Hỗ trợ chuyên sâu cho doanh nghiệp tham gia các FTA

“Khó nắm bắt cơ hội, yếu sức…” là ý kiến của một số bộ ngành đánh giá liên quan đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình hội nhập, đặc biệt sau khi nước ta ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA). Do vậy, hàng loạt giải pháp được các chuyên gia thuộc nhiều bộ ngành trăn trở đặt ra để hỗ trợ thiết thực cho nhóm doanh nghiệp này. 

Đào tạo theo nhu cầu

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên (Bộ Công thương, đề xuất, cần nâng cao hơn nữa việc vận dụng những ưu đãi, lợi ích của các FTA.

Trong đó, việc quan trọng đầu tiên chính là tăng cường, phổ biến các FTA đang thực thi thông qua triển khai xây dựng các cổng thông tin chuyên về FTA, chứ không chỉ là tổ chức lớp học tràn lan với các chương trình truyền thông, bởi việc này đã làm từ trước đến nay rồi.

Hỗ trợ chuyên sâu cho doanh nghiệp tham gia các FTA ảnh 1  Các doanh nghiệp ngành dệt may, thời trang cần được đào tạo chuyên sâu trong quá trình hội nhập. (Trong ảnh: Người tiêu dùng chọn mua hàng thời trang do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất)
Vấn đề cần nói ở đây chính là trong quá trình làm việc với các doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga phát hiện các doanh nghiệp rất thiếu thông tin liên quan đến các cam kết FTA, chẳng hạn đối với các ngành mà doanh nghiệp hoạt động.

Ví dụ, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN tại Việt Nam đạt tới 98% nhưng nhiều doanh nghiệp trong nước không biết điều này, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Họ không hề nhận thức được là làm thế nào để sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chí của ASEAN, sau đó xuất đi các nước ASEAN và hưởng thuế 0%.

“Cho nên chúng tôi nghĩ rằng, việc đào tạo chuyên sâu ở đây là cực kỳ cần thiết. Chẳng hạn cần tổ chức những chương trình chuyên sâu đi theo ngành, như phổ biến kiến thức về hội nhập, gồm các cam kết trong ASEAN, các hiệp định ASEAN với đối tác, các FTA song phương trong ngành da giày, điện tử, dệt may…; tổ chức phần mềm huấn luyện riêng biệt…", bà Quỳnh Nga chia sẻ.

"Qua vài khóa huấn luyện như thế, chắc chắn sẽ đạt hiệu quả vì bản thân doanh nghiệp sản xuất rất muốn biết việc mua nguyên liệu, chuẩn bị khâu vật liệu ra sao, bố trí sản xuất như thế nào để có thể may được chiếc áo sơ mi đáp ứng điều kiện để xuất sang Nhật, được hưởng thuế suất 0%... Những đợt đào tạo chuyên ngành như vậy mới cần thiết và có hiệu quả”, bà Quỳnh Nga nói.

Xuất phát từ thực tế trên, thời gian gần đây, Sở Tư pháp TPHCM đã liên tục phối hợp với các trung tâm trọng tài trên địa bàn TPHCM… mở các lớp tập huấn, nâng cao kiến thức chuyên sâu trong quá trình hội nhập cho giới doanh nghiệp, luật sư…

Ngoài ra, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng thường xuyên tổ chức các hội thảo, lớp đào tạo như: “Tọa đàm VIAC và giảng viên - Đào tạo về giải quyết tranh chấp thương mại”, “Tọa đàm về giải quyết tranh chấp thương mại trong kỷ nguyên 4.0”, “Tọa đàm trọng tài và hòa giải thương mại - Phương án khả thi cho doanh nhân trong giải quyết tranh chấp thời đại 4.0”, “Hội thảo xuất nhập khẩu Việt Nam - Những rủi ro tiềm ẩn và giải pháp cho doanh nghiệp”…

Theo luật sư Trịnh Hồng Quang, Công ty Luật TNHH ATIM, để có thể trụ vững trong thời buổi hội nhập, bản thân các luật sư phải liên tục nâng cấp kiến thức chuyên môn, tham khảo thêm nhiều tài liệu để có thể hỗ trợ doanh nghiệp khi tham gia giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế. Đây là xu hướng tất yếu.

Lưu ý “quy tắc xuất xứ”

Đáng chú ý, trong “cuộc chiến” thương mại Mỹ - Trung Quốc đang diễn ra, nhiều chuyên gia kinh tế, luật sư liên tục nhấn mạnh đến quy tắc xuất xứ.

Bởi nếu không thận trọng thì thị trường Việt Nam sẽ bị các nước giả mạo xuất xứ, hàng loạt mặt hàng “đội lốt” hàng Việt Nam để tránh thuế ở các thị trường vốn dành nhiều ưu tiên cho nước ta. Kéo theo đó, rủi ro cho hàng Việt không thể đo đếm hết được.

Tất nhiên, không loại trừ khả năng có cả những mặt hàng từ Trung Quốc núp bóng hàng Việt để thuận tiện xuất khẩu qua Mỹ, hưởng mức thuế ưu đãi.

Trong cuộc chia sẻ với báo chí mới đây, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch VIAC, thông tin, xung đột thương mại leo thang khiến thuế nhập khẩu tăng lên, làm cho hàng hóa ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ trở nên đắt đỏ ở những thị trường mà nước ta có quan hệ đối tác.

Vì vậy, quốc gia bị áp thuế có thể chọn con đường “mượn” xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu. Điều này đặt ra thách thức cho Việt Nam trong việc nhanh chóng có các quy định triển khai chặt chẽ và hiệu quả để bảo vệ hàng hóa xuất xứ trong nước.

Đồng thời, ông Trần Hữu Huỳnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng triệt để các ưu đãi từ FTA để tối ưu hóa lợi nhuận, hạn chế rủi ro…

Trên thực tế, những cảnh báo nêu trên của các chuyên gia không hề thừa, khi mà trong suốt thời gian vừa qua, báo chí đã cảnh báo rất nhiều về các mặt hàng được gắn mác “Made in Vietnam” nhưng thực tế không phải do Việt Nam sản xuất.

Tại các hội chợ, triển lãm về hàng Việt cũng từng xuất hiện những trường hợp này, mặc dù ban tổ chức, các cơ quan chức năng chuyên trách đã làm rất quyết liệt nhưng những vụ việc gây bức xúc dư luận, làm thiệt hại nguồn lực kinh tế đất nước, gây hậu họa khó lường này vẫn âm thầm diễn ra.

Nhất là trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc ngày càng gay gắt, khả năng hàng hóa giả mạo xuất xứ các nước, trong đó có Việt Nam, vẫn chưa dừng lại. Tất nhiên, đây là câu chuyện dài hơi mà các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm cần chủ động làm ngay trước khi quá muộn.

Tin cùng chuyên mục