Học và thi kiểu… đánh đố

Chiều ngày 23-3, một website giả mạo giao diện một tờ báo điện tử công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT năm 2013, theo đó ngoài 3 môn Văn, Toán và Ngoại ngữ còn có 3 môn khác là Thể dục, Giáo dục công dân và Công nghệ. Thông tin này thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh lớp 12 và các bậc phụ huynh vì đang hồi hộp từng giờ chờ đợi ngành giáo dục công bố các môn sẽ thi tốt nghiệp. Các trang thông tin mạng, các tờ báo… nóng lên ngay sau đó.

Chiều ngày 23-3, một website giả mạo giao diện một tờ báo điện tử công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT năm 2013, theo đó ngoài 3 môn Văn, Toán và Ngoại ngữ còn có 3 môn khác là Thể dục, Giáo dục công dân và Công nghệ. Thông tin này thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh lớp 12 và các bậc phụ huynh vì đang hồi hộp từng giờ chờ đợi ngành giáo dục công bố các môn sẽ thi tốt nghiệp. Các trang thông tin mạng, các tờ báo… nóng lên ngay sau đó.

Hai vị thứ trưởng và một vị vụ trưởng ngành giáo dục trả lời các báo, khẳng định thông tin trên là không có cơ sở, đồng thời cho biết đến ngày 30-3 ngành giáo dục mới chính thức công bố các môn thi. Như vậy là thông tin thất thiệt, dư luận thở phào nhưng lại tiếp tục hồi hộp chờ đợi. Điều cần bàn là có cần thiết để mọi người phải hồi hộp chờ đợi?

Tình cảnh tương tự cũng diễn ra với kỳ thi tuyển sinh lớp 10, ngoài 2 môn thi bắt buộc là Toán và Văn, các học sinh THCS thi tuyển sinh lớp 10 đang phải hồi hộp chờ đợi công bố môn thứ ba. Theo giải thích của một cán bộ ngành giáo dục, sở dĩ môn thi thứ ba được công bố vào ngày 11-5 chứ không xác định trước vì tuân theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, theo đó môn thứ ba sẽ do giám đốc Sở GD-ĐT chọn và công bố sớm nhất 15 ngày trước ngày kết thúc năm học theo biên chế năm học của bộ.

Năm nào cũng vậy, hàng triệu học sinh lớp 9 và lớp 12 phải kết thúc chương trình học thật sớm để tập trung ráo riết ôn thi sáng - chiều - tối và hồi hộp chờ công bố các môn thi. Lớp 9 đỡ nghẹt thở hơn, vì hầu như năm nào cũng vậy, môn thứ ba được đa số các tỉnh, thành chọn vào giờ chót đều là môn Ngoại ngữ. Nên tâm lý cũng không đến nỗi căng thẳng, và nếu như có sự thay đổi sẽ là… tai họa cho cả thầy lẫn trò! Đối với lớp 12, sự căng thẳng bộc lộ trên khuôn mặt từng học sinh, vì ngoài 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ thì 3 môn còn lại như một trò… xổ số hên - xui.

Dư luận không ít lần bức xúc về cách tổ chức thi cử như thế này, song cách trả lời của các lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh - thành đều như nhau: “Thực hiện theo quy chế của Bộ GD-ĐT”, là xong. Một người bạn của tôi làm trong ngành giáo dục lý giải, sở dĩ có chuyện “xổ số giờ chót” nhằm tránh tâm lý học tủ, học lệch. Nhưng giải pháp này xem ra không ổn khi khiến học sinh và cả phụ huynh năm nào cũng phập phồng chờ đợi, đến lúc công bố môn thi thì học sinh phải “vắt giò lên cổ” mà học ngày học đêm - như cách nói của nhiều người. Còn nhà trường, đặc biệt là các trường dân lập, như vào “chiến dịch”, học sinh chưa thuộc bài thì chưa được ra về; trường công lập thì dồn sức truy bài, bất kể sáng, chiều hay tối mịt. Nhìn con, phụ huynh đứt ruột nhưng không có cách nào khác.

Đối với bậc THCS, nếu năm nay một tỉnh - thành nào đó, chẳng hạn như TPHCM không chọn môn Ngoại ngữ là môn thi thứ ba thì điều gì sẽ xảy ra? Các trường THCS sẽ vào “chiến dịch” không khác gì các trường THPT. Không biết có nước nào tổ chức học và thi cử kiểu đánh đố như thế này?

“Tổ chức thực hiện theo quy chế của Bộ GD-ĐT” chưa biết sẽ thuận lợi gì cho ngành giáo dục, nhưng nói thật, nhiều năm nay điều này là nỗi khổ của học sinh, nỗi trăn trở của bao phụ huynh. Vấn đề cải tiến chế độ thi cử đang được dư luận quan tâm. Không ít ý kiến cho rằng tại sao không áp dụng quy chế học môn nào thì thi môn ấy như nền giáo dục các nước tiên tiến? Đề nghị này cần được ngành giáo dục nghiên cứu, xem xét. Hiện học sinh lớp 9 hay lớp 12 đều phải học 10-11 môn, các bài kiểm tra dày đặc và liên tục, rồi tài liệu ôn thi do trường, do giáo viên bộ môn soạn, rồi đi học thêm học bớt, nói chung là học… không kịp thở! Học môn nào thi môn ấy đòi hỏi ngành giáo dục phải cải tiến sách giáo khoa, giảm bớt khối lượng kiến thức, giảm bớt các môn không cần thiết.

Đăng Liêm (Bình Thạnh, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục