Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 12: Ứng phó với các thách thức toàn cầu

Tối 18-10, giờ địa phương (rạng sáng 19-10, giờ Việt Nam), Hội nghị Cấp cao Á - Âu lần thứ 12 (ASEM 12) đã chính thức khai mạc tại Tòa nhà Europa, thủ đô Brussels, Vương quốc Bỉ. Hội nghị kéo dài cho đến hết ngày 19-10 (giờ địa phương). Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Trưởng đoàn ASEM chụp ảnh chung tại phiên họp toàn thể thứ hai Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Trưởng đoàn ASEM chụp ảnh chung tại phiên họp toàn thể thứ hai Ảnh: TTXVN

Cơ chế đối thoại quan trọng

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo cấp cao của 51 thành viên Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), gồm 30 quốc gia châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) và 21 quốc gia châu Á, trong đó có Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao ASEM 12        Ảnh: EU
 Với chủ đề “Châu Á và châu Âu: Quan hệ đối tác toàn cầu nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu”, Hội nghị ASEM 12  có ý nghĩa quan trọng nhằm đề ra định hướng, tầm nhìn hợp tác ASEM trong thập kỷ mới trên cả ba trụ cột là đối thoại chính trị, hợp tác kinh tế và hợp tác trên các lĩnh vực khác. Hội nghị tập trung thảo luận 4 chủ đề chính: thương mại và đầu tư; kết nối Á - Âu; biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; những thách thức an ninh.  Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đánh giá cao những thành tựu của Diễn đàn kể từ Hội nghị Cấp cao ASEM 11 tại Ulanbato, Mông Cổ năm 2016, đề cao vai trò ASEM là cơ chế hợp tác, đối thoại quan trọng hàng đầu giữa hai châu lục, đi đầu thúc đẩy hợp tác đa phương và trật tự quốc tế dựa trên luật, đóng góp duy trì hòa bình, an ninh, ổn định tại khu vực và trên thế giới. Các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh cần nỗ lực hợp tác đưa quan hệ đối tác Á - Âu đi vào chiều sâu và hiệu quả, đồng thời giữ vững các giá trị cốt lõi và các nguyên tắc cơ bản của ASEM về bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi.


Thúc đẩy hợp tác đa phương

Chiều 19-10 (giờ địa phương), tức tối cùng ngày (giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và có bài phát biểu tại Phiên toàn thể thứ hai của ASEM 12. Trong bài phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ASEM cần đi đầu trong thúc đẩy hợp tác đa phương và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và ứng phó với các thách thức toàn cầu. Thủ tướng đề xuất ASEM cần khẳng định vai trò tiên phong trong đẩy mạnh hợp tác đa phương, đóng góp xây dựng cơ chế quản trị toàn cầu hiệu quả, công bằng và dân chủ hơn. Theo đó, châu Á và châu Âu cần hợp tác chặt chẽ góp phần giải quyết kịp thời các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, duy trì hòa bình, thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa, tuân thủ luật pháp quốc tế và các chuẩn mực chung.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, thực hiện chủ trương chủ động hội nhập quốc tế và nâng tầm đối ngoại đa phương, Việt Nam đang nỗ lực đến cuối năm 2018 sẽ phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Việt Nam cũng đang tích cực chuẩn bị đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020. Thủ tướng bày tỏ mong muốn nhận được sự ủng hộ của các thành viên ASEM cho việc Việt Nam ứng cử vào vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.

Trong khuôn khổ Hội nghị ASEM 12, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã hội kiến Tổng thống Cộng hòa Cyprus Nicos Anastasiades, gặp song phương với Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Margot Wallstrom, tiếp Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Bồ Đào Nha Ana Paula Zacarias.  Trong các cuộc hội kiến và tiếp xúc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trao đổi về các biện pháp nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam với các nước.

Tin cùng chuyên mục