Hàng hóa quá cảnh: Thông thoáng nhưng phải đảm bảo quyền lợi quốc gia

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng yêu cầu, một mặt đảm bảo tính kết nối thông suốt của ngành hải quan Việt Nam với các nước khác, nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo tính an toàn của hệ thống thông tin, đảm bảo quyền lợi của quốc gia, của tổ chức và cá nhân Việt Nam và đặc biệt là không để tội phạm lợi dụng biến nước ta thành điểm trung chuyển hàng hóa cấm. 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đọc Tờ trình của Chính phủ và cho ý kiến về dự thảo Nghị định, sáng 17-9-2019. Ảnh: QUOCHOI
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đọc Tờ trình của Chính phủ và cho ý kiến về dự thảo Nghị định, sáng 17-9-2019. Ảnh: QUOCHOI

Sáng 17-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ và cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hoá quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, văn bản này nhằm tạo cơ sở pháp lý để triển khai áp dụng hiện đại hóa hải quan đối với hàng hóa quá cảnh giữa các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam; giảm thủ tục giấy tờ trong việc thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh.

“Thực hiện thủ tục theo quy định của Nghị định thư 7 sẽ thực hiện thủ tục hải quan điện tử trên một hệ thống duy nhất từ nước xuất phát đến nước quá cảnh và đến nước cuối cùng là điểm đích của hành trình quá cảnh, góp phần giảm chi phí và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động quá cảnh hàng hóa giữa Việt Nam và các nước thành viên ASEAN”, người đứng đầu ngành Tài chính giải thích.

Khi được ban hành, Nghị định này cũng sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp tham gia hoạt động quá cảnh hàng hóa, đồng thời đảm bảo cam kết của Việt Nam khi tham gia phê duyệt Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, dự thảo Nghị định đã được chuẩn bị khá kỹ, Bộ Tài chính đã phối hợp với Ủy ban Tài chính Ngân sách tổ chức 3 cuộc họp, đã tiếp thu 23 ý kiến, giải trình 9 kiến, tiếp thu giải trình 3 ý kiến.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Tài chính Ngân sách để hoàn thiện bước cuối cùng, trình Chính phủ ban hành”, Bộ trưởng Bộ Tài chính cam kết.

Cho ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh yêu cầu một mặt đảm bảo tính kết nối thông suốt của ngành hải quan Việt Nam với các nước khác, nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo tính an toàn của hệ thống thông tin, đảm bảo quyền lợi của quốc gia, của tổ chức và cá nhân Việt Nam và đặc biệt là không để tội phạm lợi dụng biến nước ta thành điểm trung chuyển hàng hoá cấm.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đồng ý với ý kiến trên và nhận xét, tình hình buôn lậu qua biên giới hiện đang diễn biến khá nghiêm trọng, nhất là đối với các mặt hàng như gỗ và ma túy. Xuất phát từ nhận định này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại đề nghị cân nhắc kỹ những tiêu chí cho doanh nghiệp ưu tiên được quy định trong Nghị định.

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý, việc ban hành Nghị định – dù là Nghị định độc lập (gọi nôm na là Nghị định “không đầu”) thuộc thẩm quyền của Chính phủ, vì thế, Chính phủ cần chủ động xây dựng và quyết định thời điểm có hiệu lực căn cứ vào pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam có tham gia. 

Tuy nhiên, có 2 nội dung quan trọng chưa được quy định trong pháp luật Việt Nam cần cân nhắc là chế độ bảo lãnh và đặt cọc tiền thuế cho hàng hoá quá cảnh và cơ chế doanh nghiệp ưu tiên.

Trước đó, cơ quan thẩm tra (Ủy ban Tài chính Ngân sách) đã thể hiện quan điểm đồng tình với nội dung dự thảo.

Áp dụng doanh nghiệp ưu tiên trong hoạt động quá cảnh hàng hóa

Theo quy định của Luật Hải quan và Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan và Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/04/2018 của Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định số 08/2015/NĐ-CP thì chế độ doanh nghiệp ưu tiên chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, chưa quy định đối với doanh nghiệp thực quá cảnh hàng hóa.

Để phù hợp với Nghị định thư 7 mà Việt Nam đã ký kết, phê duyệt, tại dự thảo Nghị định đã quy định nội dung liên quan đến doanh nghiệp ưu tiên cụ thể: quy định về điều kiện, quy định việc công nhận, thu hồi, đình chỉ cũng như các nội dung được ưu tiên trong quá trình làm thủ tục hải quan để làm cơ sở triển khai thực hiện (các nội dung ưu tiên tương tự như đối với doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa). Việc bổ sung doanh nghiệp ưu tiên quá cảnh đảm bảo phù hợp với Phần 4 Phụ lục kỹ thuật của Hiệp định.

                                           (Trích Tờ trình của Chính phủ tại phiên họp)

Tin cùng chuyên mục