trị nông sản, nông dân có thu nhập cao hơn, ổn định hơn. Tới đây, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư cho các hội quán trên nhiều mặt như xây dựng trang web, tên miền, hỗ trợ dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin… để các hội quán kết nối nhanh về ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan tâm sự: “Lâu nay bà con có nếp nghĩ “đèn nhà ai nấy sáng, ruộng nhà ai nấy mần”, bây giờ mời bà con vào hội quán như tham gia vào ngôi nhà chung. Mà đã là người chung nhà thì việc của người khác cũng là việc của mình. Do đó, hội quán ra đời là để  đổi mới, để mỗi người, mỗi nhà có điều kiện vươn lên; khi mọi người cùng chung tay, hợp sức sẽ làm cho khu vườn lớn hơn, vùng nguyên liệu quy mô hơn, có như vậy mới thoát ra cái bẫy sản xuất nhỏ, manh mún, tự phát…”.

Tin cùng chuyên mục