Hệ lụy từ những cơn sốt đất

Những ngày qua, tại TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam xôn xao chuyện người dân mua đất bao vây trụ sở Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Bách Đạt An (Công ty Bách Đạt An) đòi quyền lợi, thậm chí đã xảy ra xô xát. Cùng với những tin đồn về tách huyện, nhập thị xã, thị trường bất động sản một số khu vực thuộc TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam thêm hỗn loạn.
Người dân cần cảnh giác với những chiêu trò thổi giá ảo của giới “cò đất”. Ảnh: NGỌC PHÚC
Người dân cần cảnh giác với những chiêu trò thổi giá ảo của giới “cò đất”. Ảnh: NGỌC PHÚC

Giá đất “nhảy múa”

Trong vai người đi mua đất, chúng tôi đến Khu đô thị Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Rẽ vào một ki-ốt môi giới hỏi mua lô đất trị giá chừng 1,5 tỷ đồng, ông Dũng, chủ ki-ốt, nhìn tôi với vẻ ái ngại, rồi nói: “1,5 tỷ đồng không có đất đâu em. Ở đây mỗi lô diện tích 100m², thấp nhất cũng 1,8 tỷ đồng”. Tôi kỳ kèo: “Anh xem còn lô nào rẻ hơn chút không, chứ giá đó cao quá”. “Có lô 1,7 tỷ đồng, diện tích 90m² nhưng ở bên khu khác, còn khu này không có giá dưới 2 tỷ đồng đâu em”. Ông Dũng chỉ tay ra đường Lê Đức Thọ nói thêm: “Trước tết, giá đất trên đường này chỉ 1,8 tỷ đồng/lô nhưng bây giờ đã lên 3 tỷ đồng rồi”. 

Ghé thêm 5 ki-ốt môi giới đất tại Khu đô thị Điện Nam - Điện Ngọc, hầu hết đều nhận được cái lắc đầu khi biết tôi muốn tìm mua lô đất giá 1,5 tỷ đồng. Thấy tôi có vẻ thất vọng, ông Quốc, chủ một ki-ốt, giới thiệu: “Ở đây anh còn lô đất giá 1,55 tỷ đồng, diện tích 72m² và lô đất giá 1,8 tỷ đồng, diện tích 90m² nhưng gần khu nghĩa trang. Có 1,5 tỷ đồng thì em nên đầu tư vào đây hợp lý hơn vì cuối năm nay khi nghĩa trang được di dời, giá đất chắc chắn sẽ còn tăng”. Theo ông Quốc, sở dĩ đất khu số 3 tăng mạnh là do ở gần Trường Đại học Phan Châu Trinh. Ngoài ra, các khu số 4, khu Thái Dương đất cũng bị đẩy giá lên cao vì gần Trường Đại học FPT đang xây dựng. Đặc biệt, thông tin Làng đại học sắp được triển khai nên đất tăng giá là việc không tránh khỏi.

Trước đó, cơn sốt đất cũng xuất hiện tại xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) khi thông tin từ “cò” đất tung ra về việc 4 xã của huyện Hòa Vang (gồm Hòa Khương, Hòa Nhơn, Hòa Phong và Hòa Tiến) sẽ được tách ra thành quận mới, có tên quận là Hiếu Đức, khiến giá đất nơi đây bị đẩy tăng lên 3-5 lần, từ 200 triệu đồng/100m² (trước tết) lên 800 triệu đồng, thậm chí 1 tỷ đồng/lô, dù đây chỉ là vùng ven TP Đà Nẵng.

Thị trường hỗn loạn đến mức, UBND huyện Hòa Vang và thị xã Điện Bàn phải cấp tốc ban hành văn bản gửi đến các xã, phường về việc chấn chỉnh thông tin thất thiệt và tình trạng mua bán chuyển nhượng trái phép đất nông nghiệp trên địa bàn, nhất là cảnh giác với chiêu trò hét giá ảo của các đối tượng “cò” đất.

Thâu đêm đi đòi sổ đỏ

Không phải đến bây giờ chuyện đất đai mới trở nên ồn ào, mà từ trước tết Nguyên đán, cơn sốt đất đã âm ỉ lan truyền cư dân. Dường như đi đâu cũng nghe chuyện đất và những phi vụ trúng tiền tỷ từ đất. Tuy nhiên, cùng với đó là bao hệ lụy từ đất, mà sự kiện thu hút nhiều nhất là cả ngàn người mua đất của Công ty CP Dịch vụ bất động sản Hoàng Nhất Nam (Công ty Hoàng Nhất Nam) đã bao vây trụ sở công ty này và Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Bách Đạt An (Công ty Bách Đạt An) để đòi lại tiền hoặc đòi sổ đỏ.

Sự việc bắt đầu khi khách hàng mua đất của Công ty Bách Đạt An, thông qua Công ty Hoàng Nhất Nam phân phối và được cam kết trong quý 4-2018 sẽ nhận sổ đỏ nhưng không thấy đâu. Cuối năm 2018, khách hàng nhận được thông tin Công ty Bách Đạt An đã chấm dứt hợp đồng với Công ty Hoàng Nhất Nam thì vụ việc trở nên căng thẳng.

Suốt từ tháng 1-2019 đến nay, nhiều người mua đất đã kéo đến trụ sở của Công ty Bách Đạt An và Công ty Hoàng Nhất Nam để đòi sổ đỏ. Đỉnh điểm là vài ngày qua, hàng trăm người đã kéo đến trụ sở 2 công ty này yêu cầu giải quyết quyền lợi cho người mua đất. Tuy nhiên, phía 2 công ty vẫn không có câu trả lời dứt khoát. Mới đây, ngày 15 và 16-3, hàng trăm người dân tiếp tục kéo đến trụ sở Công ty Bách Đạt An và tại đây, sau cuộc nói chuyện không thành, giữa các bên đã xảy ra xô xát khiến lực lượng chức năng phải can thiệp để giữ an ninh trật tự.

Ông Trần Văn Vạn, một khách hàng mua đất, cho biết theo hợp đồng, mỗi lô đất có giá bán từ 500 triệu đồng đến hơn 2 tỷ đồng. Nhiều người đã đóng tiền đến 95% giá trị lô đất nhưng đến hạn cam kết giao sổ đỏ lại không nhận được. “Tiền bạc chúng tôi vay mượn để mua đất, bây giờ không biết ra sao khi tiền không thu lại được, vốn chôn trong đất thì ai sẽ đền bù thiệt hại cho chúng tôi”, ông Vạn bức xúc.

Nhiều khách hàng cho rằng, để xảy ra sự việc trên, chính quyền tỉnh Quảng Nam không thể đứng ngoài cuộc. Bà Trương Hoài Linh (Đà Nẵng), một khách hàng mua đất, nói: “Tôi nghĩ, mấu chốt ở tỉnh Quảng Nam vì các chủ đầu tư nhận dự án đất đai của tỉnh và hoạt động trên địa bàn tỉnh, nhưng để xảy ra tình trạng thế này thì địa phương cũng phải có trách nhiệm”. Bà Linh dẫn chứng một số dự án như dự án 7B được tỉnh giao đất từ năm 2016 và mở bán đến nay, dù đã có sổ đỏ nhưng cơ sở hạ tầng lại không có. Người dân gửi đơn phản ánh thì chính quyền địa phương trả lời không có trách nhiệm, không thẩm quyền giải quyết…

Ông Trịnh Xuân Thái, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam, khẳng định các dự án trên đều chưa đủ điều kiện để nghiệm thu, cấp sổ đỏ nhưng chủ đầu tư là Công ty Bách Đạt An đã ký hợp đồng với nhà phân phối là Công ty Hoàng Nhất Nam để thực hiện các giao dịch huy động vốn là không đúng. 

Còn theo ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với chính quyền các địa phương thông tin kịp thời về tình trạng “sốt” đất hiện nay. Đồng thời, yêu cầu công bố công khai trên website của Sở Xây dựng về tính pháp lý của các dự án bất động sản để người dân biết.

Tin cùng chuyên mục