Hãy tự bảo vệ chính mình

Không một quốc gia nào trên thế giới có số lượng ngày nghỉ lễ kéo dài như ở Việt Nam, ít nhất mỗi kỳ nghỉ cũng từ 3 ngày trở lên. Và sau mỗi kỳ nghỉ dài như thế, số người tử vong khi tham gia giao thông lại làm chúng ta giật mình. Trong 3 ngày nghỉ lễ 2-9 vừa qua, cả nước có 57 người thiệt mạng và 46 người bị thương vì tai nạn giao thông (TNGT). Những con số thật đau lòng!

Cục Cảnh sát giao thông nhận định, số người chết vì tai nạn như trên có nguyên nhân chủ yếu là do chở quá số người quy định, không đội nón bảo hiểm, chạy quá tốc độ, thiếu quan sát, đi sai phần đường, vi phạm quy định nồng độ cồn.

Vấn đề đặt ra, tại sao năm nào cũng thế, mọi người ai cũng biết nhưng vẫn không tránh được. Nguyên nhân sâu xa chỉ có thể đến từ ý thức của người tham gia giao thông còn kém. Ngày nghỉ dài là cơ hội cho các “ma men” chén chú chén anh một cách thả ga, tới bến. Khi nồng độ cồn ngấm vào người cũng là lúc họ đặt số phận của mình và người thân sau tay lái một cách may rủi. Và rồi những vụ TNGT vẫn xảy ra hàng ngày, hàng giờ, cướp đi sức khỏe, mạng sống của rất nhiều người. TNGT không chỉ gây hậu quả cho nạn nhân mà kéo theo đó nhiều hệ lụy khác, nhiều gia đình phải lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần, bế tắc... Mỗi ngày trôi qua, có những người mãi mãi ra đi hay bị tàn tật, sống đời thực vật chỉ vì TNGT. Những tiếng trẻ khóc cha, vợ khóc chồng và “người đầu bạc tiễn người đầu xanh” làm cả xã hội nhói lòng. 

Để kéo giảm TNGT, chính quyền địa phương, các sở ngành, đoàn thể cần có nhiều biện pháp triển khai đồng bộ hơn nữa. Ngoài tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm luật giao thông thì công tác tuyên truyền pháp luật đến người dân cũng cần đẩy mạnh thực hiện. Và trên hết là làm sao nâng cao được ý thức cho tất cả mọi người khi tham gia giao thông.

Đối với lực lượng cảnh sát giao thông - lực lượng nòng cốt đảm bảo trật tự an toàn giao thông - việc nâng cao trình độ nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm, chấn chỉnh thái độ tác phong khi tiếp xúc với nhân dân là việc làm cần thiết nhất, bên cạnh việc hiện đại hóa trang thiết bị, phương tiện làm việc, đổi mới nâng cao chất lượng tuần tra theo hướng tăng cường cơ động, kiểm soát dọc tuyến đường phụ trách, để khi phát hiện sai phạm là lập tức xử lý công tâm và đúng luật.

Ngoài việc xử phạt người điều khiển phương tiện (đặc biệt là ô tô) sai phạm do kỹ thuật, chở quá khổ, quá tải, chở chất cháy, chất nổ, hàng lậu, hàng cấm... theo quy định cũng cần phạt nặng tất cả đối tượng gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông như họp chợ, mua bán, chăn thả gia súc, phơi rơm rạ, thóc lúa... trên các trục đường. Và có lẽ, giải pháp quan trọng nhất chính là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân khi tham gia giao thông thông qua các cơ quan thông tin truyền thông đại chúng; lồng ghép giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông vào trường học. Chỉ có nâng cao nhận thức và sự chung tay của cộng đồng mới mong kéo giảm được những vụ TNGT đáng tiếc xảy ra.

Tin cùng chuyên mục