Hai câu chuyện về văn hóa giao thông

Trong những ngày đầu năm mới, cộng đồng mạng xôn xao bàn luận 2 câu chuyện về văn hóa giao thông.


Chuyện thứ nhất xảy ra mùng 1 tết, khi ông Nguyễn Thanh Tuấn (36 tuổi, ngụ phường Xuân Hòa, thị xã Long Khánh, Đồng Nai) đang ngồi trong ô tô, thì con ông vô ý băng qua đường không quan sát nên va phải xe máy của một phụ nữ đang chở con nhỏ, ông Tuấn đã hùng hổ lao ra tát người phụ nữ này. Ông Tuấn còn muốn hành hung tiếp, may mà có người khác can ngăn. Video clip ghi lại sự việc này được tung lên mạng xã hội, mọi người bình luận, phê phán kịch liệt về sự hành xử hồ đồ, kém văn hóa của ông Tuấn. Công an và chính quyền địa phương cũng vào cuộc, truy ra ông Tuấn để có biện pháp xử lý. Trước sức ép của dư luận, ngày mùng 3 tết, ông Tuấn đã phải lên tiếng xin nạn nhân tha lỗi và mong những người quan tâm tới sự việc này bỏ qua.

Chuyện thứ hai xảy ra mùng 2 tết, một gia đình đi ô tô trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã thản nhiên dừng xe trên làn dừng khẩn cấp của cao tốc, trải thảm, bày tiệc ăn uống và còn “hồn nhiên” livestream khoe với mọi người. Cộng đồng mạng chẳng ngây thơ hoan nghênh việc này, mọi người đã bình luận, phê phán đây là hành vi gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng, gia đình này đã tự đặt mình và những người tham gia giao thông trên cao tốc vào hiểm họa. Trung tâm Điều hành đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và Đội Cảnh sát giao thông số 1 đã nhanh chóng truy tìm những người vi phạm để xử lý. Đến lúc bấy giờ, những người vi phạm mới tỉnh ngộ, lên tiếng xin lỗi mọi người vì “đãng trí và lú lẫn chứ trong tâm và suy nghĩ không cố tình làm vậy”.

Hai câu chuyện về cách hành xử sai trái về văn hóa giao thông trong 2 ngày đầu năm, nhưng sau đó lại cho chúng ta những cảm nhận, suy nghĩ tích cực. Qua phản ứng của dư luận trên cộng đồng mạng cho thấy, đa số người dân đã có ý thức cao về văn hóa ứng xử, văn hóa giao thông và am hiểu pháp luật về giao thông đường bộ; không dễ dãi, không thỏa hiệp với những hành vi thiếu kiềm chế, hành xử bạo lực khi xảy ra va chạm trên đường; không chấp nhận việc tùy tiện chiếm dụng lòng đường, vi phạm luật, gây mất an toàn giao thông. Cũng rất đáng hoan nghênh việc chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên quan đã nhanh chóng vào cuộc một cách có trách nhiệm dù đang trong những ngày nghỉ tết. Phản ứng đúng đắn và mạnh mẽ của dư luận và các cơ quan chức năng liên quan đã khiến những người có hành vi vi phạm biết nhận ra sự sai trái của mình. Vui khi cuối cùng những người đã lầm lỗi về văn hóa giao thông cũng đã nhận ra lỗi của mình và nghiêm túc nhận lỗi.

Văn hóa giao thông là tập hợp các cách thức xử sự, ứng xử khi tham gia giao thông: hiểu biết và nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông; có tính cộng đồng khi tham gia giao thông, có ý thức bảo đảm an toàn cho những người khác; tuân thủ của các chuẩn mực đạo đức và cư xử có văn hóa khi lưu thông trên đường. Khi việc hành xử sai trái, vi phạm luật giao thông trong mắt mọi người đã trở thành hành vi lố bịch, bị cộng đồng lên án và bị các cơ quan chức năng nghiêm túc xử lý, cho thấy ý thức văn hóa giao thông trong xã hội ta đã được nâng lên. Hai câu chuyện nêu trên trở thành bài học thấm thía không chỉ với những người vi phạm trong cuộc, mà sẽ là bài học cho tất cả mọi người khi tham gia giao thông.

Xây dựng văn hóa giao thông là biện pháp quan trọng nhất nhằm kéo giảm tai nạn giao thông, yêu cầu trước hết là mỗi người tham gia giao thông có ý thức tự giác chấp hành luật giao thông, có ý thức cộng đồng, hành xử có văn hóa. Khi cộng đồng, dư luận và các cơ quan chức năng liên quan không lơ là, không thỏa hiệp, không dung túng đối với những ai tham gia giao thông mà thiếu văn hóa giao thông, thì sẽ tạo ra hiệu ứng xã hội để xây dựng văn hóa giao thông thành một tiêu chí về nhân cách. Khi tham gia giao thông, ai lỡ hành xử thiếu văn hóa giao thông sẽ phải thấy tự ngượng ngùng, xấu hổ.

Tin cùng chuyên mục