Hiệu quả cơ chế liên kết vùng

Trong những năm qua, TPHCM luôn đi đầu trong thu hút đầu tư và trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước. Để đạt được những thành quả này, TPHCM luôn chú trọng mở rộng liên kết vùng với các địa phương lân cận nhằm tăng tính hiệu quả cũng như phát huy tối đa nguồn lực địa phương.
Hiệu quả cơ chế liên kết vùng

Trong những năm qua, TPHCM luôn đi đầu trong thu hút đầu tư và trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước. Để đạt được những thành quả này, TPHCM luôn chú trọng mở rộng liên kết vùng với các địa phương lân cận nhằm tăng tính hiệu quả cũng như phát huy tối đa nguồn lực địa phương.

Ký kết toàn diện, thúc đẩy phát triển

Theo đánh giá của nhóm tác giả thuộc Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM do TS Đinh Sơn Hùng làm chủ nhiệm, chỉ tính từ năm 2000 đến tháng 6-2011, TPHCM đã ký kết hợp tác tại 13/13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long 782 dự án, tổng trị giá ước khoảng 198.680 tỷ đồng. Những lĩnh vực hợp tác về kinh tế được đề xuất trong các chương trình hợp tác bao gồm nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ và những vấn đề về xã hội như y tế, giáo dục, văn hóa thông tin, giao thông vận tải và bảo vệ môi trường.

Mục tiêu của các chương trình hợp tác này là khai thác những lợi thế, tiềm năng của từng địa phương để tái cấu trúc các ngành kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật - môi trường của thành phố và các tỉnh trong vùng. Bên cạnh đó, thời gian qua, các doanh nghiệp của thành phố đã đến tìm hiểu, nghiên cứu và đầu tư nhiều dự án tại các tỉnh như Long An, Kiên Giang, Long An, Cà Mau, Đồng Tháp... Những tỉnh này có lợi thế là giá thuê đất tại khu công nghiệp thấp hơn so với mặt bằng giá của TPHCM. Việc hợp tác nói trên đã mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế cũng như về xã hội giữa các tỉnh, thành trong vùng, cụ thể như giúp các địa phương chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế từ một tỉnh thuần nông nghiệp chuyển sang công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của tỉnh, nhằm góp phần giải quyết công ăn việc làm, nâng cao đời sống của người dân địa phương và giảm bớt xu hướng di dân trong độ tuổi lao động vào thành phố.

Nhà máy chế biến cá basa của Công ty QVD đầu tư tại tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: CAO THĂNG

Nhà máy chế biến cá basa của Công ty QVD đầu tư tại tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: CAO THĂNG

“Bắt tay” cùng hưởng lợi

Trên thực tế, với tiêu chí phát triển công nghiệp gắn với phát triển vùng nguyên liệu và thị trường; phát triển thương mại - dịch vụ gắn với du lịch… TPHCM đang là nơi tập trung tiêu thụ nguồn nguyên liệu dồi dào từ các tỉnh Đông Nam bộ như Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai… Trong thời gian gần đây, chỉ tính riêng các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường của thành phố đã thực hiện ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm ở các địa phương trên với lượng vốn hơn 5.300 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, thông qua chương trình hợp tác, năm 2012, các doanh nghiệp TPHCM có 75 dự án đầu tư sản xuất và hệ thống phân phối trực tiếp hoặc liên kết đầu tư với các địa phương trong vùng với tổng số vốn trên 7.000 tỷ đồng, đồng thời nhằm đảm bảo nguồn cung cầu hàng hóa cho người dân trên địa bàn. Riêng tại khu vực Tây Nguyên, hiện đã có 141 doanh nghiệp của TPHCM đã và đang triển khai 183 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 38.823 tỷ đồng vào các tỉnh Tây Nguyên thuộc các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, công nghiệp thương mại và dịch vụ và nhiều lĩnh vực quan trọng khác.

Trong nhiều hội thảo, hội nghị về thu hút đầu tư gần đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà luôn nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của các tỉnh lân cận trong sự phát triển kinh tế - xã hội TPHCM. Bởi chính các địa phương này là nơi cung cấp nhân lực, vật lực, mang lại giá trị vững chắc để TPHCM trở thành trung tâm của vùng. Từ đó, thành phố mới có thể thu hút được nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài ngày càng hiệu quả. Cụ thể năm 2012, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng chiếm hơn 60%, số thu ngân sách chiếm 2/3 của cả nước. Chính vì vậy, trong chính sách phát triển kinh tế của mình, TPHCM cũng luôn quan tâm đến những chính sách phát triển các địa phương, từ đó có sự kết nối giúp đỡ lẫn nhau nhằm tạo sức mạnh kinh tế chung cho cả vùng.

Trên thực tế, TPHCM đang có những hướng đi đúng đắn trong việc xem trọng yếu tố kết nối vùng trong chính sách phát triển kinh tế, đồng thời giúp TP giải quyết được các vấn đề khác trong xã hội. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của TS Đinh Sơn Hùng cũng đưa ra cảnh báo, trong quá trình thực hiện những chương trình hợp tác trên đã gặp nhiều khó khăn như: chưa xác định cụ thể ngành công nghiệp hoặc dịch vụ cần tập trung phát triển dẫn đến tình trạng mỗi tỉnh, thành phát triển các ngành kinh tế một cách dàn trải, thiếu định hướng chiến lược chung cho toàn vùng, không chú trọng phát triển những ngành có lợi thế của từng địa phương. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển bền vững, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn hiện nay và tương lai. Do đó, vấn đề đặt ra là cần đánh giá thực trạng cơ chế liên kết kinh tế giữa TPHCM với các tỉnh vùng trong thời gian qua. Đồng thời, đề xuất những giải pháp nhằm hình thành và phát triển quy chế phối hợp về cơ chế liên kết kinh tế giữa vùng và TPHCM một cách hệ thống hơn trong những năm tới.

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục