Hình thành “văn hóa sáng tạo” trong mỗi người dân Việt Nam

Chính lao động có đào tạo và sự sáng tạo của mỗi người là tiền đề hàng đầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư...
Lao động dệt may Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: MỸ HẠNH
Lao động dệt may Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: MỸ HẠNH
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đang xây dựng đề án tổ chức phong trào “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế” với dự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể. Phong trào kỳ vọng sẽ dần hình thành nên “văn hóa sáng tạo” trong mỗi người dân Việt Nam.
Phải dần trở thành một yếu tố văn hóa
Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tích hợp các thành tựu của loài người trong điện khí hóa, tự động hóa, tin học hóa, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, Internet và không gian mạng để tạo ra các thiết bị thông minh trong công nghiệp quốc phòng và gia đình, kết nối mỗi người với môi trường xung quanh (con người, thiết bị, cơ sở dữ liệu) ở nơi làm việc, ở gia đình, ở địa phương, trong toàn quốc và toàn cầu. Điều này tạo nên bước nhảy vọt mới về năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và chất lượng cuộc sống. Chính lao động có đào tạo và sự sáng tạo của mỗi người là tiền đề hàng đầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, không phụ thuộc vào mức thu nhập bình quân đầu người của các quốc gia. Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh, dân tộc sáng tạo, quốc gia thông minh phải trở thành con đường tất yếu để phát triển đất nước nhanh hơn, bền vững hơn, giữ vững chủ quyền quốc gia trong giai đoạn hiện nay. 
Thực tế, trong những năm qua các tổ chức đoàn thể đã tổ chức nhiều phong trào thi đua sáng tạo với những tên gọi khác nhau nhằm góp phần nâng cao năng suất lao động. Tuy nhiên, những phong trào này mới chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ, chưa tạo thành phong trào rộng lớn. Trong bối cảnh hiện nay, cần thiết tạo thành một phong trào chung rộng khắp trong cả nước nhằm khơi dậy, phát huy cao độ sức sáng tạo của mỗi người Việt Nam và toàn dân tộc trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từ nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, lao động sản xuất, kinh doanh đến hoạt động quản lý nhà nước. Thông qua đó khơi dậy niềm tự hào, lòng tự tôn dân tộc trong mỗi người Việt Nam, góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng và bảo vệ vững chắc đất nước trong quá trình hội nhập và phát triển. Quan trọng hơn, qua đó dần trở thành một yếu tố văn hóa (văn hóa sáng tạo) trong cuộc sống của người Việt Nam. 

Đừng chỉ “hô khẩu hiệu”
Tuy nhiên, để xây dựng phong trào thành công, nhiều ý kiến cho rằng, phải triển khai thiết thực nếu không muốn dừng ở “hô khẩu hiệu”. GS-TS Trần Ngọc Hiên, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về kinh tế của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, người Việt Nam có tiềm năng trí tuệ lớn nhưng chưa được khai thác hết. “Chúng ta chưa thực sự đón đầu thực tiễn nên việc ra đời một phong trào như thế này là việc làm cần thiết để các nhà khoa học được sáng tạo và yên tâm làm việc. Tuy nhiên phải làm sao để phong trào không rơi vào hư vô. Điều kiện ban đầu để nâng cao sức sáng tạo, khả năng hợp tác là phải tạo được môi trường sáng tạo, xây dựng được tổ chức khuyến khích sáng tạo để các nhà khoa học phát huy năng lực, đồng thời cần phải có kiểm tra, đánh giá hiệu quả phong trào”, GS-TS Trần Ngọc Hiên gợi mở. 

TS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, khi phát động phong trào phải thực hiện đến nơi đến chốn. Cần khen thưởng thích đáng, có đánh giá cụ thể đối với những cá nhân có sự sáng tạo. Phải thực tâm lắng nghe ý kiến góp ý thẳng thắn của bà con kiều bào cũng như xây dựng được một thế hệ trẻ lành mạnh - những người trực tiếp đóng góp vào thành công của phong trào thi đua sáng tạo.
Còn TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lại cho rằng, cần phát động phong trào thi đua có mục đích, nhất là nhắm vào giới trẻ Việt Nam vốn rất thông minh. Thực hiện phong trào này thì phải đổi mới, đoàn kết và cụ thể hóa các nội dung. Đặc biệt, cần có những hỗ trợ cụ thể, có cơ chế phối hợp giữa các công trình sáng tạo để làm cho ý tưởng sáng tạo đi đến tận cùng của vấn đề. Cần tập trung thi đua sáng tạo vào các đối tượng như nhà khoa học, học sinh, sinh viên…
Ở góc độ các nhà khoa học, GS - Viện sĩ Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, để người dân tham gia các hoạt động sáng tạo, đầu tiên phải có sự động viên về vật chất, phải có những giải thưởng xứng đáng.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho biết, thực hiện sáng tạo khởi nghiệp với thanh niên là yêu cầu bức thiết hiện nay dù trong suốt 15 năm qua, đoàn thanh niên đã triển khai phong trào “tuổi trẻ sáng tạo”. Ông Tuấn mong phong trào thi đua sáng tạo sẽ tạo được một cơ chế dân chủ để thúc đẩy hoạt động sáng tạo, có môi trường, chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển và bảo hộ cho hoạt động sáng tạo của thanh niên. Chỉ có như vậy, hoạt động sáng tạo khởi nghiệp trong thanh niên mới được nở rộ, đóng góp vào mục tiêu hình thành cộng đồng doanh nghiệp sáng tạo ở Việt Nam.
Năng suất lao động xã hội của nền kinh tế nước ta năm 2016 ước đạt 84,5 triệu đồng/lao động/năm (tương đương khoảng 3.853 USD/lao động/năm). Mặc dù năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua đã tăng đều qua các năm (năm 2016 tăng 5,31% so với năm 2015) nhưng còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực ASEAN. Năm 2015, năng suất lao động của Việt Nam đạt 3.660 USD, chỉ xấp xỉ bằng 5% của Singapore, 20% của Malaysia, 35% của Thái Lan, 50% của Philippines và Indonesia.

Tin cùng chuyên mục