Hệ thống giáo dục quốc dân: Liên thông gắn liền với phân luồng

Ngày 16-7, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức tọa đàm quy định về hệ thống giáo dục quốc dân trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) - sẽ xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.
Quang cảnh buổi tọa đàm
Quang cảnh buổi tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nêu vấn đề: “Hệ thống giáo dục mở và liên thông ở các nước không giới hạn cửa chặn, học sinh có thể đi nhiều con đường để tới được giá trị, kiến thức mà các em mong muốn, có được nghề nghiệp. Vậy ở nước ta, 2 hệ thống giáo dục sẽ liên thông với nhau như thế nào? Giáo dục thường xuyên với hệ thống giáo dục sẽ ráp nối với nhau ra sao trên quan điểm học tập suốt đời?”. Đây cũng chính là nội dung được nhiều chuyên gia tham dự tọa đàm nhấn mạnh.

Hệ thống giáo dục quốc dân: Liên thông gắn liền với phân luồng ảnh 1 Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu tại Tọa đàm
Ông Lê Viết Khuyến, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đề nghị cụ thể hóa khái niệm “mở” và liên thông trong Điều 5 của dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi. TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, chuyên gia giáo dục lưu ý, tính liên thông của hệ thống gắn liền với tính phân luồng. Yêu cầu về phân luồng là yêu cầu chung của mọi hệ thống giáo dục để bảo đảm sự đa dạng về nguồn nhân lực theo định hướng hàn lâm và nghề nghiệp.

Đối với quy định về nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, dự thảo đã xác định lộ trình, phương thức đào tạo nâng chuẩn để bảo đảm tính khả thi; bổ sung vào điều quy định chuyển tiếp của dự thảo luật nguyên tắc và lộ trình nâng chuẩn trình độ được đào tạo của giáo viên, trên cơ sở đó giao Chính phủ quy định cụ thể.

Đối với nội dung về quản lý Nhà nước, dự kiến bổ sung một khoản tại Điều 110 quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm cập nhật và công bố cơ sở giáo dục ở nước ngoài và cơ sở giáo dục nước ngoài hoạt động tại Việt Nam cấp bằng mà không phải làm thủ tục công nhận; sửa đổi quy định về kiểm định chất lượng giáo dục tại Điều 110c nhằm đưa ra giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng giáo dục.

Tiếp thu ý kiến, đại diện ban soạn thảo, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Thị Kim Dung cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ rà soát, bổ sung quy định để phân định rõ hơn trách nhiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp và của cơ sở giáo dục. Đặc biệt, phân định rõ hơn công tác quản lý Nhà nước với quản trị của cơ sở giáo dục và đào tạo; điều chỉnh quy định về nội dung quản lý giáo dục theo hướng quản lý Nhà nước chỉ nên tập trung vào việc hoạch định chiến lược, quy hoạch, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật. Đồng thời luật hóa các quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn để tăng cường quản lý theo chất lượng...

Tin cùng chuyên mục