Hết cách giải quyết ùn tắc giao thông?

 Đến nay, tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt ở Hà Nội và TPHCM vẫn diễn biến phức tạp.
Đã có hàng trăm cuộc hội thảo, tọa đàm bàn giải pháp chống ùn tắc giao thông ở TPHCM nói riêng và cả nước nói chung được tổ chức trong thời gian qua. Nhiều giải pháp, kinh nghiệm chống ùn tắc giao thông đã được các cơ quan chức năng rút ra và Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, các địa phương đã chi hàng trăm ngàn tỷ đồng để giải quyết vấn nạn này. Thế nhưng, đến nay tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt ở Hà Nội và TPHCM vẫn diễn biến phức tạp. Vẫn biết đây là “căn bệnh” mà nhiều đô thị lớn trên thế giới phải đối mặt trong quá trình phát triển và việc “chữa bệnh” không dễ, song sự chuyển biến chậm chạp, kết quả thu được chưa tương xứng với công sức bỏ ra, khiến người dân không khỏi băn khoăn.

Như chuyện xây cao ốc trong nội thành chẳng hạn. Nhiều nhà khoa học đã chỉ ra rằng xây cao ốc khi hệ thống giao thông kết nối chưa đáp ứng, sẽ gây hệ quả ùn tắc giao thông, thế nhưng nhiều cao ốc mới trong khu dân cư chật chội vẫn mọc lên. “Các dự án này đã được cấp phép xây dựng từ trước nên không thể dừng” - là câu trả lời của nhiều người có chức trách khi được chất vấn.

Thời kỳ sốt đất cách nay vài năm, hầu hết các vị trí đất đẹp trong nội thành đều đã có nhà đầu tư xí phần. Thế nhưng, giải pháp để giải quyết vấn đề này cũng không phải không có. Đó là Nhà nước hãy thương thảo với các nhà đầu tư chưa triển khai xây dựng cao ốc, đổi cho họ một khu đất khác ở vị trí thuận lợi hơn về giao thông, tốt nhất là ở các khu vực mà Nhà nước dự định xây đô thị vệ tinh. Tất nhiên đi kèm theo đó là những ưu đãi, đủ sức bù đắp cho nhà đầu tư. Làm được việc này, không những các đô thị lớn vừa giải quyết được vấn nạn ùn tắc giao thông trong khu vực nội thành, còn hình thành được các đô thị vệ tinh giảm áp lực cho nội đô.

TPHCM từng có tiền lệ trong việc thỏa thuận thay đổi địa điểm đầu tư. Đó là dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm kết hợp xây dựng trung tâm thương mại ở gần nhà hát thành phố. Nhà đầu tư đã mất hơn 2 năm để làm thủ tục đầu tư, đã tốn rất nhiều tiền để khảo sát, thiết kế công trình và việc khởi công chỉ còn khoảng 1 tháng. Thế nhưng khi được lãnh đạo thành phố phân tích thiệt hơn và chọn cho địa điểm đầu tư mới, nhà đầu tư này đã đồng ý thay đổi. Như vậy, vấn đề ở đây, ngành chức năng đã làm hết sức mình chưa?

Một thí dụ khác, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, một phần lòng đường làm nơi buôn bán, giữ xe cũng đã được “chỉ mặt, đặt tên” là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông. Thế nhưng qua bao đợt ra quân lập lại trật tự lòng, lề đường… có vẻ tình trạng cũng không cải thiện mấy. Vì sao? Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã khẳng định, có 180 quán bia vỉa hè thì có khoảng 150 quán có công an đứng sau, không ít chủ tịch, bí thư có bãi xe trái phép… TPHCM không có thống kê cụ thể như Hà Nội nhưng chắc các bãi đậu xe, các hàng quán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường không thể “vô tư” mà tồn tại. Phải chăng có điều gì “lấn cấn” ở đây?

Hết cách giải quyết ùn tắc giao thông? ảnh 1 Tuyến đường Đồng Đen (quận Tân Bình) bị quán nhậu lấn chiếm từ vỉa hè đến lòng đường

Xe dù, bến cóc to như “con voi” song nó vẫn chui lọt “lỗ kim” kiểm soát của ngành chức năng, để ngang nhiên hoạt động tại nội đô các đô thị lớn, góp phần làm phức tạp thêm tình trạng ùn tắc giao thông nội thị.

Hơn 20 năm qua, ngành chức năng đã họp hàng trăm cuộc để giải quyết vấn đề này, nhưng thật đáng buồn, là hầu hết đều kết thúc với điệp khúc: vướng luật nên chưa xử lý được. Nào là có sự nhập nhằng giữa hai loại hình vận tải: vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định và vận tải hành khách du lịch.

Theo quy định, xe khách vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định phải vào bến xe khách do Nhà nước công nhận, đón khách; còn xe du lịch được đón khách tại địa điểm khách yêu cầu. Thế nhưng, xe khách vận tải hành khách liên tỉnh lại trá hình làm xe du lịch để vào sâu trong nội thành, tới các bến cóc để đón khách. Phần lớn quy định về hoạt động của các loại hình vận tải đều do Bộ Giao thông Vận tải xây dựng, giờ lại đổ lỗi cho luật? Trì trệ, thiếu trách nhiệm hay còn vì một lý do nào khác mà 20 năm rồi, những người có chức trách không quyết liệt tìm ra giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng bến cóc, xe dù?

Với những gì đang diễn ra, người dân có quyền đặt câu hỏi với ngành chức năng, đã làm hết trách nhiệm, hết cách và vô tư trong việc xử lý vấn nạn ùn tắc giao thông chưa?

Tin cùng chuyên mục