Gỡ rào cản phòng vệ thương mại

Để bảo vệ sản xuất nội địa, tại nhiều nước như Mỹ, Canada, Liên minh châu Âu… đã và đang áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại lên sản phẩm nhập khẩu đến từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam. 
Điều này đã gây khó cho doanh nghiệp (DN) Việt, nhất là trong bối cảnh nội lực sản xuất của DN còn yếu, không đủ năng lực tài chính, thông tin và kinh nghiệm để theo đuổi các vụ kháng kiện tranh chấp thương mại. 
124 vụ kiện phòng vệ thương mại
Theo Bộ Công thương, tính đến nay đã có 124 vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài điều tra và áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (chống bán phá giá 75 vụ, chống trợ cấp 10 vụ, chống lẩn tránh thuế 17 vụ và tự vệ 22 vụ). Mỹ vốn là thị trường truyền thống và chủ lực của hàng xuất khẩu Việt Nam, cũng là nước có số vụ điều tra hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nhiều nhất - 23 vụ. Kế đến là Thổ Nhĩ Kỳ 18 vụ, Ấn Độ 15 vụ, liên minh các nước châu Âu 15 vụ và còn lại là các nước khác. Năm 2017 là năm có số vụ điều tra phòng vệ thương mại lớn nhất, với 13 vụ.
Theo đó, tùy vào mặt hàng chủ lực xuất khẩu của DN Việt Nam vào thị trường mỗi nước mà các mặt hàng bị điều tra cũng khác nhau, phổ biến cả cho một số sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ USD như sắt, thép, thủy sản, máy giặt, xơ sợi, đến những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu nhỏ (chưa tới 1 triệu USD) như tủ dụng cụ, tháp gió, giày dép, túi ni lông, lốp xe máy và xe đạp, đèn huỳnh quang…
Gỡ rào cản phòng vệ thương mại ảnh 1 Túi ni lông xuất khẩu - mặt hàng bị điều tra phòng vệ thương mại tại một số nước. Ảnh: CAO THĂNG
Một số vụ việc nổi bật và có tác động tiêu cực đến sản xuất của DN trong nước như Mỹ điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với pin năng lượng mặt trời, thép cán nguội và thép carbon chống mòn, tôm, cá da trơn... Còn Australia thì điều tra chống bán phá giá với dây thép. Thậm chí, trong cuộc điều tra này, Australia đã áp dụng điều kiện thị trường đặc biệt - một điều khoản tương đương với việc xác định nền kinh tế phi thị trường. Riêng Canada thì điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm khớp nối bằng đồng của Việt Nam… 
Lý giải thực tế này, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải cho biết, việc chậm công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường là nguyên nhân chính khiến cho DN nội có nguy cơ đối mặt với rào cản thương mại. Tính đến nay, chỉ có 69 nước công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam. Trong khi đó, các thị trường nhập khẩu lớn hàng hóa của Việt Nam là Mỹ, châu Âu, Canada, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ… lại không công nhận điều này. Thực tế này đã dẫn đến phương pháp tính biên độ bán phá giá gây thiệt hại lớn cho các DN Việt Nam. 
Một vấn đề khác được các hiệp hội DN đưa ra là thực tế thời gian qua, thông tin hàng hóa của Việt Nam đến thị trường nước ngoài còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, nhiều báo chí trong và ngoài nước liên tục phản ánh hàng hóa Việt Nam có gian lận xuất xứ. Do vậy, các nước đã đặt nghi vấn về việc một lượng lớn hàng hóa của các nước khác di chuyển sang Việt Nam để gian lận xuất xứ, nhằm tận dụng tối đa ưu đãi thuế xuất khẩu. 
Tăng phòng vệ
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Công thương cho biết, phải sau ngày 31-12-2018, theo cam kết WTO, các nước sẽ không còn được mặc nhiên coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường. Tuy nhiên, trong thời gian này, Bộ Công thương chủ động thu thập thông tin liên quan và cùng với tham tán thương mại của Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ DN làm việc trực tiếp với các tổ chức, các bên liên quan đến điều tra phòng vệ thương mại. Trên cơ sở đó, xây dựng phương án ứng phó để đảm bảo lợi ích cho các DN Việt Nam. Hiện bộ đã cùng với các DN tháo gỡ 37 vụ điều tra thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. 
Bên cạnh đó, bộ cũng hỗ trợ các DN trong nước thực hiện khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại với những hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam. Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết tại nước ta, việc khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại tuy chưa nhiều nhưng cũng sẽ được nghiên cứu xem xét thực hiện phổ biến, nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các DN trong nước.
Ngược lại, các vụ việc phòng vệ thương mại mà DN nội phải đối mặt trên thị trường thế giới dự báo cũng sẽ ngày càng nhiều, nhất là trong bối cảnh chính sách bảo hộ thương mại cực đoan đang được nhiều nước tận dụng. Do đó, biện pháp khả thi nhất nhằm giảm thiểu rủi ro chính là DN phải chủ động mở rộng thị trường xuất khẩu. Hiện Việt Nam đang có giao thương với 200 quốc gia trên thế giới nhưng hàng hóa Việt chỉ mới xuất khẩu hơn 50 nước. Trong thời gian tới, Bộ Công thương yêu cầu các tham tán thương mại hỗ trợ DN tiếp cận và mở rộng hơn nữa thị trường xuất khẩu. Song song đó, bộ đẩy mạnh làm việc với phía Mỹ và châu Âu để xem xét lại chính sách kinh tế thị trường đối với Việt Nam. 
Mặt khác, Bộ Công thương tham mưu để Chính phủ ban hành quy định pháp lý về việc chế tài đối với những DN không phối hợp đầy đủ vào quá trình kháng kiện vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại. Bởi, việc một quốc gia tiến hành điều tra và áp thuế phòng vệ thương mại đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sẽ có nguy cơ dẫn tới các quốc gia khác cũng tiến hành điều tra với sản phẩm tương tự nhập khẩu từ Việt Nam. Do vậy, DN cần phải hợp tác chặt chẽ với cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin liên quan đến công tác kháng kiện, tránh tình trạng DN né tránh, không cung cấp thông tin, thậm chí ém thông tin, dữ liệu, số liệu hàng hóa xuất khẩu. Hệ quả là không phải chỉ có một DN xuất khẩu mà tất cả DN ngành hàng đó đều bị thiệt hại.
Chỉ tính từ năm 2017 đến nay, bộ đã ban hành quyết định cuối cùng của 3 vụ phòng vệ thương mại. Cụ thể, sản phẩm tôn màu ngoài hạn ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan sẽ chịu mức thuế tự vệ là 19%; sản phẩm tôn mạ kẽm xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc lần lượt chịu mức thuế chống bán phá giá 26,37% - 38,34% và 19%; sản phẩm thép hình chữ H xuất xứ từ Trung Quốc sẽ phải chịu mức thuế chống bán phá giá 20% - 30%.

Tin cùng chuyên mục