Học hoài không thuộc

- Thanh long Bình Thuận vô chính vụ, mà giá rớt tè le. Bán ở vườn, cỡ 1 ngàn đồng/ký vẫn không kiếm được người mua. Đổ cho bò ăn, riết rồi bò cũng lắc đầu vì ngán. Nghe nói là đầu ra cho thanh long xuất khẩu phụ thuộc quá nhiều vào thương lái Trung Quốc. Họ nắm sát nhíp sản lượng từng vụ, rồi bóp thả làm nông dân mình quay cuồng.

- Cũng có nguồn tin khác cho biết “ở bển” phát triển mạnh trồng diện tích thanh long. Cung vượt cầu nên hàng bị ứ. Đâu cần phải đụng chuyện mới biết thanh long xứ mình chủ yếu xuất qua Trung Quốc. Khi hướng này thắt cổ chai thì đình trệ đầu ra hết trọi. Trong khi đó, ở siêu thị xứ mình, giá thanh long vẫn cỡ 20 ngàn đồng/ký.

- Vậy có nên kêu gọi giải cứu thanh long không?

- Cứu hoài cũng oải. Hết chuối, khoai lang, mít, ớt, thanh long… cứ tới mùa ế ẩm, ai cứu cho nổi. Khi sản xuất không căn cơ về thị trường tiêu thụ mà cứ mạnh ai nấy trồng thì dính chùm là điều biết trước. Dù là xuất khẩu hay tiêu thụ nội địa, cũng phải ký hợp đồng với doanh nghiệp có uy tín để bảo đảm đầu ra. 

- Bữa trước thì hạt tiêu cũng cung vượt cầu, nhiều nhà nông lỗ lớn. Thấy được giá, quá trời người nhào vô cùng làm một thứ, nên đến lúc dội chợ thì cùng ứ hự. Bài học “được mùa mất giá” năm nào cũng cay đắng nước mắt vắn dài, mà học hoài không thuộc.

Tin cùng chuyên mục