Học sinh nói không với rác thải nhựa

Sở GD-ĐT TPHCM vừa triển khai kế hoạch lớp học không rác, trường học không rác đến tất cả các trường học trên địa bàn thành phố. Theo đó, trong năm học 2019-2020, các trường kiên quyết nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần. Trên thực tế, từ những ngày đầu năm học, nhiều trường học của thành phố đã không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và có nhiều cách làm hay để tuyên truyền, vận động học sinh giảm thiểu rác thải nhựa.  
Học sinh Trường THCS Nguyễn Du đã có thói quen mang bình nước thân thiện đến trường
Học sinh Trường THCS Nguyễn Du đã có thói quen mang bình nước thân thiện đến trường

Bỏ bao tập bằng bìa ni lông

Trong tiết sinh hoạt chào cờ đầu tuần của năm học mới, khi nghe ban giám hiệu thông báo không bắt buộc học sinh bao tập bằng bìa ni lông, tất cả học sinh Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) vui mừng vỗ tay hưởng ứng thật lớn. Đó là một trong nhiều cách làm thiết thực nhà trường đang triển khai để nâng cao ý thức cho giáo viên, học sinh nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần. 

Không dùng bìa ni lông để bao tập, sách cho học sinh cũng được Ban Giám hiệu Trường Trung học thực hành Sài Gòn thông báo đến phụ huynh trong buổi gặp mặt đầu năm học. Để góp phần bảo vệ môi trường, nhà trường khuyến khích học sinh mang bình nước thân thiện đến lớp và không mang chai nhựa, hộp nhựa dùng một lần khi đến trường.

Ban Giám hiệu Trường THCS Hoa Lư (quận 9) cũng thông báo đến học sinh toàn trường về việc không dùng bìa ni lông bao tập, sách. Bên cạnh đó, để nâng cao ý thức không dùng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, thầy trò trường Hoa Lư đang tiến tới hạn chế sử dụng bút bi nhựa.

Theo kết quả nghiên cứu, thu thập của nhóm học sinh và giáo viên trường, trung bình mỗi tháng một học sinh sử dụng 3 bút bi. Như vậy trong năm học mỗi học sinh sẽ dùng khoảng 20 bút bi nhựa.

“Nhân cho 8,2 triệu học sinh trên toàn quốc thì sau mỗi năm học, môi trường sống của chúng ta sẽ gánh 164 triệu bút bi - tương đương 1.312 tấn rác thải nhựa. Giải pháp của chúng tôi là dùng bút chì thay thế bút bi khi viết nháp, ghi chú thích, làm bài tập. Đồng thời thay bút bi nhựa bằng bút bi kim loại có thể thay lõi hoặc bút bi vỏ tre, giấy, gỗ. Chúng tôi muốn giúp học sinh dần thay đổi nhận thức về môi trường sống đang bị đe dọa bởi rác thải nhựa, từ đó có những cách làm thiết thực, dễ thực hiện nhằm khuyến khích học sinh nhập cuộc dần”, thầy Lê Văn Minh, giáo viên bộ môn Hóa Sinh Trường THCS Hoa Lư, chia sẻ. 

Không mang rác thải nhựa vào trường học

Tại căn tin Trường THCS Nguyễn Du, vào các giờ ra chơi, học sinh đã dần có ý thức mang bình nước thân thiện đến mua nước uống, bởi khi mang theo bình, học sinh được giảm giá tiền 1.000 đồng. Vừa mua xong bình nước trà bí đao với giá 4.000 đồng, em Nguyễn Huỳnh Đăng Khôi (học sinh lớp 6) chia sẻ: “Ngay từ ngày đầu năm học, thầy cô đã khuyến khích chúng em mang bình thân thiện đến lớp để thay thế ly nhựa dùng một lần. Nhờ mang bình nước này, mỗi lần mua nước tại căn tin, em để dành được 1.000 đồng. Nhưng quan trọng hơn, chúng em đã góp phần giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường”. 

Để làm gương, mỗi giáo viên, cán bộ nhân viên nhà trường đã mang bình thân thiện đến lớp. Trường cũng không dùng ly, chai nhựa để tiếp khách. Hơn 2 tuần triển khai, hơn 90% học sinh đã có ý thức nói không với ly, chai nhựa dùng một lần.

“Từ những năm học trước, nhà trường đã hạn chế sử dụng đồ nhựa tại căn tin và thay thế bằng các sản phẩm thân thiện. Chúng tôi vui mừng khi thấy ý thức của học sinh trong bảo vệ môi trường ngày càng được nâng cao. Từ những ý thức nhỏ, cách làm hay học được, nhà trường kỳ vọng các em sẽ là sứ giả tuyên truyền đến người thân, bạn bè để hành động đẹp ngày càng lan tỏa”, cô Lê Thị Quy Thục, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, mong muốn. 

Theo cô Bùi Thị Bảo Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, đến nay 100% giáo viên trường đã mang theo bình nước thân thiện khi đến lớp. Tại căn tin, khi đến mua thức ăn bằng bình, hộp thân thiện, học sinh được tặng phiếu tích điểm mua hàng. Nhà trường cũng không sử dụng chai, ly nhựa và căn tin trường cũng cam kết thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần bằng sản phẩm thân thiện.

Ngoài ra, từ năm học trước, thầy trò Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cũng đã có nhiều mô hình hay trong bảo vệ môi trường. Khoe những viên gạch Ecobrick thân thiện môi trường được làm từ chai nhựa, túi ni lông, vỏ kẹo… trong mùa hè qua, em Nguyễn Tiến Minh Hoàng, Bí thư Đoàn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, cho biết: “Sản phẩm không chỉ giúp tái chế rác thải nhựa, mà cách làm này còn giúp các bạn hiểu phải chung tay bảo vệ môi trường ra sao”.

Nhà trường cũng đã có ý tưởng dùng những viên gạch Ecobrick để trang trí tiểu cảnh, và tiến xa hơn là phối hợp một công ty xây dựng để nghiên cứu đưa Ecobrick vào xây dựng hoặc làm bàn ghế.

Trong chiến dịch tình nguyện hè vừa qua, ngoài tổ chức các không gian khoa học vui, sân chơi hướng dẫn phân loại rác tại nguồn, trồng cây xanh cải thiện môi trường tại các trường tiểu học, THCS, các chiến sĩ Hoa phượng đỏ còn tổ chức cho học sinh thu gom rác thải nhựa để thực hiện tái chế. Kết quả đã thực hiện được 7.585 viên gạch sinh thái từ vỏ chai nhựa và túi ni lông. Từ những viên gạch này đã thực hiện công trình xây dựng mảng xanh tại trường học, làm trụ, bồn cây trên tuyến kênh Tham Lương (quận Gò Vấp). 

Tin cùng chuyên mục