Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu

Theo khảo sát của các hiệp hội doanh nghiệp, hiện nay doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang tồn tại một số hạn chế như: hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp; thiếu vốn, công nghệ...
Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm mới đến người tiêu dùng Ảnh: VIỆT THƯ
Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm mới đến người tiêu dùng Ảnh: VIỆT THƯ
Đồng thời, trong bối cảnh sức tiêu thụ thị trường có phần giảm sút, nhiều doanh nghiệp phải chủ động thu hẹp sản xuất.
Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng dựa trên yếu tố cải cách kinh tế và tăng cường hội nhập, nhưng nếu hội nhập mà không cải cách, không chuẩn bị năng lực cạnh tranh thì khó có thể vươn lên trước sức ép của thị trường thương mại tự do. Sức khỏe và năng lực cạnh tranh doanh nghiệp là thước đo giá trị của nền kinh tế. Do đó, cần tập trung nâng cao chất lượng doanh nghiệp bên cạnh phát triển đội ngũ doanh nghiệp. 

Trước đây, Việt Nam phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào nhân công rẻ, thu hút nguồn vốn... Nhưng hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thay đổi mô hình phát triển theo hướng nâng cao chất lượng. Kinh nghiệm phát triển trong những năm qua cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định, nhưng cũng còn nhiều vấn đề bất cập; do đó, đổi mới mô hình phát triển là nhu cầu tất yếu và đáp ứng quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn mới. Song song với đẩy mạnh tham gia thương mại tự do, hoạt động xuất khẩu, kích thích sản xuất, phát triển thị trường nội địa... Chính phủ đã và đang triển khai nhiều chương trình đổi mới trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, dịch vụ công nghiệp, cải cách doanh nghiệp, hệ thống tài chính...

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam cần hướng đến chiến lược phát triển toàn diện, xây dựng năng lực cạnh tranh cho hàng Việt Nam dựa trên chất lượng tốt, đáp ứng những yêu cầu khắt khe theo quy chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải chủ động ý thức việc đổi mới sáng tạo là yếu tố “sống còn”; đồng thời có khát vọng vươn lên thông qua nắm bắt thông tin, làm chủ công nghệ và ứng phó kịp thời với những biến động khó lường của tình hình kinh tế trong nước và thế giới.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, cho rằng: “Doanh nghiệp Việt Nam nên tập trung vào khâu xây dựng hình ảnh thương hiệu, chất lượng sản phẩm; tạo động lực mới trong cạnh tranh. Đồng thời, các doanh nghiệp cần chủ động nỗ lực thoát khỏi tình trạng cạnh tranh dựa vào giá rẻ, gia công... và chuyển dần sang nghiên cứu, đầu tư sản xuất kinh doanh mặt hàng có giá trị gia tăng cao, sản phẩm mang thương hiệu Việt”. 

Chia sẻ về câu chuyện xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Tồn, chủ cơ sở cà phê Long Triều (tỉnh Lâm Đồng), cho biết trước đây ông khởi nghiệp với ngành sản xuất kinh doanh cà phê. Qua thời gian kinh doanh công việc này, ông nhận ra một điều, người mua chỉ biết “tin tưởng” người bán chứ không nhận diện được sản phẩm. Vì vậy, cần nhận thức rằng, vấn đề xây dựng thương hiệu là rất quan trọng. Tuy nhiên, để làm được thương hiệu, doanh nghiệp phải chịu áp lực về giá cả, tiếp thị truyền thông, vốn...

TS Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng: “Các doanh nghiệp nhỏ và vừa tuy yếu thế về nhiều mặt như không tuân theo quy luật thị trường, sản xuất kinh doanh theo phong trào, chưa chú trọng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, nhưng cũng có ưu điểm nổi bật là linh hoạt, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động... Vì vậy, vấn đề cấp thiết hiện nay là cần có những chương trình hành động cụ thể để định hướng và hỗ trợ phát triển và hội nhập, trong đó có việc xây dựng thương hiệu sản phẩm cũng như doanh nghiệp”. 
.
Đồng quan điểm, chuyên gia Nguyễn Phi Vân cho rằng sự phát triển và sống còn của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa phụ thuộc rất nhiều vào tầm nhìn của doanh nghiệp đó. Vì vậy, muốn tồn tại và phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần mở rộng tầm nhìn đến thị trường quốc tế để có thể lớn mạnh ngay trên sân nhà. Bà Nguyễn Phi Vân nhấn mạnh: “Không có doanh nghiệp nào lớn mà không bắt đầu khởi nghiệp từ doanh nghiệp nhỏ. Đồng thời, doanh nghiệp nhỏ không có nghĩa cứ nhỏ hoài mà phải có tư duy lớn; từ đó huy động nguồn lực, xây dựng thương hiệu để vươn ra thị trường khu vực và thế giới.

Tin cùng chuyên mục