Hàng Việt Nam chất lượng cao mở rộng thị trường miền Bắc

Bước sang năm 2017, Chương trình Phiên chợ Hàng Việt về nông thôn do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức, đã mạnh dạn tổ chức cùng lúc các phiên chợ diễn ra song song tại cả 2 miền Nam - Bắc. 
Phiên chợ Hàng Việt về nông thôn trao quà hộ gia đình và học sinh nghèo địa phương
Phiên chợ Hàng Việt về nông thôn trao quà hộ gia đình và học sinh nghèo địa phương
Tính từ đầu năm đến nay, chương trình đã tổ chức được 12 phiên chợ ở các tỉnh phía Bắc và 10 phiên chợ tại phía Nam, cho thấy sự đầu tư nghiêm túc của doanh nghiệp để kịp tăng tốc chiếm lĩnh thị trường.
Thành công ngoài mong đợi
Tiền Giang chỉ là một trong bốn tỉnh thành phía Nam mà Phiên chợ Hàng Việt về nông thôn ghé qua trong 6 tháng đầu năm 2017. Các địa phương còn lại là Bạc Liêu (2 phiên tại Đông Hải, Phước Long), Bình Phước (3 phiên tại Bù Đăng, Lộc Ninh, Phước Long) và Lâm Đồng (3 phiên tại Cát Tiên, Đà Tẻh, Tà Nung). 
Với các tỉnh phía Nam, đa phần các doanh nghiệp đều đã xây dựng xong hệ thống phân phối. Việc tham gia Phiên chợ Hàng Việt về nông thôn trong năm 2017, đóng vai trò như một cuộc kiểm tra, dặm vá lại các thị trường vùng sâu, vùng xa của doanh nghiệp. Nói ví von, là “đổ bê tông” cho chắc lại nền móng đã có sẵn trước đó. Còn nông thôn miền Bắc luôn là một thách thức với các doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, vốn đa phần xuất phát từ phía Nam.
Từ đầu tháng 4-2017, đoàn doanh nghiệp gồm 20 tên tuổi “nổi danh” như Nutifood, Cholimex, Duy Tân, Qui Phúc, Tâm Lan, Kim Hằng, Mỹ Hảo… đã làm một chuyến đi kéo dài 2 tháng liên tiếp qua 5 tỉnh thành là Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang và Quảng Ninh để tổ chức thành công 12 Phiên chợ Hàng Việt về nông thôn. Ghi nhận thực tế, cho thấy tại Phiên chợ Hàng Việt về nông thôn ở huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn, trong ngày đầu tiên gần như không có khách đến mua sắm, khiến cho nhiều doanh nghiệp lo rằng phiên chợ sẽ thất bại. Tuy nhiên, từ ngày thứ 2 một khung cảnh trái ngược với ngày đầu đã diễn ra và người dân đến phiên chợ đông hơn hẳn, ai đến cũng mua một lượng hàng hóa khá lớn. Một số doanh nghiệp như Công ty Nhôm nhựa Kim Hằng, Công ty Nhựa nội ngoại thất Qui Phúc cháy hàng ngay trong ngày.
Bà Hồ Thị Nguyệt, người dân huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn, cho biết, hội chợ về địa phương không thiếu, nhưng chủ yếu là “lô tô”, bán hàng tạp nham, không rõ xuất xứ, nên khi có một phiên chợ toàn doanh nghiệp Việt Nam, có thông tin rõ ràng về bán hàng thì người dân rất ủng hộ. Đồng thời, người dân rất mong muốn Phiên chợ Hàng Việt về nông thôn có thể được tổ chức thường xuyên hơn tại tỉnh này. 
Thị trường miền Bắc đang có mối quan tâm khá lớn từ các đơn vị sản xuất kinh doanh miền Nam nói chung, doanh nghiệp TPHCM nói riêng. Đơn cử, ông Trần Thái Nguyên, Phó Tổng giám đốc Công ty Qui Phúc đã trực tiếp đi đến 8 tỉnh phía Bắc, xuống tận các đại lý nằm trong chợ huyện để mở thị trường. Ông cho hay: “Chúng tôi đã thiết lập hệ thống nhà phân phối, đại lý tại hầu hết các tỉnh thành Đông Bắc, Hà Nội. Sắp tới đây, chúng tôi sẽ tiến hành ở các tỉnh phía Tây Bắc như Hòa Bình, Điện Biên, Sơn La… Chuyến ra Bắc lần này có thể nói là thành công với Qui Phúc”.
Mở rộng mạng lưới bán hàng
Để tham gia song song chuỗi Phiên chợ Hàng Việt về nông thôn ở miền Nam và miền Bắc, các doanh nghiệp đều phải có hai ê kíp được đào tạo bài bản, từ kỹ năng bán hàng cho đến tiếp thị, phát triển thị trường. Đây là thách thức với các doanh nghiệp Việt Nam, vốn chỉ ở mức vừa và nhỏ. Tuy nhiên, với nhóm doanh nghiệp tham gia chương trình này, họ hiểu rằng, muốn giữ vững và phát triển trên thị trường nội địa, không có cách nào hơn là phải tăng tốc “đổ bê tông”’ ở những thị trường cũ, đồng thời liên tục phát triển các thị trường mới. Tại mỗi Phiên chợ Hàng Việt về nông thôn, có từ 25 đến 35 doanh nghiệp tham gia, với doanh số bình quân đạt khoảng 1 tỷ đồng/phiên chợ. Ông Lê Minh Quân, Trưởng dự án Phát triển thị trường nông thôn của Trung tâm BSA, cho biết: Mô hình Phiên chợ Hàng Việt về nông thôn đã ra đời từ năm 2009, hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Bộ Chính trị phát động. Không dừng lại ở một phiên chợ bán hàng đơn thuần, chương trình đặt mục tiêu giúp hàng Việt mở rộng và củng cố mạng lưới phân phối trên thị trường nội địa. 
Ông Lê Minh Quân nhấn mạnh: Mục tiêu của chương trình là sau các Phiên chợ Hàng Việt về nông thôn, khi doanh nghiệp rút đi phải để lại những cánh tay nối dài của mình, đó chính là những đại lý mới, những tiểu thương mới sẵn sàng bán hàng Việt. Do đó, mỗi doanh nghiệp tham gia đều phải có kế hoạch thị trường rõ ràng, phải có nhân sự chuyên trách đi làm việc với hệ thống đại lý, nhà phân phối và tiểu thương địa phương. 
Trong 6 tháng cuối năm 2017 và những năm tiếp theo, dự kiến chương trình Phiên chợ Hàng Việt về nông thôn với những doanh nghiệp năng động sẽ là những nhân tố tích cực, góp phần đưa hàng hóa Việt Nam đến tận tay người tiêu dùng Việt ở những vùng xa xôi nhất của Tổ quốc.

Tin cùng chuyên mục