Hoàn tất 2 công trình cải thiện giao thông trước 3 tháng

Cầu Nhị Thiên Đường 1 và nhánh cầu vượt thứ hai nối đường Phạm Ngũ Lão với Nguyễn Oanh, của công trình cầu vượt thép tại nút giao ngã sáu Gò Vấp là 2 hạng mục cơ sở hạ tầng giao thông sẽ được hoàn tất, đưa vào khai thác trong tháng 10 này.
Cầu Nhị Thiên Đường 1 sắp hoàn thành Ảnh: CAO THĂNG
Cầu Nhị Thiên Đường 1 sắp hoàn thành Ảnh: CAO THĂNG
Thông xe cầu Nhị Thiên Đường 1 
Chỉ vài ngày nữa, theo lịch trình, vào sáng 19-10 tới, công trình nâng cấp, sửa chữa cầu Nhị Thiên Đường 1 sẽ chính thức hoàn tất và thông xe sau 9 tháng thi công. Điều đáng ghi nhận đó là việc đưa công trình vào hoạt động diễn ra sớm hơn kế hoạch ban đầu 3 tháng (công trình khởi công ngày 19-1 và thời hạn đề ra hoàn tất các hạng mục trong 12 tháng) nhờ nỗ lực của cả tập thể, từ chủ đầu tư là Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 thuộc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM đến nhà thầu thi công. 
Với việc đưa vào sử dụng cầu Nhị Thiên Đường 1, giao thông đi lại sẽ thuận lợi hơn, không chỉ trên trục đường Tùng Thiện Vương quận 8 mà còn cho cả cụm khu vực lân cận như tuyến quốc lộ 50, đường Phạm Thế Hiển, Bến Bình Đông, Tuy Lý Vương, Bùi Minh Trực, Nguyễn Văn Của…
Còn nhớ cách đây 2 năm, lãnh đạo TPHCM đã phải cân nhắc lựa chọn rất kỹ giữa 2 phương án là xây mới hoặc giữ lại và chỉ nâng cấp cầu cũ. Bởi mặc dù xác định nhu cầu làm mới cầu Nhị Thiên Đường 1 là điều không phải bàn cãi, nhưng vấn đề là “mới” như thế nào, “chỉ nâng cấp, sửa chữa hay xây mới hoàn toàn?”. Điều làm cơ quan chức năng băn khoăn ở chỗ, dường như không có phương án nào hoàn hảo vì phương án nào cũng có những ưu điểm đan xen cùng nhược điểm.
Ưu điểm của phương án nghiên cứu theo hướng chỉ sửa chữa, nâng cấp cầu Nhị Thiên Đường 1 hiện hữu là sẽ giúp giữ được cơ bản kiến trúc và kết cấu cầu; đồng thời, ít ảnh hưởng đến quá trình tổ chức giao thông hơn so với phương án xây dựng mới, nhưng hạn chế lại quá nhiều vì mất cân đối về kiến trúc giữa cầu Nhị Thiên Đường 1 và cầu Nhị Thiên Đường 2, thiếu sự hài hòa đồng bộ cảnh quan đô thị trong khu vực, chi phí sửa chữa cao (dự kiến suất đầu tư nâng cấp khoảng 60 triệu đồng/m2 cầu, tức cao hơn so với suất đầu tư xây dựng mới), chi phí bảo dưỡng duy tu các bộ phận cáp, neo cũng sẽ cao hơn so với phương án xây dựng mới…
Trong khi đó, phương án xây mới cầu Nhị Thiên Đường 1 có hàng loạt ưu điểm như đồng bộ về kết cấu với cầu Nhị Thiên Đường 2, tạo được kiến trúc cân đối giữa hai cầu; có thể triển khai xây dựng công trình ngay do không phải bồi thường giải phóng mặt bằng; chi phí duy tu, bảo dưỡng thấp nhất so với phương án sửa chữa nâng cấp cầu; thời gian thi công ngắn… Nhưng nhược điểm của phương án này là áp lực giao thông lên cầu Nhị Thiên Đường 2 sẽ tăng trong suốt thời gian thi công. Yếu tố giảm nhẹ ở đây chỉ là có thể tận dụng các trục đường chung quanh khu vực để san sẻ áp lực lưu thông.
Cuối cùng, sau khi cân nhắc các phương án và tham khảo các sở ngành liên quan như Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở GTVT đã kiến nghị và được lãnh đạo thành phố lựa chọn phương án đầu tư xây cầu mới với yêu cầu “cầu Nhị Thiên Đường 1 xây mới phải có kết cấu, kiểu dáng công trình tương tự cầu Nhị Thiên Đường 2; nghiên cứu thiết kế khôi phục nhiều hạng mục như lan can, chiếu sáng, trang trí để lưu dấu một số nét kiến trúc của cầu Nhị Thiên Đường 1 hiện hữu”.
