Hiểm họa từ sạc pin điện thoại hàng nhái

Ngày 3-8, một cô gái 22 tuổi ở xã Hải Long (huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) đã bị điện giật tử vong trong lúc cắm sạc điện thoại do dây sạc bị hở. Hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều loại sạc pin điện thoại hàng nhái không rõ nguồn gốc, bán với giá siêu rẻ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rò điện, cháy nổ.
Sạc pin điện thoại chất lượng kém dễ gây hỏng điện thoại và rò điện
Sạc pin điện thoại chất lượng kém dễ gây hỏng điện thoại và rò điện

Các loại sạc pin điện thoại hàng nhái rất giống hàng thật đang được bán chạy. Người tiêu dùng phớt lờ những cảnh báo về việc không an toàn khi sử dụng sạc pin điện thoại hàng nhái, chất lượng kém, chỉ vì chuộng hàng rẻ.

Tại chợ đồ cũ ở đường Nguyễn Kiệm (phường 14, quận Phú Nhuận, TPHCM) bán đủ thứ  thiết bị điện tử đã qua sử dụng, có bán rất nhiều loại sạc pin điện thoại hàng nhái, hàng giả, cả đồ cũ và đồ mới, giá chỉ từ 10.000 - 80.000 đồng. Các sạc pin điện thoại chất đống, bày bán la liệt bên lề đường, phơi mưa phơi nắng, khi bị vào nước dễ gây rò điện, chập điện, nguy hiểm cho người sử dụng. 

Sạc pin điện thoại giá rẻ cũng dễ dàng tìm thấy trên mạng, với hàng trăm địa chỉ bán. Nhiều lời quảng cáo có cánh: “sạc chính hãng”, “sạc zin bóc máy”, “bảo hành 1 năm chính hãng”…

Anh Nguyễn Văn Đồng, một người kinh doanh thiết bị điện tử ở đường Cộng Hòa (quận Tân Bình, TPHCM) cho biết: “Thực tế phần lớn các loại sạc pin điện thoại hàng nhái, hàng giả, giá siêu rẻ là nhập lậu từ Trung Quốc, giá nhập về chỉ vài chục ngàn đồng, rẻ hơn giá sạc pin điện thoại chính hãng cả chục lần, nên bán có lời nhiều. Sạc pin điện thoại hàng nhái, hàng giả được làm rất giống hàng chính hãng, nhiều nhất là dòng iPhone, nên người tiêu dùng khó có thể phân biệt được đâu là thật, đâu là giả nếu chỉ bằng hình thức bên ngoài. Các loại sạc pin điện thoại này thường làm với chất lượng kém, nên có thể làm hỏng điện thoại và rất dễ rò điện, thời hạn sử dụng rất ngắn”.

Các loại sạc pin điện thoại chính hãng đều có cơ chế tự động điều chỉnh dòng điện ra phù hợp và ổn định, tự ngắt dòng điện khi thiết bị đầy. Trong khi đó, sạc pin điện thoại hàng nhái có thể đã lược bỏ một vài linh kiện điện tử hoặc dùng các loại linh kiện rẻ tiền, không có chất cách điện để tiết kiệm tối đa chi phí. Chính vì thế, nguy cơ bị rò điện từ các loại sạc này là rất cao.

Những năm gần đây, đã có nhiều vụ tai nạn điện giật do sự cố rò điện liên quan đến sạc pin điện thoại không rõ nguồn gốc, thường là khi vừa sử dụng điện thoại vừa sạc điện. Do vậy, người dùng điện thoại nên cẩn trọng khi chọn mua sạc pin điện thoại, không nên sử dụng các loại giá siêu rẻ, bán trôi nổi trên thị trường; chỉ mua  sạc pin điện thoại hàng chính hãng ở những cửa hàng uy tín, có chế độ bảo hành. Không nên vừa sạc pin điện thoại vừa sử dụng để đảm bảo an toàn. 

Quản lý thị trường cần quan tâm ngăn chặn, xử lý việc buôn bán các thiết bị điện hàng giả, hàng nhái, trong đó có các sản phẩm sạc pin điện thoại. Việc buôn bán các sản phẩm hàng giả, hàng nhái là vi phạm pháp luật. Điều 13 Nghị định 185/2013/NĐ-CP đã quy định rõ mức xử phạt đối với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì: phạt tiền từ 200 ngàn - 150 triệu đồng, hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tù từ 3 - 15 năm.

Tin cùng chuyên mục