Hạn chế lạm dụng ánh sáng nhân tạo

Bên cạnh tình trạng ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn…, vấn đề ô nhiễm ánh sáng cũng đang ngày càng gia tăng tại TPHCM, gây ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe và đời sống người dân. 

 

Đèn Led tiết kiệm điện, hạn chế nhiều ô nhiễm ánh sáng trên quốc lộ qua quận Bình Tân, TPHCM Ảnh: THÀNH TRÍ
Đèn Led tiết kiệm điện, hạn chế nhiều ô nhiễm ánh sáng trên quốc lộ qua quận Bình Tân, TPHCM Ảnh: THÀNH TRÍ
Theo các chuyên gia môi trường, ô nhiễm ánh sáng được hiểu là việc lạm dụng ánh sáng nhân tạo quá mức cần thiết so với khả năng chịu đựng ánh sáng của con người và môi trường. GS-TSKH Lê Huy Bá cho biết: “Ô nhiễm ánh sáng thể hiện ở việc chiếu sáng quá mức cần thiết vào các khu dân cư về đêm, ở những nơi không cần ánh sáng. Việc chiếu sáng với cường độ sáng quá mức sẽ gây hiệu ứng tiêu cực về mặt thị giác như ánh sáng từ đèn cao áp ở các khu vực ngã tư, vòng xoay đông đúc, ánh sáng đèn pha có thể làm giảm thị lực. Một số loại ánh sáng quá sức chịu đựng của con người như ánh sáng của bóng đèn dây tóc phát ra nhiệt độ cao, gây tổn thương về thị lực và ảnh hưởng đến da; ánh sáng ở que hàn, đèn hàn tác động mạnh đến mắt, có thể làm giảm thị lực hoặc gây mù hoàn toàn”. 

Tại TPHCM, việc chiếu sáng tại các tuyến hẻm phần lớn sử dụng các loại đèn tròn, đèn huỳnh quang loại 0,6 - 1,2m, đèn halogen, compact; cùng với đó là các loại chóa đèn cũ, tự chế bằng nhôm, không có bộ phản quang. Tình trạng này dẫn đến chất lượng chiếu sáng không đồng đều, có nơi được chiếu sáng quá mức do lắp đèn công suất lớn. Việc sử dụng đèn không đúng độ sáng yêu cầu, vượt công suất cần thiết cũng gây ra hiện tượng chóa ánh sáng, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Một trong những ảnh hưởng lớn của ô nhiễm ánh sáng, được các chuyên gia nghiên cứu môi trường đưa ra, là ở khu vực có quá nhiều ánh sáng nhân tạo thì cây cối khó phát triển, khu vực có hệ thống đèn chiếu sáng với ánh sáng quá nhiều và liên tục làm cây trồng ở vỉa hè, ở các công viên gần đường giao thông không phát triển được. Ngoài ra, những khu vực ánh sáng được chiếu sáng cả đêm gây tác động lớn đến động vật ăn đêm như cú, dơi, một số loại chim… làm các động vật này phải di chuyển đến nơi khác nên đa dạng sinh học bị ảnh hưởng. 

Bác sĩ Nguyễn Thị Mai, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện FV TPHCM, cho biết: “Theo nghiên cứu của Trường Đại học Harvard, ánh sáng xanh từ màn hình các thiết bị điện tử như điện thoại di động, máy tính, ánh sáng ở đèn LED… có thể làm thoái hóa điểm vàng, võng mạc, cườm nước ở mắt và làm giảm thị lực dẫn đến mù lòa. Tiếp xúc nhiều với ánh sáng xanh sẽ gây ra hội chứng máy vi tính khiến mắt người cứ nhìn thấy ánh sáng xanh nhấp nháy. Ánh sáng xanh cũng làm rối loạn giấc ngủ, gây ra các bệnh tiểu đường, tim mạch, béo phì. Để giảm tác hại của ánh sáng xanh, mọi người có thể sử dụng kính đeo mắt có phủ lớp lọc ánh sáng xanh, dùng miếng chắn lọc ánh sáng xanh ở màn hình máy tính, laptop. Để hạn chế tác hại của ánh sáng xanh ngoài tự nhiên, khi ra đường cần đeo kinh râm sẫm màu. Nhằm giảm tác động của các loại ánh sáng đến mắt và sức khỏe, cần tránh tiếp xúc gần và lâu với các loại ánh sáng có nhiệt độ cao, không tắt đèn khi sử dụng các thiết bị điện tử và không sử dụng thiết bị điện tử 2 giờ trước khi đi ngủ”. GS-TSKH Lê Huy Bá cũng đề xuất, TP cần quy định khung giờ bật sáng đối với biển quảng cáo trên đường, tại các tòa nhà cao tầng. Tăng cường trồng cây để tán xạ ánh sáng, sử dụng các vật liệu tán xạ ánh sáng ở nhà, công trình lớn. Ở công trình công cộng cần chuyển sang sử dụng đèn có lồng cách nhiệt và giảm công suất chiếu sáng ngoài trời, sử dụng bóng đèn công suất nhỏ, tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, thực hiện các giải pháp khuyến khích người dân tận dụng ánh sáng tự nhiên, sử dụng đèn có ánh sáng trắng, đèn LED, chỉ bật đèn khi thực sự cần thiết, sử dụng các loại đèn có chức năng hẹn giờ, làm mờ hoặc có chức năng kiểm soát cường độ ánh sáng.

Tin cùng chuyên mục