Hoàn chỉnh cụm cầu vượt đầu tiên tại quận Gò Vấp
Ở quận Gò Vấp, theo lịch trình, nhánh cầu vượt thứ hai, nhánh qua đường Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Oanh thuộc công trình cầu vượt nút giao thông ngã sáu Gò Vấp sẽ hoàn tất, đưa vào khai thác trong tuần cuối của tháng 10 này. Lãnh đạo Khu Quản lý giao thông đô thị số 3, chủ đầu tư dự án, cho biết đến cuối tháng 9 qua, công trình đã thực hiện 70% khối lượng; trong đó, những hạng mục quan trọng nhất đã làm xong và đang chuyển sang phần việc hoàn chỉnh mặt cầu, lan can, hệ thống biển báo…
Khi hoàn tất đưa vào sử dụng, công trình cầu vượt tại nút giao ngã sáu Gò Vấp sẽ là cầu vượt hoàn chỉnh đầu tiên trên địa bàn quận. Công trình này gồm 2 nhánh cầu hình chữ Y. Nhánh cầu đầu tiên nối đường Nguyễn Oanh và Nguyễn Kiệm đã hoàn tất, đưa vào sử dụng ngay trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Có thể nói, dự án xây dựng cầu vượt thép hình chữ Y tại ngã sáu Gò Vấp là một trong những công trình quan trọng, góp phần giải quyết điểm nghẽn giao thông đã tồn tại gần chục năm vì đây là nơi hội tụ toàn bộ trục đường quan trọng của quận như Nguyễn Kiệm, Nguyễn Oanh, Quang Trung, Nguyễn Văn Nghi…
Trước đây, tồn tại lớn nhất ở ngã sáu Gò Vấp là tình trạng giao cắt giữa hướng lưu thông từ đường Quang Trung và Nguyễn Oanh đổ vào đường Nguyễn Văn Nghi, Nguyễn Kiệm và hướng lưu thông từ đường Phạm Ngũ Lão đổ vào giao lộ. Điểm nóng này có đặc điểm là đa phần các tuyến đường trên đều có năng lực giao thông đã quá tải; đồng thời, không có nhiều đường ngang giao cắt dạng bàn cờ để “chia lửa” khi xảy ra ùn tắc giao thông. Tình trạng bức bối giao thông ở nút giao ngã sáu Gò Vấp đã phần nào được cải thiện khi nhánh cầu vượt Nguyễn Oanh - Nguyễn Kiệm được thông xe và sẽ tốt hơn nữa sau khi nhánh cầu vượt Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Oanh hoàn thành trong ít ngày nữa.
Hiện nay, nhiều công trình hạ tầng giao thông đô thị cũng đang được hối hả thi công để kịp đưa vào khai thác trong năm 2017. Trong số này, có ít nhất 2 công trình sẽ được hoàn tất thi công trong tháng 11 là nút giao thông Mỹ Thủy (quận 2) và nhánh cầu vượt thứ hai, nhánh Nguyễn Kiệm - Hoàng Minh Giám (thuộc công trình cụm cầu vượt thép hình chữ N tại nút giao thông Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp).
Công trình nút giao thông Mỹ Thủy đã khởi công giai đoạn 1 từ tháng 6-2016 bằng việc thi công gói thầu cầu Kỳ Hà, trong khi gói thầu chính với 2 hạng mục xây cầu vượt và hầm chui, khởi công ngày 3-11-2016. Theo hợp đồng, công trình xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy sẽ hoàn tất vào tháng 2-2018; tuy nhiên, theo Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 Lê Ngọc Hùng, đến nay tiến độ thi công dự án vẫn đảm bảo như lộ trình vạch ra và đơn vị sẽ phấn đấu hoàn thành dự án trước tiến độ hơn 3 tháng, tức công trình sẽ hoàn tất vào tháng 11 năm nay.
Trong khi đó, nhánh cầu vượt Nguyễn Kiệm - Hoàng Minh Giám dù mới khởi công vào ngày 3-9 vừa qua, nhưng chủ đầu tư là Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 khẳng định sẽ hoàn tất đưa vào sử dụng vào giữa tháng 11 tới. Cầu vượt thép tại nút giao Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn có tổng vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng. Dự án gồm 3 nhánh cầu theo hướng Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Kiệm - Hoàng Minh Giám và Hoàng Minh Giám - Nguyễn Thái Sơn. Nhánh cầu từ đường Hoàng Minh Giám về đường Nguyễn Thái Sơn đã chính thức đưa vào sử dụng từ đầu tháng 7 vừa qua. Trong khi nhánh cầu thứ hai, Nguyễn Kiệm - Hoàng Minh Giám đang thi công. Riêng nhánh cầu vượt thứ 3 (theo hình chữ N), nhánh Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn sẽ thi công ngay sau khi được bàn giao mặt bằng.

Tin cùng chuyên mục