Hỗ trợ doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng

Theo chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TPHCM (VCCI-HCM), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã bắt đầu có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 14-1. Việt Nam sẽ tham gia một khu vực kinh tế rộng lớn với phạm vi thị trường gần 500 người và chiếm 13% GDP. 

Theo tính toán của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, CPTPP sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 1,7 tỷ USD, hơn 4 tỷ USD xuất khẩu (tương ứng tăng 1,32% và 4,04%) đến năm 2035. Đối với Hiệp định Thương mại tự do châu Âu - Việt Nam (EVFTA), tuy chưa chính thức ký kết nhưng kỳ vọng sẽ thông qua trong năm nay và giúp Việt Nam tiếp cận với 28 nước thành viên EU tại thị trường tiềm năng với hơn 600 triệu người. 

Tuy nhiên, để có thể tận dụng được lợi thế ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các nước tham gia, trong đó có Việt Nam, buộc phải tuân thủ các cam kết phi thương mại như lao động, môi trường, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (DN)... Còn ở góc độ DN, để chuẩn bị cho việc hội nhập và thực thi cam kết, các DN cần chủ động thay đổi tư duy quản lý và kinh doanh, xây dựng chiến lược bài bản, đầu tư khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất lao động, phát triển bền vững... 

Theo ông Fredy Guayacan, Điều phối viên Chương trình các chuỗi cung ứng có trách nhiệm tại châu Á, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), sản xuất, thương mại và đầu tư quốc tế được tổ chức ngày càng chặt chẽ qua các chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu về hàng hóa và dịch vụ cho Liên minh châu Âu được đặt tại các quốc gia châu Á, bao gồm cả Việt Nam. Mục đích của việc tạo ra chuỗi này nhằm khuyến khích và đảm bảo thực hành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh có trách nhiệm trong cộng đồng DN vì sự phát triển bền vững và toàn diện, phù hợp với các công cụ quốc tế. 
 
Trên cơ sở đó, để hỗ trợ các DN Việt, ILO tiếp tục phối hợp với VCCI triển khai dự án trách nhiệm xã hội trong chuỗi cung ứng tại châu Á. Dự án cũng hướng tới việc tạo ra môi trường chính sách có lợi cho việc thúc đẩy hành vi có trách nhiệm và tăng cơ hội đối thoại về những thách thức và cơ hội, góp phần tăng cường năng lực thực hiện trách nhiệm xã hội lâu dài của doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh có trách nhiệm của cộng đồng DN, cải thiện khả năng tiếp cận thị trường trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước vào nền kinh tế quốc tế. Trước mắt, đối tượng hưởng lợi chính là lao động nam và nữ trong ngành chế biến gỗ và chế biến thủy sản. Riêng tại TPHCM, ILO cũng đã phối hợp với Sở Công thương TPHCM, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh TPHCM, triển khai dự án đào tạo và tư vấn cho các DN nhỏ và vừa nâng cao năng suất lao động, cải tiến sản xuất, tăng tính cạnh tranh. Đến nay, dự án cũng đã mang lại những kết quả nhất định cho các DN.
 
Chia sẻ về lĩnh vực này, ông Võ Tân Thành, Giám đốc VCCI-HCM, cho biết trong thời gian qua, VCCI-HCM đã có nhiều hoạt động trong việc thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam cũng như tăng cường tính cạnh tranh của DN Việt trên trường quốc tế. Thông qua nhiều dự án phát triển khác nhau, ILO đã giúp VCCI hỗ trợ DN nâng cao khả năng cạnh tranh và năng suất lao động, cải thiện môi trường làm việc và quan hệ lao động, như dự án Phát triển DN bền vững (SCORE), dự án Việt Nam làm tốt hơn (Better Work), dự án Thúc đẩy việc làm tốt hơn và dự án Tăng cường tuân thủ pháp luật, tiêu chuẩn lao động trong ngành điện tử của DN Việt Nam (MNED).

Tin cùng chuyên mục