Hạn chế điểm nóng ùn tắc giao thông

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM  đã hoạch định kế hoạch khá chi tiết để xử lý, kiểm soát các điểm nóng có nguy cơ cao xảy ra ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố. 

Nhóm giải pháp công trình sẽ bao gồm việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tiến độ giải tỏa mặt bằng thực hiện các công trình… Trong khi đó, nhóm các giải pháp phi công trình sẽ bao gồm các phần việc như làm tốt công tác tổ chức phân luồng giao thông, lắp đặt thêm camera giám sát giao thông, tổ chức điều tiết giao thông, kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm làm ảnh hưởng đến giao thông, rà soát và kiểm soát tốt các điểm tập trung đông người, công tác tuyên  truyền vận động…

Có một thực tế rằng, công tác xử lý, kiểm soát các điểm nóng giao thông nói riêng và công tác đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố nói chung không thể tách rời với việc lập lại trật tự kỷ cương đường phố. Vấn đề lập lại trật tự kỷ cương đường phố không phải đến bây giờ mới được chú ý bởi cách đây 6 năm, vào đầu năm 2012, UBND TPHCM đã đề ra kế hoạch thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Đáng chú ý trong đó là kế hoạch tổng thể gồm một loạt biện pháp để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng ùn tắc giao thông. Đó là lập lại trật tự, kỷ cương đường phố; bố trí lệch giờ làm việc, giờ học tập; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình giao thông; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, bảo đảm khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu; nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải hành khách công cộng... Các biện pháp ấy đều quan trọng, cần thiết và gần như giữa chúng có mối quan hệ hỗ tương, cái này tác động xa gần đến cái kia. Nói cách khác, không có biện pháp nào thứ yếu nhưng quan trọng là có sự đa dạng và linh động khi triển khai từng biện pháp trong thực tế. Điều này đến nay vẫn còn tính thời sự, tức là vẫn hợp thời.

Lấy ví dụ phần trách nhiệm và đóng góp từ chính quyền các quận huyện trong vấn đề giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, chợ tự phát… Tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, đặc biệt vào chiều tối để kinh doanh hàng quán, vui chơi giải trí, chợ tự phát, chợ hàng “xôn” và kể cả chợ đêm, một mặt choáng hết lối đi dành cho khách bộ hành, mặt khác gây mất trật tự an toàn giao thông khu vực. Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM, nói rằng trong vấn đề này trách nhiệm chính thuộc về chính quyền các quận, huyện và vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương là rất quan trọng, cũng như chủ tịch UBND các quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TPHCM về vấn đề này.

Một yếu tố khác cũng tác động gây ra tình trạng ùn tắc giao thông, là việc phát triển đô thị tập trung quá cao ở khu vực trung tâm thành phố, từ đó làm mất cân đối giữa quy mô phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Không những tập trung mật độ dày đặc ở khu vực trung tâm, tình trạng nhiều hạng mục công trình, tụ điểm thu hút đông người nhưng lại thường được quy hoạch, cấp phép đặt để tại mặt tiền ở những nút giao vốn dĩ sầm uất người - xe cũng là điều cần phải xem lại. Có thể kể đến trường hợp tiêu biểu ở ngã sáu Gò Vấp, nơi hội tụ của siêu thị BigC chễm chệ ở góc đường Nguyễn Kiệm - Phạm Ngũ Lão phía bên này và siêu thị Văn Lang hoành tráng ở góc Nguyễn Oanh - Quang Trung phía bên kia, còn ở góc đường Nguyễn Kiệm (lưu thông một chiều) có cơ sở đào tạo ngoại ngữ, thu hút nhiều học viên và chưa tính hàng quán, cửa hàng, cửa tiệm vây quanh khu vực ngã sáu Gò Vấp. Có thể nói, công tác quy hoạch và chỉnh trang phát triển đô thị cũng đòi hỏi phải có cách làm mới, nếu muốn góp phần làm giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên toàn địa bàn thành phố.

Tin cùng chuyên mục