Hang Tham Luang nhộn nhịp hơn xưa

Vài tháng sau chiến dịch giải cứu đội bóng thiếu niên Lợn Hoang, hang Tham Luang - địa điểm diễn ra vụ giải cứu, đã trở thành một trong những nơi thu hút khách du lịch nhiều nhất ở phía Bắc Thái Lan.
Du khách đến hang Tham Luang
Du khách đến hang Tham Luang

Theo một quan chức địa phương, trung bình mỗi ngày, lượt khách đến địa điểm này từ vài trăm đến hơn 1.000 người. Cao điểm nhất là dịp cuối tuần, số khách lên tới 2.000 người. Hầu hết du khách đến đây muốn khám phá vẻ bí ẩn của hang động từng là nơi diễn ra vụ giải cứu ly kỳ kéo dài 17 ngày ở huyện Mae Sai, tỉnh Chiang Rai. 

Nằm dưới núi Doi Nang Non thuộc khu công viên rừng Tham Luang - Khun Nam Nang Noon ở tỉnh Chiang Rai, Tham Luang có chiều dài khoảng 10km, là một trong những hệ thống hang động phức tạp nhất Thái Lan do phần lớn là các lối đi hẹp, quanh co dẫn đến hang ngầm rộng, rồi lại đi vào rãnh hẹp, độ cao thay đổi theo từng đoạn. Trước đây, vào mùa hè, du khách có thể khám phá vẻ đẹp huyền bí của Tham Luang nếu đi cùng người bản địa, nhưng không được phép vượt qua biển báo cấm. Còn nay, cửa vào hang Tham Luang đã bị tạm đóng sau chiến dịch giải cứu. 

Dù không vào được tận trong hang, du khách vẫn có thể nhìn ngắm hoặc chụp ảnh từ bên ngoài hoặc đến tham quan 3 hang động gần đó là Buddha, Naga và Chamois.

Sau chiến dịch giải cứu, Chính phủ Thái Lan đã bật đèn xanh cho kế hoạch đưa công viên Tham Luang - Khun Nam Nang Noon trở thành địa điểm thu hút khách du lịch quốc tế. Tổng cục Du lịch Thái Lan cũng cân nhắc phát triển một tuyến du lịch mới, không chỉ quảng bá riêng hang Tham Luang mà còn khu vực lân cận như Isan Lanna, làng sản xuất hạt trà...  

Hiện nay, một bảo tàng ghi lại dấu ấn vụ giải cứu đội bóng và tưởng niệm thợ lặn Saman Gunan đã chết trong chiến dịch giải cứu đang được gấp rút xây dựng ở khu vực này. Dự kiến, một resort sẽ sớm đi vào hoạt động để phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách. 

Trở lại câu chuyện giải cứu hồi tháng 7 năm ngoái, để cứu đội bóng Lợn Hoang và huấn luyện viên, hàng loạt máy bơm đã được vận hành để hạ thấp mực nước bên trong hang động. Hàng triệu lít nước được hút ra mỗi giờ, đổ xuống đồi, làm ngập các cánh đồng rau và vườn trái cây xung quanh. Một trong số các ruộng này là của ông Archawin Mopoaku, một người dân tộc Akha. Mảnh ruộng trồng dứa của ông bị nước từ trong động làm ngập úng, nhưng ông không phàn nàn. Thậm chí, ông còn bỏ nghề nông một thời gian và tự nguyện chặt tre giúp quân đội mang đồ tiếp tế đến cửa hang. Đến nay, cánh đồng dứa của ông Archawin vẫn chưa được cải tạo. Nhưng thay vào đó, ông bán cam từ vườn cây của mình cho khách du lịch và còn kiếm nhiều tiền hơn việc bán dứa. 

Ông Archawin nói: “Trước khi có cuộc giải cứu, khu vực này rất yên tĩnh. Chỉ thỉnh thoảng một vài người nước ngoài đến để khám phá các hang động. Sau cuộc giải cứu, có rất nhiều người đến và những người dân thiểu số sống trên đồi như tôi kiếm sống rất tốt”. Cũng từ đó đến nay, đã có hơn 100 quầy bán hàng nhỏ bán đủ món hàng lưu niệm như áo thun, thực phẩm, nước uống, mở trên con đường dẫn vào hang. 

Hầu hết du khách đến hang Tham Luang do tò mò, nhưng cũng có người đến hang để tìm hiểu thế giới tâm linh huyền bí. Tên đầy đủ của hệ thống hang nơi đội bóng thiếu niên mắc kẹt là Tham Luang Nang Non, có nghĩa là “hang động lớn của cô gái đang ngả lưng”. Theo truyền thuyết, hang này là nơi chứa đựng linh hồn của một công chúa thuộc vương quốc cổ Chiang Rung, chính là tỉnh Chiang Rai hiện nay. Nhiều người dân Thái Lan tin rằng, công chúa là linh hồn bảo vệ hang Tham Luang.

Tin cùng chuyên mục