Họa sĩ Trần Văn Hải: Dấu ấn riêng từ tranh thủy mặc

Theo học nghệ thuật sơn mài, nhưng có lẽ cái nghiệp đã lựa chọn và đẩy đưa họa sĩ Trần Văn Hải đến với nghệ thuật thủy mặc truyền thống. Học được kỹ thuật của loại hình tranh thủy mặc đã khó vô cùng, vậy mà người họa sĩ này còn dấn thêm một bước táo bạo hơn, đó là sự thể hiện tác phẩm bằng những hình ảnh, mảng miếng, màu sắc tả thực khá hiện đại. 

Ngôn ngữ mới

Nhiều năm tham gia triển lãm tại CLB Mỹ thuật người Hoa và Hội Mỹ thuật TPHCM, đã không ít lần công chúng và giới nghệ thuật TPHCM thưởng lãm các tác phẩm thủy mặc của họa sĩ Trần Văn Hải.

Nhưng gây chú ý nhất, có lẽ là lần anh cùng 17 họa sĩ chuyên vẽ tranh thủy mặc tại TPHCM cùng trực tiếp ứng tác bức tranh thủy mặc lớn nhất Việt Nam (1,22m x 5m) có tên Trăm hoa đua nở vào năm 2009.

Để có thể được phóng cọ cùng các họa sĩ thuộc hàng tiền bối, các bậc đại thụ của thủy mặc ở Việt Nam như: Trương Hán Minh, Lý Tùng Niên, Lý Khắc Nhu, Trương Lộ, Huỳnh Tuần Bá…, Trần Văn Hải đã không ngừng học hỏi và miệt mài khổ luyện cả chục năm trời. 

Trước đó Trần Văn Hải có 10 năm làm việc tại Công ty Mỹ thuật TPHCM, tuy nhiên anh chuyên trách về mảng sơn truyền thống (sơn ta). Một thời gian, anh làm nghề chép tranh, sau đó lân la làm quen với thủy mặc, rồi tham gia sinh hoạt trong tại CLB Mỹ thuật người Hoa, may mắn được các bậc tiền bối nhiệt tình hướng dẫn.

Họa sĩ Trần Văn Hải: Dấu ấn riêng từ tranh thủy mặc ảnh 1 Tác phẩm Nhịp sống
Bên cạnh khổ luyện, anh còn được học thêm từ các danh họa Trung Quốc qua những lần triển lãm giao lưu. Vừa học vừa làm, tinh thần ham học hỏi của anh càng khiến các bậc thầy thủy mặc thương yêu.

Vậy là, cứ mỗi lần sinh hoạt cùng CLB, mỗi lần được trò chuyện với các “cây tùng, cây bách”, anh lại cố gắng học thêm kiến thức cho mình, mỗi ngày một ít. 

Năm 2010 đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng với Trần Văn Hải khi triển lãm cá nhân đầu tiên về tranh thủy mặc của anh ra mắt công chúng, với sự tham dự của các bậc thầy và sự quan tâm nồng nhiệt của giới nghệ thuật cũng như những người yêu tranh.

Còn nhớ, lúc ấy cả giới mỹ thuật xôn xao, ai nấy đều bất ngờ, bởi không chỉ nhuần nhuyễn trong kỹ thuật thủy mặc truyền thống, Trần Văn Hải còn có những nét “phá cách” khá độc đáo, tạo ra những tác phẩm mang dấu ấn riêng.

Nếu người xem ấn tượng với một Mồ hôi trên bãi tràm được thể hiện độc đáo, thì với Thời gian, Người đàn ông vùng cao, công chúng càng tròn mắt khi anh dùng kỹ thuật cho mực loang trên giấy, sau đó vò nhăn giấy, tạo hiệu ứng thị giác rất bắt mắt, cho người xem cảm giác về một sự rạn nứt, rơi vỡ. Hay cách anh in, ép mực trên các chất liệu có độ nhám, bề mặt sần sùi để tạo lên những mảng màu khác lạ, đầy ấn tượng.

Nói về triển lãm đầu tay của hậu bối, họa sĩ thủy mặc nổi tiếng Lý Tùng Niên nhận định: “Vẽ tranh thủy mặc truyền thống trên nền tảng hội họa phương Tây, Trần Văn Hải đã phá cách rất sáng tạo và có bước tiến dài về kỹ thuật và nội dung, tạo được một lối vẽ riêng cho mình. Tranh thủy mặc của Trần Văn Hải giờ đây đã đạt đến một trình độ rất đáng khen”.

