Hiệp ước quốc phòng chung của EU

Các nước sẽ ký thỏa thuận về Cơ chế hợp tác thường xuyên trong lĩnh vực quốc phòng, với mục tiêu thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa các nước thành viên EU...
Lực lượng đặc nhiệm Bỉ trong một cuộc tập trận chung với các nước châu Âu do Cơ quan Quốc phòng châu Âu tổ chức. Ảnh: Reuters
Lực lượng đặc nhiệm Bỉ trong một cuộc tập trận chung với các nước châu Âu do Cơ quan Quốc phòng châu Âu tổ chức. Ảnh: Reuters

Theo kế hoạch, ngày 13-11, hơn 20 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ ký một hiệp ước quốc phòng chung mang tính bước ngoặt trong bối cảnh châu Âu đang tìm cách thắt chặt quan hệ hợp tác quân sự trước việc Anh quyết định rời khỏi EU (còn gọi là Brexit).  Một EU đang dần tự chủ hơn trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng.

Bước nhảy vọt

Cho đến nay, Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha và 16 nước thành viên EU khác đã cam kết tham gia vào hiệp ước. Theo đó, các nước sẽ ký thỏa thuận về Cơ chế hợp tác thường xuyên (PESCO) trong lĩnh vực quốc phòng, với mục tiêu thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa các nước thành viên EU và tăng cường phối hợp trong công tác phát triển các công nghệ quân sự mới.

Thỏa thuận trên bao gồm một cam kết về việc “thường xuyên tăng cường ngân sách quốc phòng về thực chất”, cùng với đó là những điều khoản như dành 20% chi tiêu quốc phòng cho việc mua sắm và 2% cho công tác nghiên cứu. 

Sau nhiều năm EU cắt giảm chi tiêu và phụ thuộc quân sự vào Mỹ thông qua việc liên minh với tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Pháp và Đức hy vọng hiệp định dự kiến ký kết vào ngày 13-11 tới tại Brussels (Bỉ), sẽ giúp các quốc gia EU hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn.

Theo Reuters, PESCO có thể là bước nhảy vọt quan trọng của EU về chính sách quốc phòng trong vài thập kỷ tới với sức mạnh quân sự vượt trội hơn. Theo đó, chính phủ các nước EU sẽ cùng hợp tác và cam kết tài trợ cho các chiến dịch quân sự chung của EU và đầu tư vào khả năng phòng thủ của khối. Đồng thời, một trung tâm ứng phó với khủng hoảng và trung tâm chung đào tạo sĩ quan quân đội tại châu Âu sẽ được thành lập.

Tuy nhiên, vẫn còn một số quan điểm khác biệt giữa Paris và Berlin như vấn đề can thiệp quân sự ở nước ngoài. Bên cạnh đó, mặc dù chính phủ Anh hồi giữa tháng 9 đã đề xuất ký một hiệp ước an ninh mới với EU sau Brexit. Song cho đến nay quan điểm về các vấn đề an ninh của Anh vẫn chưa được làm rõ và liệu London có kịp bị đứng vào cơ cấu chống khủng bố của châu Âu hay không vẫn còn là câu hỏi chưa có lời đáp.

Tự chủ an ninh, quốc phòng

Một hiệp ước quốc phòng riêng của EU đã được đưa lên bàn thảo luận trong nhiều cuộc họp của giới chức châu Âu từ năm ngoái, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sự ủng hộ của quân đội Mỹ có thể phụ thuộc vào ngân sách các quốc gia NATO chi tiêu cho ngành quốc phòng.

Châu Âu bày tỏ ý định muốn có quân đội riêng, không phụ thuộc NATO để giải quyết các vấn đề châu lục. Theo các bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng EU, việc này sẽ thúc đẩy vai trò chiến lược toàn cầu của EU cũng như năng lực hoạt động độc lập khi cần thiết.

Không chỉ muốn có nền quốc phòng độc lập với Mỹ, mà một số các nước ở châu lục già cũng khẩn trương hợp tác hoặc tự nâng cao năng lực quốc phòng để đối phó với Nga. Theo số liệu từ Bloomberg, các nước ở Đông Âu tiếp giáp với Nga đã đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng cách đây nửa năm.

Mới đây, ngày 6-11, các nước Bắc Âu gồm Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy và Iceland đã nhất trí thúc đẩy hợp tác quốc phòng và tăng cường trao đổi dữ liệu giám sát trên không. 

Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan nhấn mạnh hợp tác giữa các nước Bắc Âu không phải là một lựa chọn thay thế cho NATO. Trong số 5 nước nói trên có Iceland, Đan Mạch và Na Uy là thành viên NATO, trong khi hai nước còn lại là Phần Lan và Thụy Điển tuy đứng ngoài NATO, song vẫn duy trì quan hệ đối tác gần gũi với liên minh quân sự này. 

Hiệp ước mới nhằm hỗ trợ và phát triển khí tài quân sự chung, thể hiện sự đoàn kết của khối trong bối cảnh nước Anh rời khỏi EU, thể hiện một EU đang dần tự chủ hơn trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng.

Tin cùng chuyên mục