Hiện đại hóa dịch vụ môi trường

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, đó là ô nhiễm môi trường và suy thoái tài nguyên.

Do vậy, yêu cầu về phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, xử lý chất thải và cải thiện môi trường ngày càng cao, đòi hỏi có bước phát triển mới trong dịch vụ môi trường. 

Hiện nay, ở Việt Nam đã hình thành mạng lưới doanh nghiệp dịch vụ môi trường, bước đầu thu hút khu vực tư nhân tham gia. Nhiều loại hình dịch vụ môi trường đã đi vào hoạt động và phát triển như thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, nước thải, tư vấn môi trường.

Tuy nhiên, sự phát triển của mạng lưới doanh nghiệp này còn non nớt, năng lực cung ứng dịch vụ và chất lượng dịch vụ còn thấp, không đồng đều trên các lĩnh vực và giữa các vùng miền, địa phương trên phạm vi cả nước, nên chưa đáp ứng yêu cầu về xử lý môi trường hiện nay. 

Số liệu thống kê của Bộ TN-MT gần đây cho thấy, trên cả nước có khoảng gần 4.000 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực môi trường.

Trong đó, chủ yếu tập trung lĩnh vực thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại, chất thải sinh hoạt… Tuy nhiên, hầu hết trong số các doanh nghiệp này có quy mô nhỏ, vốn dưới 5 tỷ đồng (chiếm khoảng 52,6% tổng số doanh nghiệp môi trường).

Ngành công nghiệp môi trường non trẻ này mới đáp ứng khoảng 5% nhu cầu xử lý nước thải đô thị, khoảng 15% nhu cầu chế biến chất thải rắn và 14% lượng chất thải nguy hại. 

Mặt khác, sự tồn tại quá nhiều doanh nghiệp nhỏ cũng đang gây ra tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh. Rất nhiều doanh nghiệp sẵn sàng phá giá thị trường để được tiếp cận chủ nguồn thải.

Tuy nhiên, thay vì nhận chất thải đi xử lý thì những doanh nghiệp này lại không đủ năng lực nên chỉ nhận và chở bỏ tại những khu vực đất trống, gây nguy hại cho môi trường.

Ở góc độ khác, tại nhiều tỉnh, thành, tình trạng phân tán lực lượng thu gom rác thải nói chung cũng đang gây ra sự thiếu đồng bộ trong hạ tầng thu gom và tiếp nhận rác thải. Việc tái đầu tư trang thiết bị thu gom theo hướng hiện đại hơn cũng gặp khó khăn do bị phân tán vốn đầu tư. 

Để giải quyết các vấn đề này, theo các chuyên gia môi trường, cần thiết phải có sự hợp nhất các đơn vị công hoạt động trong lĩnh vực thu gom rác thải ở quy mô từng tỉnh.

Kế đến, hình thành các trung tâm xử lý chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt, sự cố tràn dầu cấp vùng, liên tỉnh. Về phía các doanh nghiệp ngành môi trường, phải đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại.

Riêng cơ quan quản lý nhà nước cần ban hành nhiều hơn các chính sách, nguồn vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, đổi mới công nghệ đáp ứng nhu cầu thực tế.

Tin cùng chuyên mục