Trăn trở với số phận con người 

Không dừng lại ở các đề tài hoa điểu, sơn thủy, hay nhân vật theo lối truyền thống như các họa sĩ thủy mặc thường thể hiện, xem những tác phẩm của Trần Văn Hải, người ta cảm nhận được hơi thở của cuộc sống đương đại đang bắt nhịp và sôi động từng ngày, hiển hiện đâu đó trong từng ngóc ngách của đời sống xã hội.

Anh rất chịu khó đi thực tế, qua những lần tham gia trại sáng tác, anh luôn kiên nhẫn quan sát để có được những tác phẩm thủy mặc về đời sống thường ngày ấn tượng, trong đó đặc biệt là những tác phẩm về nghề biển và đời sống ngư dân.

Người được mệnh danh là “truyền nhân” của dòng tranh thủy mặc chia sẻ rằng, anh vẫn giữ cái gốc, tức tinh thần của thủy mặc truyền thống, nhưng nhịp sống sôi động, xã hội đương đại luôn đòi hỏi cái mới, nên anh đã mạnh dạn tìm tòi và mở một hướng đi mới để hài hòa cả hai yếu tố ấy. 

Lần ra mắt triển lãm cá nhân đầu tay với anh là cả một sự đột phá, sự vượt khó đáng khen, được dư luận trong giới mỹ thuật đánh giá cao.

Họa sĩ Trần Văn Hải: Dấu ấn riêng từ tranh thủy mặc ảnh 2 Họa sĩ Trần Văn Hải trong một chuyến đithực tế sáng tác tại Khánh Hòa 
“Đội ngũ họa sĩ trẻ trong lực lượng vẽ tranh thủy mặc hiện nay không nhiều và họa sĩ Trần Văn Hải được giới mỹ thuật TP xem là một nhân tố điển hình, đầy triển vọng. Anh dấn thân mạnh mẽ, tích cực lao động sáng tạo, đồng thời tư duy để tìm cách thể hiện, biến hóa ngôn ngữ, kỹ thuật diễn tả tranh thủy mặc theo cách của riêng mình”, NGND - họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, chia sẻ. 

Người thưởng ngoạn cảm nhận được vẻ đẹp dịu dàng, nét đằm thắm của cả cỏ cây, hoa lá qua Khoe sắc, hay bút pháp ngẫu hứng, những nét đen vẽ lông cánh, lông đuôi của chú gà được thể hiện mạnh mẽ, dứt khoát qua Hùng kê ca thịnh thế, Hùng kê hỷ kiến trùng... của Trần Văn Hải.

Anh chia sẻ: “Tôi quan tâm đến những số phận con người, đặc biệt là người dân vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số, những người làm nghề biển”.

Thật vậy, nếu như Tiếp nối tạo sự xúc động mạnh mẽ, thì Phiên chợ cá Long Hải khai thác hoàn hảo vẻ đẹp của người lao động trong việc mưu sinh vất vả, nhưng vẫn toát lên sự ca ngợi cuộc sống bình dị, hiền hòa. Tranh của Trần Văn Hải khiến người xem cảm nhận như những bài thơ ca ngợi cuộc sống. 

Hơn 10 năm dấn thân và tìm cho mình lối đi riêng trong nghệ thuật, tinh thần của hội họa phương Tây (sơn dầu), kết hợp với bút pháp của hội họa phương Đông (thủy mặc), Trần Văn Hải đã tạo một sắc màu mới, tạo nét riêng cho tác phẩm của mình.

Giá trị nghệ thuật trong tranh thủy mặc của anh đã được nhìn nhận bằng nhiều giải thưởng cao của Hội Mỹ thuật Việt Nam (Giải thưởng Mỹ thuật khu vực VI - TPHCM) liên tục 4 trong năm liền từ 2008 - 2011, nhiều giải thưởng và tác phẩm được chọn đầu tư. Anh cũng nhận được nhiều giải thưởng của Bộ VH-TT-DL, Hội Mỹ thuật TPHCM và Liên hiệp Các Hội VHNT TPHCM. Tranh của Trần Văn Hải được Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM đưa vào bộ sưu tập Bảo tàng.

Ngoài các nhà sưu tập tư nhân, tranh của Trần Văn Hải còn nằm trong bộ sưu tập của các nhà sưu tập Trung Quốc, Malaysia… 

Tin cùng chuyên mục