Hạn chế lừa đảo trực tuyến - Cách nào?

Tại một diễn đàn về khởi nghiệp vừa diễn ra ở TPHCM do Bộ Ngoại giao tổ chức, nhiều chuyên gia quốc tế đã cảnh báo về tình trạng bản quyền của các sản phẩm cũng như nguy cơ bị lấy cắp dữ liệu, lừa đảo qua mạng. 
Bởi thực tế, với xu hướng vạn vật kết nối Internet (IoT) như hiện nay, khả năng bị tấn công qua các thiết bị IoT ngày càng nhiều, thủ đoạn tinh vi hơn trước. Một trong số đó là chiêu thức lừa đảo hợp đồng thương mại trị giá lớn, đánh cắp thông tin tài khoản cá nhân để rút tiền trong ngân hàng…
Hàng cận đát, kém chất lượng
Cuối tuần qua, chị N.H. (ngụ tại đường Trường Chinh, quận Tân Bình) khấp khởi chờ nhận gói hàng ship từ một công ty ở quận 3, gồm kem dưỡng da, nước xịt khoáng từ thương hiệu nổi tiếng của Pháp có giá hơn 1 triệu đồng. Sau khi trả tiền, chị N.H. phát hiện sản phẩm chỉ còn 6 tháng nữa hết hạn nên yêu cầu phía đơn vị bán hàng đổi trả sản phẩm nhưng họ cứ khất lần, không chịu đổi ngay.
Cùng mang tâm trạng bức xúc không kém chị N.H. là trường hợp của anh P.X.H. (ngụ đường Quang Trung, quận Gò Vấp). Cuối tháng 6 vừa rồi, anh P.X.H. có đặt mua chiếc laptop ASUS giá 13 triệu đồng từ một đơn vị bán hàng trực tuyến tại quận 10.
“Chiếc máy chạy tốt được 2 ngày đầu, sau đó chạy chậm, thỉnh thoảng lại “chết máy” đột ngột. Người bán cam kết sẽ đổi hàng mới, nhưng chịu khó… đợi vài tháng nữa mới có hàng về. Ngược lại, nếu muốn trả hàng thì phải chịu trừ phí 10%. Tự dưng tôi bị mất oan hơn 1,3 triệu đồng. Rõ ràng, khách hàng luôn thiệt hại trong những vụ buôn bán thiếu trách nhiệm này”, anh P.X.H. kể lại. 
Hiện nay, nhiều khách hàng cũng rất dễ mua trúng hàng kém chất lượng, quảng cáo một đằng bán hàng một nẻo thông qua các trang mạng xã hội. Thậm chí, có những người rất kỹ tính, dành thời gian thường xuyên theo dõi các trang fanpage nổi tiếng với số lượng người theo dõi lớn, nhiều nhận xét… Thế nhưng, khách mua hàng vẫn bị dính quả lừa. Chẳng hạn, vụ công ty du lịch V. (TPHCM) bán hàng và nhận tiền tại nhà khách hàng, nhưng sau đó sản phẩm kém chất lượng, không như cam kết ban đầu với khách hàng, bị khách kiện thì công ty này lại thách đố “cứ thoải mái kiện ra tòa”. Vấn đề ở chỗ, công ty này thường xuyên “treo đầu dê, bán thịt chó”, bị Thanh tra Sở Du lịch TPHCM phạt hoài đâm “lờn thuốc”. 
Hạn chế lừa đảo trực tuyến - Cách nào? ảnh 1 Người tiêu dùng nên thận trọng khi đặt mua hàng qua mạng. (Trong ảnh: Khách kiểm tra sản phẩm và thanh toán tiền thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh)
Bà Nguyễn Mai, giám đốc kinh doanh một thương hiệu thời trang ở quận 5 (TPHCM), chia sẻ rằng, công ty bà thường xuyên may đo, phân phối các sản phẩm quần áo của Việt Nam cũng như Quảng Châu (Trung Quốc). Nhân viên bán hàng đều sòng phẳng với khách bằng cách nói thật chất lượng, mẫu mã, xuất xứ. Khách thích hàng nào lựa hàng đó.
Thêm nữa, bà Nguyễn Mai cũng phân phối trực tuyến các mặt hàng này (con gái bà Mai quản lý) được hơn 4 năm. Khách quen có mặt trên khắp cả nước, số lượng hàng ổn định. “Tôi làm nghề may mặc được 20 năm. Bạn hàng ra sao, tâm lý người tiêu dùng thế nào tôi đều hiểu. Trong kinh doanh, không thể có kiểu làm ăn chụp giựt, vì làm như vậy thương hiệu sẽ không phát triển lâu bền được”, bà Nguyễn Mai tâm sự.
Ai bảo vệ người tiêu dùng?
Theo luật sư Huỳnh Bửu Minh Ngọc, Công ty Luật TNHH Quốc tế HTC, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 có hiệu lực từ ngày 1-7-2011, đã tạo hành lang pháp lý cần thiết cho việc bảo vệ người tiêu dùng. Căn cứ theo quy định của luật này thì tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được giải quyết thông qua 4 hình thức. 
Thứ nhất là thương lượng. Cách giải quyết tranh chấp bằng cách thương lượng trực tiếp với nhà sản xuất; nhà nhập khẩu; tổ chức, cá nhân gắn tên thương mại lên hàng hóa; tổ chức cá nhân trực tiếp cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng. 
Thứ hai là hòa giải. Giải quyết tranh chấp bằng cách người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng thỏa thuận lựa chọn bên thứ ba là cá nhân hoặc tổ chức hòa giải để thực hiện hòa giải. 
Thứ ba là trọng tài. Phương thức này được sử dụng khi điều khoản trọng tài được tổ chức, cá nhân thông báo trước khi ký kết hợp đồng giao dịch và được người tiêu dùng chấp thuận. 
Cuối cùng là tòa án. Là phương thức khi người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân không thể giải quyết các tranh chấp phát sinh theo 1 trong 3 phương thức trên thì người tiêu dùng có thể lựa chọn hình thức khởi kiện tại tòa án theo quy định của pháp luật.
Thực tiễn cho thấy, việc giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa giải hoặc trọng tài đang là cách giải quyết hiệu quả, đảm bảo được quyền và lợi ích của người tiêu dùng, nhất là trong xu thế mua sắm hàng hóa online phổ biến rộng rãi như ngày nay.
Luật sư Huỳnh Bửu Minh Ngọc khuyến cáo, khi thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm, người tiêu dùng có thể nộp hồ sơ khiếu nại đến cơ quan bảo vệ người tiêu dùng thuộc Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương. Cơ quan này sẽ liên hệ với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ để tiến hành hòa giải. Ngoài ra, tại các địa phương cũng có nhiều kênh hỗ trợ khác cho khách hàng như Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh hoặc TP… Tốt nhất, để tránh gặp rủi ro không đáng có, người tiêu dùng nên thận trọng, cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi quyết định đặt mua bất kỳ món hàng nào.

Tin cùng chuyên mục