Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 tại Hà Nội: Đặt nền móng cho sự tiến triển

Ngày 1-3, một ngày sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 kết thúc, nhiều nhà lãnh đạo, chuyên gia trên thế giới đã gọi cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên là “hành động ngoại giao dũng cảm” và nhấn mạnh đến ý nghĩa “đặt nền móng cho sự tiến triển” từ hội nghị vừa diễn ra tại Hà Nội này.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội được đánh giá đặt nền móng để tiến triển
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội được đánh giá đặt nền móng để tiến triển

Nóng lòng trở lại đàm phán

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres hoan nghênh Hội nghị thượng đỉnh lần 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Theo ông Guterres, dù kết quả có như thế nào, “hành động ngoại giao dũng cảm” của hai bên đã tạo nền tảng cho việc thúc đẩy hòa bình bền vững cũng như tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên một cách toàn diện và có thể xác minh, đồng thời bày tỏ hy vọng các cuộc thảo luận giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ tiếp tục được diễn ra.

Trả lời phỏng vấn Fox News sáng 1-3 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông vẫn hy vọng một thỏa thuận hạt nhân với Triều Tiên sẽ được ký kết trong tương lai. Theo ông Donald Trump, tại hội nghị vừa qua, Triều Tiên muốn phi hạt nhân hóa ở một số nơi, nhưng ông muốn nó được diễn ra ở mọi nơi. Tổng thống Mỹ cho rằng Triều Tiên chưa sẵn sàng cho điều đó. Theo ông Donald Trump, để đáp ứng được mục tiêu của Mỹ là phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng, cần một thỏa thuận khó khăn hơn, đồng thời khẳng định “đây là thỏa thuận mà chúng ta cần đạt được”. Tổng thống Mỹ một lần nữa bày tỏ tình cảm đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên khi cho rằng đây là “một lãnh đạo thực sự” và “thông minh”.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cùng ngày cho biết, Mỹ đang rất “nóng lòng trở lại bàn đàm phán” để tiếp tục đối thoại với Triều Tiên về những khúc mắc sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội. Theo ông Pompeo, Bình Nhưỡng về cơ bản đề nghị dỡ bỏ mọi trừng phạt, song không làm rõ đề xuất dỡ bỏ cơ sở hạt nhân Yongbyon ở mức nào. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho trong cuộc họp báo riêng tại khách sạn Melia nửa đêm 28-2, tuyên bố Triều Tiên chỉ đề nghị dỡ bỏ 5/10 lệnh trừng phạt để đổi lại dỡ bỏ hoàn toàn khu tổ hợp hạt nhân chính Yongbyon.

Hội nghị cần thiết

Đánh giá về hội nghị thượng đỉnh vừa qua, một số nhà phân tích đã nêu bật khả năng “đặt nền móng cho sự tiến triển trong tương lai” mà hội nghị đem lại, đồng thời thừa nhận rằng hội nghị thượng đỉnh này là cần thiết.

Chủ tịch Viện Sejong của Hàn Quốc Paik Hak-soon nhận định, ngay cả khi hai bên không ký kết thỏa thuận, thì việc lãnh đạo cấp cao nhất của hai nước ngồi đàm phán 1-1 và tái khẳng định các vấn đề còn tồn tại là rất hữu ích, giúp thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa và dỡ bỏ trừng phạt trong tương lai. Theo ông Paik Hak-soon, có thể hai bên chưa đồng thuận về điểm mấu chốt là “trình tự” của quá trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Chuyên gia David Kim thuộc Trung tâm nghiên cứu Stimson (Mỹ) nhấn mạnh, mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên giờ đây mới vào khúc dạo đầu, và sẽ còn nhiều diễn biến. Chỉ cần hai bên tôn trọng các cam kết đã đưa ra thì chắc chắn sẽ có kết quả tích cực trong tương lai. Cố vấn cấp cao về bán đảo Triều Tiên tại tổ chức phi chính phủ International Crisis group, Christopher Green, đánh giá kết quả này không phải là chấm dứt tiến trình đối thoại, đồng thời tin rằng hai bên sẽ sớm tiếp tục các cuộc đàm phán cấp thấp.

Trong khi đó, giáo sư chuyên nghiên cứu về Triều Tiên thuộc Đại học Dongguk của Hàn Quốc Koh Yu-hwan cho rằng, hai bên cần duy trì đàm phán để thu hẹp khoảng cách, và các quốc gia liên quan khác, trong đó gồm Hàn Quốc và Trung Quốc, cần phải được tham gia để hỗ trợ tiến trình này. Chuyên gia quan hệ quốc tế Viện Khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) Wang Junsheng, coi Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội là một “thỏa thuận chuyển tiếp” để kết nối quá khứ và tương lai.

Giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Cát Lâm-Trung Quốc, Wang Sheng, nhận định kết quả của hội nghị thượng đỉnh lần này cho thấy sự khác biệt giữa hai bên về khái niệm, phương thức và các bước đi trong tiến trình phi hạt nhân hóa vẫn tồn tại. Theo nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc Yang Xiyu, việc không đạt được thỏa thuận cho thấy hai bên chưa thể khắc phục những bất đồng liên quan tới các cơ sở hạt nhân chủ chốt của Triều Tiên cũng như những đề nghị đối ứng từ phía Mỹ. Chuyên gia này nhấn mạnh rằng quá trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên đã trải qua nhiều khúc ngoặt trong quá khứ, nhưng nó không bao giờ dừng lại và sẽ không bao giờ dừng lại bởi nó phù hợp với lợi ích của tất cả các bên, trong đó gồm cả Triều Tiên.

Thắng lợi ngoại giao cho Việt Nam

Sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 tại Hà Nội, giáo sư-tiến sĩ quan hệ quốc tế Lee Woong-Hyeon, Chủ tịch Viện Nghiên cứu địa chính trị Hàn Quốc, đánh giá Chính phủ Việt Nam đã cho thấy khả năng lớn trong việc tổ chức một sự kiện lịch sử. Không có bất kỳ sự cố nào gây ảnh hưởng đến hội nghị thượng đỉnh. Người dân Việt Nam đã thể hiện sự chào đón nồng nhiệt và thân thiện đối với nhà lãnh đạo của cả hai nước. Không có sai sót ngoại giao hay lỗi về nghi thức trong suốt 2 ngày diễn ra sự kiện. Là một trong những đối tác thương mại lớn của Mỹ, Việt Nam đã chào đón Tổng thống Mỹ Donald Trump nồng nhiệt, gác lại quá khứ chiến tranh giữa hai nước. Và với hội nghị thượng đỉnh, tất cả thế giới đều nhớ rằng Triều Tiên và Việt Nam đã và vẫn là những người bạn của nhau. Theo Giáo sư Lee Woong-Hyeon, là một quốc gia trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam cho thế giới thấy vị thế của một cường quốc tham gia ngoại giao thế giới.

Với kinh nghiệm tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh lịch sử này, ông Lee Woong-Hyeon tin rằng Việt Nam đã trở thành một cường quốc ngoại giao mạnh mẽ trên thế giới. Trong suốt quá trình chuẩn bị hội nghị, người dân Việt Nam đã cho thấy sự hợp tác tích cực với chính phủ. Ông Lee Woong-Hyeon dự báo sau sự kiện này, rất nhiều quốc gia sẽ tìm kiếm một nơi an toàn và nồng ấm cho các hội nghị của mình như Việt Nam. Nhờ đó, Việt Nam sẽ trở thành một cường quốc về kinh tế và chính trị trên thế giới cũng như ở Đông Á.

Trong khi đó, tờ Le Figaro của Pháp cho rằng: “Con rồng mới của Đông Nam Á - một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm 2018, mạnh nhất trong hơn 10 năm nay - muốn tận dụng hội nghị thượng đỉnh rất được truyền thông chú ý để thu hoạch những lợi ích về mặt ngoại giao”. Theo Benoit de Tréglodé, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Inserm thuộc Trường Quân sự Pháp, hội nghị thượng đỉnh là “dịp may ngàn năm có một” cho Việt Nam, giúp Việt Nam quảng bá trước quốc tế hình ảnh của một đất nước ổn định, xứng đáng trở thành một ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Còn tạp chí The Atlantic của Mỹ nhấn mạnh đến việc hoàn thành nhiệm vụ khó khăn của Việt Nam khi thời gian chuẩn bị cho hội nghị là quá ít ỏi. Bài viết có đoạn mô tả sự gấp rút chuẩn bị cho hội nghị như sau: “Thủ đô Hà Nội chạy đua với thời gian. Nhà chức trách yêu cầu đường phố phải được dọn dẹp sạch sẽ, các công trình xây dựng phải tạm dừng thi công. Rất nhiều quốc kỳ của Việt Nam, Triều Tiên và Mỹ được treo trên các cột đèn tại thành phố. Một tuần trước khi các nhà lãnh đạo đến Việt Nam, toàn bộ Công an Hà Nội, cũng như lực lượng chống bạo động và quân đội được huy động để đảm bảo cho công tác an ninh”. 

Nhịp sống ở Hà Nội trong những ngày diễn ra hội nghị vẫn như ngày thường. Đường phố vẫn tấp nập xe cộ; các quán ăn, xe bán thức ăn đường phố vẫn kinh doanh và người dân vẫn đi dạo ở những địa điểm trung tâm ở thành phố. Tuy nhiên, khi đến gần bất cứ địa điểm nào liên quan đến hội nghị, mọi thứ sẽ khác, an ninh luôn được siết chặt, đảm bảo an toàn tối đa. Theo nhiều chuyên gia, điều này đã là minh chứng cho một điều- Việt Nam thực sự yên bình.

VĂN ĐỖ

Tin cùng chuyên mục