Học “vận dụng” từ ghế nhà trường!


Cứ vào đầu năm học, câu chuyện các khoản thu, dạy thêm, học thêm lại trở thành nỗi bức xúc của nhiều phụ huynh học sinh.
Phụ huynh bức xúc kéo lên Trường Tiểu học Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) truy vấn vềtình trạng lạm thu đầu năm học
Phụ huynh bức xúc kéo lên Trường Tiểu học Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) truy vấn vềtình trạng lạm thu đầu năm học

Ngay thời điểm này, vụ phụ huynh “tố” Trường Tiểu học Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) lạm thu vẫn chưa được giải quyết. Cụ thể, phụ huynh không đồng tình với số tiền phải nộp đầu năm mà nhà trường đưa ra lên đến hơn 8 triệu đồng/học sinh, trong đó có các khoản như lớp chất lượng cao 600.000 đồng, bảng tính thông minh 650.000 đồng, học hè 800.000 đồng, tiếng Anh tăng cường 1.170.000 đồng.... Vụ việc buộc đích thân Chủ tịch UBND TP Hà Nội phải chỉ đạo xử lý ngay trước ngày khai giảng. 

Có một thực tế đã và đang diễn ra ở nhiều trường học, đó là ngoài các khoản thu bắt buộc theo quy định sẽ do nhà trường thu, còn các khoản đóng góp thêm đều thông qua ban đại diện cha mẹ học sinh. Dĩ nhiên, hầu hết ở các trường, ban đại diện này đều “đồng tình” thu với kế hoạch của nhà trường. Đơn cử, trước ngày diễn ra cuộc họp phụ huynh đầu năm, ban đại diện được nhà trường mời đến để “thỏa thuận” những khoản thu, kế hoạch thu. Thế nên mới có chuyện trong những năm học trước, có ban đại diện cha mẹ học sinh còn tự thu quỹ lớp khá nhiều để phục vụ các hoạt động trong suốt năm học, bao gồm cả quà tặng thầy cô, nhà trường hay mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học... 

Khi ngân sách nhà nước còn hạn chế, việc huy động các nguồn lực xã hội một cách tự nguyện để đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục là chính đáng và hết sức cần thiết. Tuy nhiên, một số nơi, đặc biệt người đứng đầu các cơ sở giáo dục đã thực hiện chưa đúng quy định, dẫn đến tình trạng lợi dụng ban đại diện cha mẹ học sinh để thu theo kiểu áp đặt, cào bằng. Thực tế là nhiều phụ huynh có điều kiện kinh tế tốt và thực sự muốn cùng nhà trường nâng cao chất lượng dạy - học cho học sinh. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều phụ huynh khó khăn về kinh tế; vì vậy, huy động xã hội hóa kiểu cào bằng sẽ gây bức xúc cho người nộp, dù tinh thần thu là tự nguyện. 

Ngay cả chuyện dạy thêm, học thêm cũng vậy. Mặc dù Bộ GD-ĐT đã có Thông tư 17/2012 quy định cấm dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học, nhưng tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến và nặng nề, nhất là ở các thành phố lớn. Tâm lý của phụ huynh thường là “không học thêm với cô thì các con chỉ có đường bị đì, hắt hủi”, hoặc có khi cho con học thêm chỉ vì “hơn nhau điểm số”. Và thế là chủ trương tốt đẹp từ xưa của các trường là phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi ngoài giờ chính khóa, được “vận dụng” thành phong trào dạy thêm đồng loạt cho tất cả học sinh, bất kể đối tượng, nhu cầu… Khi bị kiểm tra, cơ sở giáo dục nào cũng thủ sẵn đơn đăng ký “dạy học theo nguyện vọng của học sinh” bởi chính Thông tư 17 cho phép. 

Phát biểu trong lễ khai giảng năm học mới 2018-2019 tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhắn nhủ đến học sinh rằng: “Các cháu hãy bắt đầu năm học mới với niềm hứng khởi, say mê, giữ lại cho mình những phút giây đẹp nhất của tuổi học trò, vô tư bên người thân, thầy cô, bạn bè”. Như vậy, để các em có thể “giữ lại cho mình những phút giây đẹp nhất của tuổi học trò”, nhà trường phải tạo cho học sinh một môi trường giáo dục lành mạnh. Thử hỏi, với muôn kiểu “vận dụng” ở các cơ sở giáo dục như đã nói trên, thì nhà trường sẽ dạy được gì với học sinh? Các em có bước vào đời với tâm thế “vận dụng”?  

Tin cùng chuyên mục