Góp ý kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động nhận chìm 1 triệu m³ bùn thải

Sở TN-MT tỉnh Bình Thuận cho biết đã có thông báo đến Bộ TN-MT, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Môi trường, Viện Hải dương học, các sở, ban, ngành... góp ý kế hoạch.
Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân tỉnh Bình Thuận.
Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân tỉnh Bình Thuận.

Theo dự thảo Kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động nhận chìm 1 triệu m³ bùn do Sở TNMT tỉnh Bình Thuận soạn thảo, việc kiểm tra, giám sát nhằm chủ động, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường biển, hạn chế thấp nhất khả năng xảy ra các vấn đề và sự cố môi trường. 

Ngày 5-7, Sở TN-MT tỉnh Bình Thuận cho biết, đơn vị đã có thông báo đến Bộ TN-MT, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Môi trường, Viện Hải dương học, các sở, ban, ngành, địa phương và các hội có liên quan góp ý Kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động nhận chìm gần 1 triệu m³ bùn ở biển của Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận).

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Thuận về việc triển khai thực hiện giấy phép nhận chìm bùn ở biển của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở TN-MT tỉnh Bình Thuận đã dự thảo Kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động này.

Một góc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Tiến

Theo dự thảo, việc kiểm tra, giám sát nhằm chủ động, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường biển, hạn chế thấp nhất khả năng xảy ra các các vấn đề và sự cố môi trường. Đồng thời, qua đó kịp thời cung cấp thông tin liên quan và phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh.

Đối tượng kiểm tra, giám sát là Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1. Thời gian kiểm tra, giám sát bắt đầu từ đầu tháng 7-2017 và kết thúc vào ngày 1-7-2018.

Trong đó, từ ngày 1-7-2017 đến ngày 31-10-2017, kiểm tra, giám sát các điều kiện cần thiết trước khi cho phép Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 tiến hành hoạt động nhận chìm ở biển.

Cũng theo dự thảo, trong thời gian Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 tiến hành hoạt động nhận chìm bùn ở biển, các ngày trong tuần các thành viên Tổ công tác có trách nhiệm theo dõi việc thực hiện, nắm thông tin và đánh giá tình hình thực hiện của các dự án. Định kỳ 2 tuần/lần tổ chức 1 đợt giám sát thực tế tại dự án, thời gian thực hiện do Tổ trưởng Tổ công tác quyết định. Hàng tháng tiến hành lấy mẫu, phân tích chất lượng nước biển và báo cáo kết quả các vị trí giám sát hoạt động nhận chìm ở biển và xung quanh của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1.

Từ ngày 1-11-2017 đến ngày 1-7-2018, thực hiện theo dõi, giám sát chất lượng nước biển, hệ sinh thái khu vực biển nhận chìm và xung quanh.

Dư luận xã hội, các nhà khoa học cho rằng, nếu việc nhận chìm bùn thải xuống biển được tiến hành, Khu bảo tồn biển Hòn Cau sẽ bị ảnh hưởng. Ảnh: Nguyễn Tiến

Dự thảo cũng đưa ra nhiệm vụ chung của các các sở, ban, ngành, địa phương như: Cử cán bộ tham gia Tổ công tác theo dõi việc thực hiện nhận chìm ở biển và thường xuyên nắm tình hình để xử lý kịp thời; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm soát, hướng dẫn, tổ chức thông tin, thông báo, tuyên truyền tình hình liên quan đến hoạt động nhận chìm ở biển, đảm bảo bảo vệ môi trường biển, an toàn giao thông đường thủy nội địa, an toàn hàng hải, giữ vững an ninh, ổn định trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Đồng thời phối hợp với Bộ, ngành chủ quản thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động nhận chìm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, kịp thời xử lý theo thẩm quyền khi phát hiện Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 có các hành vi vi phạm, không tuân thủ đúng quy định tại Giấy phép, hoạt động nhận chìm có nguy cơ gây tác động, ảnh hưởng, làm ô nhiễm môi trường, hệ sinh thái, đa dạng sinh học.

Bên cạnh đó, kịp thời thông tin, báo cáo, đề xuất các vấn đề liên quan đến hoạt động nhận chìm ở biển của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đến Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận để xem xét, xử lý;…

Riêng Ban quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong), phải theo dõi diễn biến môi trường, hệ sinh thái của khu bảo tồn, nếu có bất kỳ sự thay đổi nào thì phải báo cáo ngay.

Đồng thời, đơn vị này phải tổng hợp số liệu, dữ liệu về hệ sinh thái Khu bảo tồn biển Hòn Cau trước khi Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 thực hiện nhận chìm ở biển để làm cơ sở thực hiện đến bù thiệt hại nếu sự cố xảy ra.

Như đã thông tin, ngày 23-6, Bộ TN-MT cấp giấy phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m³ vật, chất thải xuống biển. Sự việc này khiến dư luận xã hội và các nhà khoa học tỏ ra lo lắng vì cho rằng, việc làm này sẽ gây ra những tác động nhất định đến môi trường, kinh tế, xã hội tại khu vực, nhất là ảnh hưởng đến Khu bảo tồn biển Hòn Cau, khu nuôi trồng thủy sản và đời sống, sản xuất của nhân dân gần khu vực nhận chìm.

Tin cùng chuyên mục